Ngày 15/10, Sina đưa tin chủ đề "Các nam chính của tiểu thuyết hiện đại đều kém Hầu ca" trở thành từ khóa nóng trên mạng xã hội Weibo. Trong đó có hàng triệu khán giả bày tỏ sự yêu thích đối với nhân vật Tôn Ngộ Không do Lục Tiểu Linh Đồng thể hiện, trong phiên bản Tây du ký 1986.
Theo khán giả Trung Quốc, trong phim Tôn Ngộ Không được xây dựng là người có nhiều tính cách tốt, hành động đúng đắn, thậm chí có cách cư xử lịch thiệp với phái nữ, hành động bảo vệ nữ giới vượt qua thời đại.
"Tôn Ngộ Không bị giam 500 năm dưới chân núi nhưng tâm tính vẫn giữ sự lương thiện, không hận đời hận người biến thành kẻ ác, đó là nhân vật trong sáng, có suy nghĩ đúng đắn nhất trên màn ảnh", "Tôn Ngộ Không còn có lòng biết ơn, trả ơn cho cậu bé chăn trâu, đối xử tử tế với người già trẻ nhỏ, phụ nữ", "Ngộ Không rất thương người, lên tận Thiên Đình để đòi mưa cho dân chúng", và nhiều lý do khác được khán giả liệt kê.
Khán giả cho rằng Tôn Ngộ Không tôn trọng Thiết Phiến công chúa hơn vì bà là vợ cả của Ngưu Ma Vương.
Bên cạnh đó, khán giả còn chỉ ra khi tiếp xúc với Thiết Phiến công chúa, vợ cả của đại ca kết nghĩa Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không rất lịch thiệp, nhún nhường, nhưng đối với Ngọc Diện công chúa, bồ nhí của Ngưu Ma Vương, thì Đại Thánh lại có thái độ không dễ chịu.
Theo Sina, lúc đó Ngọc Diện hồ ly vào vai phản diện nên mới bị Tôn Ngộ Không dọa đánh, nhưng điều này lại phù hợp với suy nghĩ của khán giả hiện đại khi không thích các nhân vật như "tiểu tam", vợ bé.
Ngoài ra, trong tập 20 Tôn Hầu khéo hành nghề y, thầy trò Đường Tăng đi qua nước Chu Tử, biết được quốc vương bị bệnh nặng, hoàng hậu là Kim Thánh nương nương bị yêu quái bắt đi, Tôn Ngộ Không đã nhận nhiệm vụ giải cứu hoàng hậu.
Sau đó, Tôn Ngộ Không còn giải thích: "Không biết vị thần nào đã tặng cho nương nương chiếc áo gai ngũ sắc, nên ba năm qua, con yêu quái không thể chạm vào nương nương".
Sina cho rằng tình tiết này tinh tế vì trong xã hội cổ đại trinh tiết của người phụ nữ rất quan trọng. Điều này cũng thể hiện sự trân trọng của nhân vật Tôn Ngộ Không với người phụ nữ.
Tôn Ngộ Không không chỉ giải cứu Kim Thánh nương nương mà còn giải quyết khúc mắc trong lòng nhà vua, vì hoàng hậu đã bị yêu quái bắt đi 3 năm.
Sina lý giải việc khán giả yêu thích Tôn Ngộ Không và vẫn luôn phân tích, khen ngợi bộ phim Tây du ký sau 37 năm bởi hiện tại kịch bản và các nhân vật trong phim truyền hình Trung Quốc có nhiều vấn đề.
Ví dụ vai Hứa Thấm trong Khói lửa nhân gian của tôi bị đánh giá là vô ơn, chỉ quan tâm tới tình yêu. Cũng trong phim này, nam chính Tống Diệm có nhiều tình tiết bị nhận xét là làm màu, gia trưởng, coi thường nữ giới. Trong khi đó, Tôn Ngộ Không là nhân vật dễ thương, tài giỏi, nhiệt tình trượng nghĩa, lại có những hành động rất lịch thiệp, được lòng khán giả.
Theo Sina, Tây du ký 1986 là bộ phim được phát sóng lại nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc với hơn 3.000 lần. Các nhân vật trong phim, diễn viên, câu thoại, giai thoại đều trở nên quen thuộc và có sức ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng Trung Quốc. Thậm chí, Quan Âm Bồ Tát, Phật Tổ, Như Lai được in tranh, dựng tượng theo hình ảnh của dàn diễn viên trong phim.
Đến nay, khán giả lại say mê khám phá ra những nét tính cách đáng mến, đáng trân trọng khác của vai diễn Tôn Ngộ Không, minh chứng cho sức sống lâu bền của tác phẩm.
Theo Tiền Phong