Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông đã nhiều lần về thăm trường và luôn dành tình cảm đặc biệt cho ngôi trường, thầy cô, sinh viên.

GS.TS NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chia sẻ: "Cảm nhận đầu tiên và cũng luôn hiện lên trong tâm trí tôi mỗi khi nói tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đó là một con người hết sức bình dị, thân thiện, có sự quan tâm đặc biệt tới mọi người.

Mỗi khi về trường hoặc nhắc tới trường, tôi cảm giác Tổng Bí thư đã lùi thời gian lại như đang là sinh viên, không còn khoảng cách. Tổng Bí thư kể về thời đi học, kể về các thầy cô. Khi tiếp xúc với Tổng Bí thư, người ta không có cảm giác giữa người dân bình thường với người đang ở cương vị cao nhất trong Đảng".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lời từ chối đến chúc Tết-1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và GS Vũ Minh Giang tại lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức, ngày 24/3/2023.

GS Vũ Minh Giang kể về câu chuyện nhỏ về Tổng Bí thư khiến ông khó thể quên. Đó là những ngày giáp Tết trước thềm Xuân Tân Mão (2011), khi Đại hội Đảng lần thứ 11 vừa thành công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư.

Với tình cảm giữa cựu sinh viên và nhà trường, đồng thời cũng muốn chúc mừng, Ban lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị được đến chúc Tết Tổng Bí thư.

"Khi đó, ông từ chối hết sức nhẹ nhàng, đại ý: Cảm ơn các bạn, mong các bạn tập trung lo cho cán bộ, công nhân viên và sinh viên trong trường vì sắp Tết. Năm nay mình sẽ không tiếp đoàn lãnh đạo đơn vị nào lên chúc Tết. Nếu với các thầy cô, mình sẵn sàng ngồi uống trà, tri ân.

Thế là chúng tôi cùng một số nhà giáo lão thành của ĐH Quốc gia Hà Nội cầm một túi quà toàn là sách đến gặp và tặng tân Tổng Bí thư. Cuộc gặp gỡ diễn ra đầy đơn sơ, giản dị, ấm cúng, thắm tình thầy trò nhưng cũng đậm chất trí thức", GS Giang nhớ lại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lời từ chối đến chúc Tết-2
Bức ảnh trưng bày tại phòng truyền thống ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lời từ chối đến chúc Tết-3
Bản luận văn tốt nghiệp thời sinh viên của Tổng Bí thư.

Câu chuyện thứ hai thể hiện việc Tổng Bí thư rất giữ lời hứa, dù là việc nhỏ nhất. Năm 2012, GS Vũ Minh Giang được phân công phụ trách xây dựng phòng truyền thống của ĐH Quốc gia Hà Nội. Một trong những nội dung của phòng truyền thống là những cựu sinh viên có đóng góp lớn với đất nước.

GS Giang cho biết: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là niềm tự hào của trường nên chúng tôi muốn có một số kỷ vật trưng bày. Do có quan hệ từ thời còn là ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi đã gọi điện đặt vấn đề xin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số hiện vật".

Giữ lời hứa, 3 ngày sau có một người mang đến cho GS Vũ Minh Giang một phong bì to, bên trong có rất nhiều ảnh. Trong đó có bức ảnh được rất nhiều người biết đến đó là bức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời sinh viên tại ký túc xá Mễ Trì - hiện vẫn đang được trưng bày tại phòng truyền thống. Đây đều là những kỷ vật thời tuổi trẻ, học tập mà Tổng Bí thư đã nâng niu, gìn giữ hơn 50 năm qua. 

Sau đó, phòng truyền thống đã nhận được những tư liệu quý của Tổng Bí thư, trong đó có cuốn luận văn tốt nghiệp "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" do GS Đinh Gia Khánh hướng dẫn.

"Tựu chung lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo bình dị, khiêm tốn, chân thành, gần gũi anh em, sâu sát thực tế, gắn bó với nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng", GS Giang nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lời từ chối đến chúc Tết-4
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Cấn Dũng

NHỮNG DẤU ẤN MANG TÍNH LỊCH SỬ

GS Vũ Minh Giang cũng phân tích một số dấu ấn, di sản lớn của Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng tới văn hóa, con người và giáo dục. Vì vậy, thời kỳ ông làm Tổng Bí thư đã có một Nghị quyết lịch sử, đó là Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nghị quyết này không chỉ thể hiện ý chí của toàn Đảng mà còn thể hiện khát vọng của nhân dân. Tổng Bí thư luôn quan tâm đến việc triển khai và những kết quả thực hiện nghị quyết. Tổng Bí thư cũng có những chỉ đạo trực tiếp đối với ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục đào tạo, bộ, ban, ngành và địa phương trong đó nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển giáo dục.

Theo GS Vũ Minh Giang, Tổng Bí thư cũng đặc biệt quan tâm đến khoa học, công nghệ. Đây là điều rất cần cho sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lời từ chối đến chúc Tết-5
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang. Ảnh: Trần Thường

Tổng Bí thư nhận ra rằng là Việt Nam muốn phát triển cần nâng cao vị thế, trong ngoại giao, đối ngoại có thể thấy rõ.

Siêu cường hàng đầu thế giới như Mỹ cũng phải có những phá cách để mời người đứng đầu của một Đảng Cộng sản sang thăm chính thức và tiếp ở phòng Bầu dục trong Nhà Trắng. Đây là sự kiện lịch sử, chưa từng có thể hiện vị thế của đất nước, cũng như vai trò của Tổng Bí thư trong đối ngoại. Mới đây, lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư.

"Về đối ngoại, tôi nghĩ Tổng Bí thư đã để lại di sản rất lớn, đó là sự kế thừa triết lý ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến" phát triển thành trường phái "ngoại giao cây tre"", ông Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội thì Tổng Bí thư đã làm được một việc đi vào lịch sử, đó là củng cố lòng tin của nhân dân.

GS Giang phân tích, thời gian qua có những cán bộ bị biến chất, tham nhũng, vi phạm pháp luật, làm tổn hại nền kinh tế, thất thoát ngân sách. Nhưng tổn thất lớn nhất mà Tổng Bí thư nhìn thấy đó là mất lòng tin của người dân. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh "sức mạnh của Đảng ta là nằm ở sự ủng hộ của nhân dân", Tổng Bí thư đã đích thân phát động, trực tiếp lãnh đạo công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm và từng bước lấy lại được lòng tin của nhân dân.

Vì vậy, mỗi người dân đều cảm thấy xót xa, thương tiếc khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lời từ chối đến chúc Tết-6
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà khoa học trong nước, quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế về Việt Nam học, ngày 15/12/2016.

Ngoài ra, Tổng Bí thư còn đặc biệt coi trọng văn hóa. Đích thân Tổng Bí thư cùng với hầu hết Ủy viên Bộ Chính trị đã chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Với việc nhấn mạnh tư tưởng "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm có tính nền tảng "văn hoá là hồn cốt của dân tộc".

GS Vũ Minh Giang khẳng định, văn hóa chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là tài nguyên vô tận giúp đất nước tạo ra lợi thế con người trong quá trình hội nhập. Văn hóa cũng là nền tảng để nước ta "muốn sánh vai với các cường quốc năm châu" không thể chỉ học người mà phải đi trên đôi chân, phải bay bằng đôi cánh của mình.

Trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học dự Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 ngày 15/12/2016, các học giả nước ngoài đều kính nể, khâm phục khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện kiến thức uyên bác và đưa ra ý kiến thuyết phục, rằng chỉ trong vòng 30 năm nữa thôi (dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước) Việt Nam sẽ đứng vào hàng ngũ các nước phát triển.

Mục tiêu này đã được đưa vào Văn kiện Đại hội 13 của Đảng xác định đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ảnh tư liệu trong bài: GS Vũ Minh Giang cung cấp.

Theo Vietnamnet