Lấy chồng năm 27 tuổi, cứ ngỡ mình được có cuộc sống mới hạnh phúc bên người mình yêu thương. Vậy mà cuộc sống thật nhiều trắc trở, éo le. Tất cả chỉ vì mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.

Yêu nhau 2 năm thì tôi chính thức được anh dẫn về ra mắt để tính chuyện cưới xin. Anh là người gốc Thái Bình nhưng bố mẹ đều công tác ở Hà Nội và đã có nhà cửa đàng hoàng ở thủ đô. Còn tôi chỉ đơn thuần là con gái tỉnh lẻ chính hiệu, gia đình thuần nông.  Đó cũng chính là điều tôi hơi lăn tăn khi quyết định đến với anh.

Ngay từ buổi đầu ra mắt, tôi đã có linh cảm cuộc sống phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn nên đã từng chùn bước. Rồi lại được anh động viên nên tôi cố tin và gắng sức vượt qua để sẵn sàng về làm dâu mẹ anh - một người siêu khó tính và tai quái.

Cũng chỉ là những chuyện để ý vặt vãnh trong nhà. Từ chuyện nấu cơm rửa bát cho tới quét dọn nhà cửa thôi nhưng cũng đủ làm tôi stress mỗi khi về nhà. Làm gì cũng bị bà lườm nguýt, khó chịu. Thậm chí mẹ chồng khó tính, vợ chồng tôi còn chẳng dám cười đùa với nhau trước mặt bà.

Cuộc sống lại càng ngột ngạt hơn khi tôi sinh cháu, con tôi nhưng lại là đích tôn của bà nên bà toàn quyền quyết định mọi chuyện. Là mẹ nhưng tôi chỉ như người đẻ thuê, không có quyền hạn gì. Con cái ăn uống ra sao hay mặc như thế nào đều phải là do bà mua, nếu không thì cũng phải hỏi ý kiến của bà trước.

mẹ chồng
Cháu đích tôn nên bà nội giữ hơn vàng, cháu 4 tháng rồi mà bà không đồng ý cho về ngoại chơi. (Ảnh minh họa)

Nhiều lúc bực bội vì thấy mất tự do, mất quyền làm mẹ mà tôi cũng chẳng dám nói. Có ca cẩm với chồng thì chồng lại khen mẹ nuôi mấy đứa con rồi có nhiều kinh nghiệm, sau anh hứa hẹn sẽ góp ý với mẹ nhưng mãi mà tôi vẫn thấy tình hình không được thay đổi.

Cháu đích tôn nên bà nội giữ hơn vàng, cháu 4 tháng rồi mà bà không đồng ý cho về ngoại chơi. Trong khi nhà ngoại chỉ cách khoảng gần 50 km. Mãi tận khi tôi gần đi làm, bà mới đồng ý cho cháu về ngoại đúng 3 ngày với điều kiện bà phải đi cùng. Nghe điều kiện này, tôi rất khó chịu, chẳng về thì thôi chứ cả mẹ chồng về thì còn gì là tự do. Nhưng nghĩ lại, nếu không cho con về thì ông bà ngoại lại phật lòng và ngại với anh em hàng xóm nên tôi vẫn phải vui vẻ đồng ý.

Tưởng thế đã là quá rồi, đằng này, về tới nhà mẹ đẻ tôi thì bà liên mồm chê bẩn, sờ vào cái gì cũng kêu mất vệ sinh này nọ. Cháu thì ôm khư khư trên tay, không muốn cho ai bế ẵm kể cả ông bà ngoại vì sợ… bẩn cháu. Cảm thấy mệt mỏi, lại sợ bố mẹ khó chịu nên tôi lấy lý do bận đột xuất để về lại thủ đô ngay ngày hôm sau.

Về nhà rồi, suy nghĩ kỹ, tôi cảm thấy phải lên tiếng bảo vệ bản thân, hay ít nhất cũng đòi lại quyền làm mẹ. Vậy là tôi tìm một buổi tối mẹ chồng vui vẻ, nói thẳng với bà rằng: “Con muốn chăm sóc cháu theo ý mình. 6 tháng qua, sức khỏe con yếu nên mẹ chăm đỡ khiến con rất vui mừng và biết ơn. Giờ sức khỏe con tốt lên rồi nên xin phép mẹ để con chăm sóc cháu”.

Tôi nghĩ mình cũng đã nói hợp tình hợp lý, lại khéo léo rồi. Vậy mà mẹ chồng nhảy dựng lên quát tôi: “Chị muốn tôi không liên quan gì đúng không? Vớ vẩn, nó là đích tôn nhà tôi, chị chăm rồi nó nhiễm mấy cái thói nhà quê các người thì làm sao?”.

mẹ chồng
Bị xúc phạm đến tận cùng, tôi không còn biết phải làm sao, chỉ biết ôm con khóc...
(Ảnh minh họa)


Tôi rất ghét sự phân biệt này của mẹ chồng. Bà cũng xuất thân nông thôn, ra ngoài thủ đô mấy chục năm trời thôi mà mở miệng ra là chê người khác nhà quê, coi thường người tỉnh lẻ. Vì thế tôi không im lặng nữa mà cãi lại: “Mẹ đối xử với con thế nào cũng được nhưng mẹ không được động vào bố mẹ con”.

Không ngờ, mẹ chồng tôi giận điên lên. Bà chỉ mặt mắng tôi láo lếu, thách thức tôi rằng bà cứ nói, cứ chê, nhà quê mà không chịu nhận nhà quê, sĩ diện hão… Bà còn hét vào mặt tôi: “Cô đừng có mà ra oai ở đây. Nhà cô bán cô thế là được giá lắm đấy. Như nhà khác, còn lâu mới chịu chi ra 10 triệu để rước cái đồ như cô về nhà”.

Biết là mẹ chồng chẳng ưa gì mình nhưng thật lòng tôi không thể tin bà lại coi tôi chỉ như món hàng hóa mà nhà bà đã bỏ tiền ra mua về. Bị xúc phạm đến tận cùng, tôi không còn biết phải làm sao, chỉ biết ôm con khóc đợi chồng về giải quyết mọi chuyện. Chồng tôi về thì chỉ an ủi tôi và nhắc khéo mẹ vài câu rồi coi như giải quyết xong. Còn tôi và mẹ chồng vẫn không nói với nhau câu nào. Tôi biết phải tiếp tục như thế nào với cảnh sống này đây!

Theo Afmily/ trí thức trẻ