Tội ác của nữ y tá mang biệt danh 'góa phụ đen'

“Góa phụ đen” quả quyết rằng cô làm như vậy để giúp bệnh nhân thoát khỏi đau khổ, và cô chỉ làm theo yêu cầu của họ.

Năm 1998, một số bệnh nhân chết một cách đáng ngờ tại Bệnh viện Francois Quesnay ở Mantes-la-Jolie, ngoại ô Paris (Pháp).

Sự nghi ngờ nhanh chóng đổ dồn về nữ y tá trẻ Christine Malèvre. Để rồi, mọi người ngỡ ngàng khi tội ác được đưa ra ánh sáng. Và câu chuyện của “góa phụ đen” Malèvre đã thu hút sự quan tâm của toàn nước Pháp.

Niềm đam mê bệnh hoạn

Christine Malèvre sinh năm 1970 trong một gia đình gia giáo ở thành phố Mantes-la-Jolie, Pháp. Mẹ của cô là một y tá chuyên nghiệp và cha là quản đốc tại Renault. Sống trong gia đình khá giả, tưởng chừng Malèvre luôn hạnh phúc. Thế nhưng, cô lại có tuổi thơ không mấy suôn sẻ.

Ngay từ nhỏ, Malèvre đã phải chống chọi với căn bệnh béo phì và chứng trầm cảm thường trực do cô từng bị một giáo viên xâm hại tình dục vào năm 12 tuổi. Ngoài ra, do chị gái của cô, Catherine Malevre, sức khỏe không được tốt nên bố mẹ luôn dành thời gian chăm sóc chị mà ít quan tâm tới cô.

Nhìn thấy bố mẹ chăm sóc chị, cô muốn trở thành y tá, và đó chính là chất xúc tác cho những tội ác của cô sau này.

Tội ác của nữ y tá mang biệt danh góa phụ đen-1
Christine Malèvre. Ảnh: Murderwinecheese.

Năm 1995, cô tốt nghiệp loại xuất sắc tại trường điều dưỡng Mantes. Một năm sau, ở tuổi 26, cô làm việc tại khoa thần kinh - hô hấp.

Christine Malèvre có dáng người nhỏ nhắn, bụ bẫm cùng khuôn mặt dễ mến và giọng nói truyền cảm. Bị mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, Malèvre tự mô tả mình là “người theo chủ nghĩa hoàn hảo” và “người theo chủ nghĩa lý tưởng”.

Cô tận tâm với người bệnh đến mức quên bản thân là một y tá. Sự nhiệt tình của cô còn khiến đồng nghiệp khó chịu.

Cô thường đến đám tang của bệnh nhân và ngây ngất trước sự đau khổ của người khác. Đặc biệt, theo kết quả kiểm tra của các bác sĩ tâm thần, Malèvre có một “niềm đam mê bệnh hoạn với bệnh tật”.

Ngoài ra, các đồng nghiệp của cô ở bệnh viện ở Mantes-la-Jolie cũng cho biết Malèvre có nỗi ám ảnh kinh hoàng với căn bệnh hiểm nghèo và cái chết. Một nghiên cứu thống kê cho thấy bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần khi được Malèvre chăm sóc.

Lời thú tội

Năm 1998, Jacques Guitton, một bệnh nhân qua đời đột ngột khiến mọi người dấy lên nghi ngờ. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Sau một hồi điều tra, cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra rằng Malèvre rất thân thiết với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và luôn tình nguyện chăm sóc và chuẩn bị thi thể để đem về cho gia đình.

Ngày 7/5/1998, Malèvre bị thẩm vấn và thú nhận đã giúp khoảng 30 bệnh nhân xấu số qua đời. Các điều tra viên bị sốc trước lời thú tội nhanh chóng của cô.

Cô cho biết mục tiêu giết người của mình là những bệnh nhân mắc bệnh nan y trong độ tuổi từ 72 đến 88. Vì vậy, Malèvre bị buộc tội ngộ sát và được thả ra trong khi chờ xét xử. Tuy nhiên, sau đó, cô chỉ thừa nhận bản thân giết 4 người, trong đó có một người là "tình cờ".

Trong cuốn sách có tựa đề “My Confession” (tạm dịch: Lời thú nhận của tôi), Malèvre chia sẻ: “Tôi đã giúp mọi người chấm dứt đau khổ và ra đi trong hòa bình. Tôi không giết người. Tôi không phải là tội phạm”.

Các đồng nghiệp đã đặt cho Malèvre biệt danh “góa phụ đen”. Bên cạnh đó, các công tố viên tin rằng cô kết liễu cuộc sống của các bệnh nhân chỉ vì niềm đam mê bệnh hoạn của mình với bệnh tật, và để thỏa mãn sự cưỡng bách của bản thân hơn là thể hiện lòng trắc ẩn đối với họ.

Tội ác của nữ y tá mang biệt danh góa phụ đen-2
Christine Malèvre bị bắt vào năm 1998. Ảnh: Soirmag.

Mặc dù có nhiều ý kiến ​​trái chiều, trường hợp của Malèvre đã làm dấy lên những tranh luận nhằm hợp pháp hóa “cái chết êm ái” ở Pháp. Trong các năm qua, Hà Lan và Bỉ đã hợp pháp hóa quyền được chết trong những điều kiện nghiêm ngặt. Thụy Sĩ cũng hợp pháp hóa việc trợ tử.

Tuy nhiên, không giống như trợ tử, việc nhờ người khác sử dụng thuốc hay các phương tiện khác để kết thúc cuộc sống đều bị cấm ở Pháp và phải chịu mức án lên đến 30 năm tù. Và phiên tòa xử Malèvre đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về “cái chết êm ái” ở Pháp.

Vào đầu tháng 1/2003, một tòa án của Pháp chỉ tuyên án 2 năm tù treo đối với Elie Bendayan khi bắn chết vợ. Vợ của Bendayan mắc bệnh Alzheimer, và các sĩ quan cảnh sát mô tả vụ giết người là một hành động của tình yêu.

Vào tháng 12/2003, mẹ của cựu Thủ tướng Pháp Lionel Jospin và một nhà hoạt động ủng hộ cái chết êm ái đã tự tử. Cũng trong tháng 12 này, một người đàn ông 21 tuổi, bị mù và liệt toàn thân do tai nạn xe hơi, đã cầu xin Tổng thống Jacques Chirac để có thể kết thúc cuộc sống một cách hợp pháp.

Trong một cuộc khảo sát, 88% người Pháp ủng hộ hợp pháp hóa “cái chết êm ái” trong một số điều kiện nhất định. Nhưng Bộ trưởng Y tế Pháp, tiến sĩ Jean-Francois Mattei, kiên quyết phản đối và gọi đó là "câu trả lời sai lầm cho các câu hỏi về đau khổ, cô đơn và bị bỏ rơi".

Tội ác của nữ y tá mang biệt danh góa phụ đen-3
Người dân diễu hành ủng hộ “cái chết êm ái”. Ảnh: Reuters.

Trả giá

Phiên tòa xét xử Christine Malèvre bắt đầu vào ngày 20/1/2003. Tuy nhiên, “góa phụ đen” vẫn quả quyết rằng cô làm như vậy để giúp bệnh nhân thoát khỏi đau khổ và cô chỉ làm theo yêu cầu của họ.

Với lời biện minh đó, chỉ có hai gia đình tin cô. Các gia đình khác cho rằng người thân của họ không muốn chết, đặc biệt khi họ không kịp nói lời từ biệt. Trước hàng loạt cáo buộc, Christine Malèvre đã phải trả giá cho tội ác của mình.

Vào ngày 30/1/2002, cô bị kết án 10 năm tù giam và tước bằng y tá. Đây là mức án nhẹ nhất cho những gì Malèvre đã làm.

Thế nhưng, cô vẫn quyết định kháng cáo. Việc này đã nhanh chóng phản tác dụng và tòa phúc thẩm Paris đã tăng thêm 2 năm tù cho bản án. Tuy nhiên, vào năm 2007, Malèvre được phóng thích trước hạn.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/toi-ac-cua-nu-y-ta-mang-biet-danh-goa-phu-den-post1321201.html

nữ y tá Giết Người

Tin tức mới nhất