Cách trung tâm thành phố Việt Trì (Phú Thọ) hơn 80 km, vượt qua những đoạn đường đèo còn sạt lở vì ảnh hưởng của đợt lũ, chúng tôi tìm về xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Vừa về tới đầu xã Xuân Đài (nằm giáp xã Kim Thượng), thấy có người hỏi đường về xã nhiều người mắc căn bệnh thế kỷ, anh chủ quán nước đã nhanh miệng nhắc nhở: “Các bạn về đó cẩn thận nhé! Tôi ở gần nhưng chỉ nghe báo đài, chưa dám vào”. Anh nhăn mặt, dường như ở nơi đó có điều gì rất đáng sợ.
Kim Thượng nằm khá xa những khu dân cư khác của huyện. Cả xã có khoảng 6.600 người sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mường và Dao, sống quần cư đan xen lẫn nhau. Sau khi vượt qua đập nước nhỏ ngăn cách xã với vùng lân cận, chúng tôi cảm nhận được rõ bầu không khí nặng nề đang bao phủ nơi này bởi thông tin hàng chục người nhiễm HIV chưa rõ nguyên nhân.
Gần đây, câu chuyện mà những người phụ nữ vùng quê này nói với nhau thường xuyên đó là có thêm người này, người kia nhiễm HIV. Đối với nhiều người, căn bệnh này hoàn toàn xa lạ.
Bé gái 18 tháng tuổi nhiễm HIV không lý do
Ngôi nhà hai tầng mới xây xong đầu năm 2018, chưa kịp sơn nhưng gia đình chị Phùng Thị Hoa cũng không còn tâm trí nào để trang hoàng nhà cửa. Niềm vui tân gia chưa được bao lâu thì vợ chồng chị nhận được hung tin, cô con gái út Hoàng Thị Quỳnh (18 tháng tuổi) mắc HIV.
Chị Hoa kể lại, cách đây không lâu, đoàn y tế của huyện Tân Sơn về lấy máu xét nghiệm HIV. Bốn người trong gia đình chị đều nằm trong danh sách này. Kết quả, chị, chồng và con trai cả âm tính, riêng chỉ có con gái út phải lấy máu xét nghiệm lần hai.
Bé gái 18 tháng tuổi bị nhiễm HIV tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Đức Huy.
“Cầm kết quả trên tay, tôi không tin vào mắt mình khi thấy con gái dương tính với HIV. Tôi hỏi lại cán bố y tế nhiều lần rằng mình có đọc nhầm hay không. Lời khẳng định của cán bộ khiến tôi sững sờ, choáng váng, đứng tần ngần hồi lâu mới có thể bình tĩnh”, chị Hoa nhớ lại khoảnh khắc nhận được tin dữ.
Mắt to tròn, hàng mi cong dài, bé Quỳnh ngước đôi mắt ngây thơ nghe mẹ kể chuyện. Có lẽ, em chưa hiểu những gì mẹ đang nói, liên tục xà vào lòng, đòi mẹ bế, mở sách báo cho xem.
Chị Hoa cho biết gia đình không thể nhận định nguyên nhân gây bệnh nào đã khiến cho con gái mới chập chững biết đi có thể mắc căn bệnh này. Con chị cũng chưa bao giờ tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV. Chỉ khi bé ốm, chị mới đưa con đến tiêm, uống thuốc tại nhà y sĩ Th. Tuy nhiên, người mẹ này không khẳng định đây là nơi lây nhiễm bệnh cho con.
Cả nhà 4 người đều được lấy máu xét nghiệm HIV, chỉ có bé Quỳnh (18 tháng tuổi) có kết quả dương tính.
Nhìn cô con gái nhỏ, chị Hoa không kìm được sự xúc động, mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại: “Từ khi bị bệnh, con quấy khóc nhiều hơn nhưng vẫn là đứa trẻ ngoan, rất nghe lời. Điều tôi lo sợ nhất là khi con lớn lên, đi học sẽ bị bạn bè, thầy cô kỳ thị, xa lánh. Mà con tôi không có tội tình gì để phải chịu sự phân biệt như thế!”. Nước mắt người mẹ trẻ rơi từng giọt lên mái tóc ngắn, lưa thưa của con.
Thời gian gần đây, cơ thể bé Quỳnh có dấu hiệu ghẻ nước. Gia đình đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng tình hình càng nặng hơn. Những vết thương trên chân đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi ngày càng lan rộng, ngứa ngáy khó chịu. Chị Hoa không còn cách nào khác, lại xoa xoa đôi chân để cô con gái bé bỏng bớt đau đớn.
Cả xã chủ yếu là người dân tộc Mường và Dao, bị bao phủ bởi bầu không khí nặng nề vì căn bệnh HIV.
Người phụ nữ điêu đứng vì nhận tin HIV
Theo lời anh Hòa, cách đây 4 tháng chị Thoa đẹp hơn bây giờ. Vợ anh có da có thịt, gương mặt đầy đặn, nhiều nét khiến anh vẫn thương sau gần 20 năm chung sống. Chị Thoa trong mắt anh cũng là người vợ chịu thương chịu khó, tần tảo. Cuộc sống gia đình khó khăn nhưng cũng không ngại vất vả theo chồng đi làm phụ hồ, công việc vốn chẳng dành cho phụ nữ.
Chỉ sau 4 tháng ngắn ngủi, chị Thoa giảm hàng chục kg, gương mặt hốc hách, gầy gò. Người phụ nữ tuổi tứ tuần già đi trông thấy vì lo lắng, sợ hãi.
Chị nhớ lại, do bị lở miệng nên đến nhờ y sĩ Th., người cùng xóm tiêm. Điều trị nhiều lần không có kết quả chị Th. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị đã nhiễm HIV.
“Y tá đưa kết quả nói nhỏ rằng tôi bị nhiễm HIV. Tôi liền yêu cầu cô ấy kiểm tra lại. Cả đời tôi chỉ làm việc nương rẫy, theo chồng đi phụ hồ trong bản, làm sao lại mắc được bệnh này", chị Thoa nói không rõ tiếng, ho liên tục vì những vết đau trong miệng.
Nhìn lại kết quả xét nghiệm của vợ, anh Hòa không khỏi xót xa.
Không tin vào kết quả, chị đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám nhưng không thay đổi. Khoảng một tuần sau, người phụ nữ này được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ theo dõi thêm. Hiện tại, chị Thảo về nhà tự điều trị, sức khỏe yếu dần từng ngày, vết thương trong miệng tăng nặng.
Nghi ngờ chồng là nguyên nhân lây bệnh vì thường xuyên đi làm thuê ở Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy anh Hòa âm tính với virus HIV. Lo lắng cho các con bị nhiễm căn bệnh thế kỷ, anh chị cho con đi xét nghiệm. May mắn, hai người con không bị mắc bệnh. Đến giờ, người phụ nữ này vẫn hoang mang, không biết tại sao mình lại mắc căn bệnh quái ác này.
Từ ngày nghe hung tin, anh Hòa không xa lánh, ruồng rẫy vợ mà nghỉ hẳn việc ở nhà chăm sóc chị. Cũng vì thế, kinh tế gia đình đã eo hẹp nay ngày một khó khăn.
Những người thấp thỏm chờ đợi... một cuộc điện thoại
Ngày “cơn lũ” HIV chưa ập đến, xã nhỏ tuy nghèo nhưng bình yên. Ngày ngày, người dân nơi đây chỉ biết trông vào cây lúa, cây chè, con trâu để làm lụng, mưu sinh. Những ngày gần đây, thông tin về việc nhiều người nhiễm HIV khiến ngôi làng nhỏ xáo trộn.
Theo bà Dổi (59 tuổi), những người được đưa đi xét nghiệm, sau 1-2 tuần nếu dương tính với HIV sẽ được nhân viên y tế gọi thông báo. Nếu không có cuộc gọi “tử thần” đó, người dân lại tiếp tục chờ đợi.
Cảm giác chờ đợi ấy lại khiến nhiều người thấp thỏm lo sợ. Con gái đi lấy chồng xa, một mình bà Dổi ở nhà tự chăm sóc bản thân. Mỗi ngày nghe thêm tin một người trong thôn dương tính với HIV, người phụ nữ này mất ăn mất ngủ. “Tôi sợ lắm, không biết khi nào người ta gọi đến mình. Tôi nghe nói, mắc HIV coi như chấm hết, không ai thoát khỏi cái chết”.
Bà Dổi lo lắng vì mỗi ngày lại biết thêm có người nhiễm HIV.
Gia đình ông Hà Huy Thế, bà Phùng Thị Hóa cách đó không xa đã hai lần xét nghiệm HIV nhưng đều chưa có kết quả. Không ăn, không ngủ được vì lo sợ, ông thế giảm gần 10 kg. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, ông trở nên gầy gò nặng chưa tới 40 kg.
Cũng từ ngày làm xét nghiệm, hai vợ chồng ông bà nghỉ việc ở nhà, không có tâm trí lo chuyện làm ăn, đồng áng. “Ngày nào tôi cũng nhìn vào chiếc điện thoại. Cứ mỗi lần nó đổ chuông là tim đập thình thịch, tôi chỉ sợ họ gọi báo vợ chồng tôi nhiễm HIV”, bà Hóa tâm sự.
Châm điếu thuốc lào, hít một hơi thuốc lào thật dài, ông Thế mắt đăm chiêu nhìn ra phía cửa, nói: “Trước chỗ nhà tôi vui lắm, cứ chiều mát là có hàng xóm sang hút thuốc, uống chè nói chuyện rôm rả. Từ ngày xảy ra chuyện, ai ở nhà nấy, chẳng qua lại chơi nữa. Có gặp nhau cũng chỉ lại nói chuyện HIV. Nẫu hết cả ruột”.
Ngoài bờ suối, chục đứa trẻ ùa ra tắm, hòa mình vào dòng nước mát, cười đùa giòn tan dưới nắng chiều. Chúng đều đã được xét nghiệm HIV, có đứa âm tính, có đứa đang chờ kết quả.
Ngoài suối, bọn trẻ con trong xã vẫn hồn nhiên nô đùa.
HIV không dễ lây, bệnh nhân vẫn có thể sống khỏe
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, HIV chỉ có thể lây truyền theo ba con đường:
- Đường máu: dùng chung bơm kim tiêm, dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da có dính máu của người nhiễm HIV, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV mà vùng da tiếp xúc đó bị tổn thương; truyền máu của người bị nhiễm HIV hoặc trong giai đoạn cửa sổ.
- Đường tình dục: do quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người nhiễm HIV mà da, niêm mạc vùng tiếp xúc đó không lành lặn.
- Lây truyền từ mẹ sang con khi người mẹ nhiễm HIV.
Trước đây, HIV được cho là bản án bán tử hình đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu được điều trị bằng thuốc ARV, một người dương tính với HIV vẫn có thể có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.
Điều trị bằng thuốc ARV đều đặn là biện pháp giúp các bệnh nhân HIV sống khỏe. Ảnh: Quỳnh Trang.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thủy, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện 09 (Hà Nội) cho rằng người dân cần bình tĩnh. Một người đã được xác định dương tính với HIV, họ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) ngay lập tức.
Hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên sử dụng thuốc ARV được coi như là điều trị đặc hiệu. ARV làm ức chế sự nhân lên của virus do đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
Trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn dịch được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, loại thuốc này giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.
Việc điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) rất quan trọng trong điều trị cho người nhiễm HIV. Nó không chỉ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn giúp giảm lây truyền HIV sang người khác.
Trong trường hợp người dân xã Kim Thượng bị nhiễm HIV, họ cần đến các trung tâm y tế huyện. Tại đây, sau khi được xác định dương tính bằng các xét nghiệm, họ được uống thuốc ARV trong khoảng 3 ngày để theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Khi cơ thể đáp ứng tốt với thuốc, họ sẽ được lấy thuốc uống duy trì trong một tháng, sau đó là khoảng 3 tháng/lần. Hiện tại, thuốc ARV hoàn toàn miễn phí.
Bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV, Cục phòng chống HIV/AIDS, khẳng định: “Khi bị nhiễm HIV, bệnh nhân tuân thủ điều trị đầy đủ, nghiêm túc, có thể hoàn toàn sống chung với HIV, sinh hoạt và quan hệ tình dục như bình thường. Đặc biệt, họ có thể sinh con không bị nhiễm bệnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn”.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Zing