Ngày 15/11, tại buổi khai trương đơn vị Laser - Chăm sóc da và Thẩm mỹ da, Khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Vũ Duy Linh chia sẻ về ca bệnh điều trị sẹo lõm sau mụn trứng cá sai cách khiến rối loạn sắc tố da kéo dài, điều trị khó khăn.

Trước đó, nữ bệnh nhân điều trị sẹo lõm sau trứng cá tại một spa, với các kỹ thuật được quảng cáo là lăn kim, laser vi điểm.

Sau liệu trình tại spa, da mặt cô viêm đỏ, rát, tổn thương sâu. Khi đến Khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai) khám, bác sĩ xác định tổn thương do nhiễm trùng sau laser, tổn thương sâu gây rối loạn sắc tố da.

Tốn tiền triệu lăn kim chữa sẹo lõm, cô gái khốn khổ vì rối loạn sắc tố da-1
Một bệnh nhân điều trị tại Đơn vị Laser - Chăm sóc da và Thẩm mỹ da, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: D.L).

"Làm liệu trình theo quảng cáo, bệnh nhân chỉ cần 3-5 lần. Nhưng để điều trị ổn định da tổn thương sau laser, sau lột da... cần rất nhiều thời gian, vài tháng, thậm chí hàng năm. Bởi lúc này da trở nên nhạy cảm, điều trị phải theo dõi rất chặt, nếu không da lại dễ kích ứng, viêm đỏ", bác sĩ Linh thông tin.

Bác sĩ Linh cho biết thêm, tai biến gặp nhiều nhất của laser là bị nhiễm trùng tại chỗ do kỹ thuật viên chưa bảo đảm dụng cụ vô trùng. Ngoài ra, việc cài đặt thông số, tần số... không phù hợp với làn da, liệu trình điều trị quá dài, liên tục... cũng có thể để lại những di chứng nặng nề cho da.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thái Sơn, Trưởng khoa Da liễu cho biết, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân tai biến điều trị sẹo, tai biến do laser trị nám, làm đẹp da.

Các ca bệnh này hầu hết thực hiện tại các spa không có bác sĩ chuyên khoa da liễu, không được thực hiện các kĩ thuật xâm lấn như laser...

Để tránh tiền mất tật mang, đi làm đẹp lại bị các tổn thương kéo dài, điều trị tốn kém, chị em cần chọn cơ sở thẩm mỹ an toàn, có bác sĩ chuyên khoa về da liễu, được cấp phép hoạt động để đảm bảo an toàn.

Bên lề sự kiện, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo trào lưu làm đẹp theo tiktok khiến nhiều bạn gái da bị tổn thương, đỏ rực như tôm luộc...

"Nhiều người hồn nhiên làm theo các clip hướng dẫn "trẻ hóa da, trị nám tại nhà", như peel da (một phương pháp lột da), nhưng không biết rõ về làn da của bản thân, về mức độ peel khiến khi bôi vào bỏng rát, đỏ rực... 

"Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm peel da, vì vậy, việc tự mua và thực hiện tại nhà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro", bác sĩ Oanh khuyến cáo.

 

Theo Dân Trí