Vợ chồng tôi lấy nhau được 6 năm, đôi khi giận hờn nhưng căn bản là yêu thương, hòa hợp. Thời điểm tôi đẻ con đầu, do phải nằm viện suốt 7 tháng cuối thai kỳ nên mẹ con tôi được bố mẹ đẻ chăm.
Đẻ đứa thứ hai thì bà nội dành công việc chăm cháu. Mẹ chồng tôi là người tốt, chỉn chu nên lối sống trẻ trung tận hưởng và cung cách dạy con có phần hơi thoáng của vợ chồng tôi khiến bà không hài lòng.
Bà rất hay than phiền về chuyện tôi cho con đi chân trần chạy trên đất lạnh, hoặc phản đối chuyện tôi bắt con tự xúc ăn quá sớm... Tôi biết, quan điểm khác nhau giữa hai thế hệ là điều khó tránh nên mỗi lần bà có ý kiến, tôi đều nhẹ nhàng giải thích để giữ hòa khí gia đình.
Nhưng đỉnh điểm mâu thuẫn là hôm con hờn dỗi bà không mua đồ chơi, nằm lăn ra đất khóc, nhất định không chịu ngồi dậy ăn cơm. Tôi phạt không cho ai đến gần dỗ bé, thích nằm khóc cho khóc đến chán, khỏi cần dậy ăn.
Bà thương cháu, bênh cháu nên chỉ thẳng tay vào mặt tôi mắng, trong đó có câu khiến tôi giận mãi: "Tôi không hiểu ngày xưa bố mẹ chị dạy thế nào mà giờ chị lạnh lùng. Con còn không thương xót thì chị biết thương xót ai?".
Bao nhiêu nín nhịn xưa giờ, cộng thêm chuyện mẹ chồng thiếu tôn trọng cha mẹ đẻ khiến tôi không nhịn được mà nói lại mẹ mấy câu.
Thực ra tôi vẫn yêu chồng, chỉ là muốn làm tới một lần để bày tỏ thái độ của mình (Ảnh minh họa: Freepik).
Tôi ấm ức nói muốn sống riêng, được tự nuôi dạy con theo cách của tôi, không để bà can thiệp. Tối đó, tôi nói chuyện với chồng và kiên quyết dọn về nhà bố mẹ đẻ ở.
Chồng tôi đương nhiên không chịu. Anh trách tôi thiếu kiềm chế, chấp nhặt với người già. Mẹ vì giận nên mới nói vậy chứ mẹ hết lòng thương cháu, thương con.
Thật tình tôi đều biết những điều anh nói, nhưng tôi muốn nhân chuyện này tỏ rõ thái độ của mình. Tôi đã chán sống trong cảnh mà làm gì cũng phải để ý đến thái độ của mẹ.
Tôi ra tối hậu thư với chồng: "Tạm thời ly thân, em đưa thằng Bi về bên ngoại, cho anh chăm sóc con Na". Hôm đó là sáng chủ nhật đầu tiên của tháng 9.
Buổi tối, chồng gọi cho tôi hỏi thăm ăn uống của Bi nhưng tôi làm bộ lạnh lùng, trả lời rất thờ ơ. Chiều hôm sau, anh nói sẽ đưa con gái sang chỗ tôi cho hai chị em chơi với nhau. Tôi lấy dáng vẻ cứng cỏi nói chuyện với anh rằng, từ lúc ly thân, tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn, hay là tiện thể vợ chồng ly hôn luôn.
Thực ra tôi vẫn yêu chồng, chỉ là muốn làm tới một lần để bày tỏ thái độ của mình và thiết lập lại mối quan hệ gia đình. Sang ngày ly thân thứ ba, tôi nhớ con không chịu nổi nên gọi cho anh, nói tôi sẽ tới trường đón Na sang với tôi.
Lúc anh qua đón Na về, hai đứa cùng mếu máo nói muốn ở lại với mẹ. Anh lầm lũi đứng nhìn hai đứa nhỏ, thật sự tôi thương muốn khóc. Tôi lân la hỏi chuyện: "Hay anh cho em nuôi cả hai đứa, em không cần gì hết, nhà cửa xe cộ em để hết cho anh".
Chồng tôi hình như chỉ đợi tôi đề cập vấn đề này, lập tức yêu cầu tôi ngồi xuống nói chuyện, nghiêm túc phân tích vấn đề rằng: Tôi sai - đúng ở đâu, anh có lỗi chỗ nào, hai vợ chồng cần rút kinh nghiệm ra sao, đừng lôi các con vào cuộc tranh cãi này, khổ thân chúng thiệt thòi.
Thực ra những điều anh nói, tôi đều hiểu hết. Đối với tôi, ly thân hay ly hôn đều chán nản giống nhau, đâu có gì thú vị.
Từ ngày đưa con về bên ngoại, dù có bố mẹ ở bên, tôi vẫn nhớ anh, nhớ không khí gia đình ấm cúng. Vậy là sáng hôm sau, tôi đồng ý theo anh về nhà. Điều khiến tôi cảm động và bất ngờ nhất là mẹ chồng.
Tôi xin lỗi bà vì đã làm náo loạn không khí gia đình. Bà không nói gì nhưng tỏ ra rất xúc động. Hai mẹ con tôi đã ngồi lại với nhau, chia sẻ những điều chất chứa trong lòng.
Sau chuyến ly thân đó, mọi người trong gia đình tôi trở nên thân thiết, thoải mái hơn hẳn. Tôi hiểu ra một điều, đôi khi nín nhịn, cho qua để mong gia đình yên ấm không hẳn đã là giải pháp tốt nhất.
Muốn hướng đến cuộc sống hạnh phúc, lâu bền, các thành viên nên biết cách nói ra suy nghĩ một cách nhẹ nhàng để cùng thấu hiểu và hài hòa điều chỉnh mọi vấn đề.
Theo Dân Trí