Tôi là cô gái 27 tuổi, đang làm việc tại một công ty truyền thông ở TP.HCM. Ba năm gắn bó với công ty vừa đủ để tôi học tập, trưởng thành và đạt được những dấu ấn trong nghề nghiệp.

Tôi không phủ nhận những lợi ích công ty đã đem lại cho mình, nhưng rõ ràng tôi cũng đã tạo ra nhiều giá trị cho nơi mình làm việc.

Trong suốt 3 năm qua, tôi đã không ngừng nỗ lực, chủ động học hỏi và đóng góp cho sự phát triển của công ty. Nhiều dự án quan trọng nhất được giao vào tay tôi, và tôi tự hào đã hoàn thành xuất sắc.

Nhưng, những ngày gần đây, tôi nhận ra rằng mình đã chạm đến giới hạn trong nghề nghiệp tại công ty. Công việc dần trở nên nhàm chán, không còn mang lại cho tôi nhiều thử thách hay động lực như trước.

Quan trọng hơn, định hướng của công ty và cá nhân tôi đã không còn phù hợp. Đó là thời điểm tôi biết rằng đã đến lúc mình tìm một hướng đi mới.

Tôi chỉ chờ nhận thưởng Tết xong là bỏ việc mà không hề áy náy-1
Hình minh họa.

Trong những ngày cuối năm này, khi đối mặt với những suy nghĩ về định hướng tương lai, tôi đã quyết định mình sẽ nghỉ việc sau khi nhận được khoản thưởng Tết.

Trong một buổi trò chuyện với vài đồng nghiệp thân thiết mới đây, tôi đã bày tỏ ý định này với họ. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng nhận thưởng rồi nghỉ việc là một chủ đề nhạy cảm.

Dù vậy, tôi vẫn mong rằng sự trung thực và rõ ràng sẽ giúp mọi người hiểu cho quyết định của mình.

Nhưng không ngờ, thông tin này nhanh chóng lan truyền khắp công ty. Một số đồng nghiệp bắt đầu xì xào bàn tán, cho rằng quyết định của tôi là ích kỷ, thiếu đạo đức.

Thậm chí, có lần trong cuộc họp nhỏ, một đồng nghiệp mỉa mai: "Thưởng Tết năm nay chắc là lời chia tay của một số người". Ánh mắt của họ như cố tình nhắm vào tôi, dù không trực tiếp gọi tên.

Những điều này không chỉ gây áp lực tâm lý, mà còn làm tôi tự hỏi tại sao quyết định của mình – vốn rất hợp lý và chính đáng – lại bị xem như một hành động phản bội.

Thưởng Tết, với tôi, không chỉ là một khoản tiền. Đó là sự ghi nhận và đánh giá công bằng cho những đóng góp trong suốt một năm qua.

Trong suốt quá trình làm việc, tôi đã dành rất nhiều tâm huyết và công sức để mang lại giá trị cho công ty. Khoản thưởng Tết chính là sự ghi nhận của công ty đối với những cống hiến đó, là một biểu hiện rõ rệt cho mối quan hệ công bằng giữa hai bên.

Thật không công bằng khi ai đó quy chụp hành động nhận thưởng rồi nghỉ việc là mưu đồ lợi dụng công ty. Trong thực tế, tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình và đóng góp xứng đáng cho thời gian làm việc.

Khoản thưởng Tết không phải là "ân huệ" công ty ban phát, mà là quyền lợi chính đáng mà người lao động được hưởng. Đây là phần thưởng được xây dựng trên hiệu quả làm việc, sự gắn bó và nỗ lực không ngừng nghỉ của cá nhân tôi.

Thưởng Tết cũng mang ý nghĩa động viên tinh thần, khích lệ người lao động tiếp tục cống hiến trong tương lai, nhưng điều đó không có nghĩa là người lao động buộc phải tiếp tục làm việc chỉ vì đã nhận khoản này.

Mỗi cá nhân đều có quyền tự do lựa chọn con đường phù hợp nhất với mình, và việc ra đi sau Tết hoàn toàn không làm giảm giá trị hay ý nghĩa của khoản thưởng.

Tôi không hề cảm thấy hối tiếc hay áy náy với quyết định của mình, bởi tôi tin rằng mình đã cống hiến đủ và xứng đáng với phần thưởng mà mình nhận được.

Chưa kể, việc tôi ra đi cũng là cơ hội để công ty tìm kiếm nhân sự mới phù hợp hơn với định hướng phát triển của họ. Đây là một bước đi đôi bên cùng có lợi, thay vì cái nhìn phiến diện rằng chỉ có công ty "mất" khi nhân viên ra đi.

Lao động công bằng thì phần thưởng cũng phải công bằng. Thay vì nhìn nhận vấn đề một cách tiêu cực, chúng ta nên học cách tôn trọng quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân. 

Theo VTC News