Tòa án Pháp phán quyết rằng đơn kiện của bà Trần Tố Nga chống lại 14 công ty đã sản xuất và bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam là một đơn kiện "không được chấp nhận", theo AFP.
Năm 2014, bà đã đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam - trong đó bao gồm Monsanto, công ty hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer (Đức), và Dow Chemical.
Phiên tòa diễn ra từ hôm 25/1 tại tòa án ở Ervy, ngoại ô Paris.
Bà Trần Tố Nga đòi trách nhiệm của các công ty này về những tổn thương mà bà, con bà, và số số nạn nhân Việt Nam khác phải gánh chịu do chất độc màu da cam.
Là một phần trong chiến dịch Ranch Hand nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội miền Bắc Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải khoảng 76 triệu lít chất độc da cam từ năm 1961 đến năm 1971.
Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Julien Falsimagne.
Bà Trần Tố Nga từng là nhà báo và nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam ở độ tuổi 20. Bà cho biết mình đang phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và một chứng dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp.
Bà cũng cho biết mình đã mắc bệnh lao hai lần, phát triển thành ung thư. Một người con gái của bà đã chết do dị tật tim.
Bà Tố Nga mô tả vụ kiện là "cuộc chiến cuối cùng" của cuộc đời mình.
Các công ty bị kiện phản biện rằng bên duy nhất phải chịu trách nhiệm cho việc rải chất độc màu da cam là quân đội Mỹ. Một đại diện của tập đoàn Bayer nói rằng "các nhà cung cấp trong chiến tranh" không chịu trách nhiệm, theo AFP.
Cho đến nay, chỉ mới có các cựu binh ở Mỹ, Australia và Hàn Quốc được bồi thường vì hậu quả của loại hóa chất có độc tính được ước tính cao gấp 13 lần so với chất diệt cỏ thông thường như glyphosate.
Năm 1984, 7 công ty hóa chất đã bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ tổng số tiền 250 triệu USD, sau khi 16.000 người khiếu kiện, nói việc tiếp xúc với chất độc da cam đã gây ra các dạng ung thư hiếm gặp, tổn thương thần kinh, rối loạn gan và các vấn đề về da. Các nguyên đơn cũng nói hóa chất này khiến vợ họ bị sảy thai hoặc gây ra dị tật bẩm sinh ở con cái của họ.
Tuy nhiên, các vụ kiện dân sự cho đến nay vẫn không thành công.
Các cựu binh Mỹ, Australia và Hàn Quốc trước đây đã giành được tiền bồi thường do hậu quả của chất độc da cam.
Trong hơn một thập kỷ, quân đội Mỹ đã rải hàng chục triệu lít hóa chất khai quang trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Hàng triệu người ở Việt Nam, Lào và Campuchia bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Nhiều thế hệ trẻ em được sinh ra với tỷ lệ khuyết tật cao, bao gồm hội chứng down, bại não và biến dạng mặt nghiêm trọng. Những tác động như vậy được cho là có liên quan đến chất khai hoang này.
Theo Zing