Những đốm mụn đáng ghét dù xuất hiện trên mặt hay trên các vùng da cơ thể như lưng, ngực hay vòng 3 thì đều gây phiền nhiễu khiến các nàng thiếu tự tin khi mặc những trang phục khoe da nhiều, nhất là trong thời điểm mùa hè này. Thời tiết nóng ẩm và không khí ô nhiễm ở Việt Nam, cộng thêm vài thói quen sinh hoạt xấu rất dễ khiến mụn hoành hành và vì thế bạn sẽ cần tới sự tư vấn và hướng dẫn của các chuyên gia da liễu để tìm ra nguyên nhân gây mụn cơ thể và cách loại bỏ, chăm sóc da bài bản nhất để thêm xinh tươi và quyến rũ khi xuất hiện với bất kỳ kiểu trang phục nào.

1. Đối với mụn ở lưng và ngực


Nguyên nhân gây mụn ở lưng và ngực là khá giống nhau. Vùng da ở hai nơi này là nơi tập trung nhiều tuyến dầu và dễ đổ mồ hôi, cộng thêm lớp áo lót và áo ngoài, lưng lại thường phải tiếp xúc với ghế, ba lô nên dễ khiến da bị bí, trở thành nơi cư trú lý tưởng của mụn. Da lưng dày hơn vùng da trước ngực và có thể dùng được những loại thuốc trị dạng mạnh còn vùng da ngực khá mỏng và dễ quan sát, tự xử lý hơn.



Bạn có thể tự điều trị mụn ở vùng lưng trên và sau vai tại nhà, tuy nhiên nếu tình trạng sẹo do mụn trở nên khó kiểm soát, hãy nhờ tới các bác sĩ da liễu sớm trước khi chúng trở thành sẹo thâm lâu năm khó lành. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa mụn ở lưng là sử dụng sữa tắm có chứa Benzoyl Peroxide - có khả năng giảm sưng và làm khô cồi mụn viêm. Một thành phần nữa giúp giảm mụn ở lưng là Glycolic Acid- thành phần tẩy da chết giúp làm thông thoáng các lỗ chân lông và giúp các loại thuốc trị mụn dễ phát huy tác dụng hơn, đồng thời làm mờ các vết thâm, sẹo mụn để làn da dần sáng mịn hơn.



Khi tắm bạn nên tạo bọt sữa tắm kỹ và để nguyên bọt trên da trong 5 phút trước khi xả lại. Sử dụng thêm dụng cụ hỗ trợ như bàn chải cán dài cũng giúp bạn làm sạch vùng da lưng dễ dàng hơn. Các thói quen hàng ngày cũng quyết định khá nhiều đến tình trạng mụn, chẳng hạn như bạn nên chọn trang phục hàng ngày với các chất liệu thoáng khí, mỏng hơn và thay đồ tập gym, tắm sớm sau khi tập để mồ hôi và các vi khuẩn không có cơ hội gây mụn.


Đối với vùng da ngực vốn mỏng hơn da lưng, bạn nên tránh việc tẩy da chết bằng dạng hạt quá thô và tránh kỳ cọ lâu, lựa chọn các sản phẩm trị mụn có nồng độ thấp để không làm da bị khô




2. Đối với mụn ở vòng 3

Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến mụn ở vòng 3 nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là do kích thích đến các nang lông. Việc phải ngồi nhiều cộng với quần áo chật dễ khiến mồ hôi khó thoát, gây mụn nhỏ li ti  ở  vùng mông và đùi, một dạng viêm nang lông.


Để mụn khó còn cơ hội quay lại, bạn nên tránh các kiểu quần bó sát với chất liệu dày, lựa chọn các chất liệu thoáng khí như cotton. Đừng quên tẩy da chết hàng tuần để làm sạch các nang lông và giúp vùng da vòng 3 mịn màng hơn. Với các đốm mụn đang có, vì đây là vùng da thường xuyên tiếp xúc với quần áo và các bề mặt nên bạn có thể sử dụng các miếng dán trị mụn có chứa Salicylic Acid để chúng không bị xê dịch.

3. Mụn ở các vùng da khác

Mụn có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, tùy theo vị trí mà có thể có các nguyên nhân khác nhau hoặc giống nhau. Hãy luôn bắt đầu điều trị mụn từ sớm để tránh  mụn chuyển sang dạng viêm nặng và sử dụng các sản phẩm nồng độ thấp và dịu nhẹ trước tiên để tránh làm khô da.


Qui tắc chung và cơ bản nhất để ngăn ngừa mụn luôn là để da được thở, tránh mặc các loại trang phục chật và bó sát, bao gồm cả băng đô, mũ và đồ lót. Luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm dưỡng da, trang điểm không chứa dầu và có nhãn ''Noncomedogenic'' (không gây nhân mụn) nếu có thể. Với các vết thâm và sẹo sau mụn lâu năm hoặc việc tự điều trị mụn không hiệu quả, bạn nên dừng việc tiếp tục thử nghiệm các sản phẩm mới và đến gặp bác sĩ sớm để được tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Theo Afamily