Với thời tiết lành lạnh trong những ngày đông như thế này thì có lẽ lựa chọn làm lẩu để mời cả gia đình, anh em, bạn bè cùng thưởng thức là một ý tưởng khá hợp lý và hấp dẫn.
1. Lẩu bò nhúng mẻ
Món lẩu mẻ này luôn lôi cuốn người thưởng thức bởi vị chua chua, thơm thơm, thanh mát, dịu nhẹ của nước dùng. Chính vị chua chua ấy của loại gia vị đặc biệt này khiến người thưởng thức không cảm thấy ngán chút nào, đặc biệt phù hợp cho những ngày tết với nhiều món ăn dầu mỡ.
Nguyên liệu:
600g bắp bò
1 chén mẻ
2 trái cà chua
½ trái thơm
3 trái chuối xanh
3 trái dưa leo
3 trái khế xanh
Xà lách
Hành tây, hành tím, tỏi, sả cây, ớt
Bún tươi
Bánh tráng
Nước mắm, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn, hạt nêm.
Cách nấu lẩu bò nhúng mẻ:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu.
- Bạn có thể chọn những phần thịt khác tuy nhiên để món lẩu thêm ngon bạn nên chọn bắp bò tươi ngon, không bị tái, không có mùi lạ. Bắp bò khi mua về bạn, bạn đem rửa sạch với nước muỗi loãng rồi để ráo. Tiếp theo, bạn thái bắp bò thành những khoanh tròn mỏng, rồi xếp ra đĩa riêng.
- Bạn cho 2 – 3 muỗng mẻ vào tô, cho thêm nước lọc rồi dùng muỗng khuấy đều. Sau đó, bạn dùng rây lọc mẻ và bỏ phần xác.
- Hành tây lột vỏ, rửa sạch, thái sợi mỏng, để riêng.
- Tỏi và hành tím bạn đem bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ để riêng từng loại.
- Sả bạn đem rửa sạch, băm nhỏ.
- Ớt rửa sạch, băm nhỏ.
- Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.
- Thơm bạn gọt sạch vỏ, bỏ mắt và băm nhỏ.
- Dưa leo gọt vỏ, rửa sạch, chẻ làm đôi theo chiều dọc rồi chẻ thành những thanh dài và mỏng để cuốn bánh tráng.
- Chuối xanh bạn đem gọt sơ lớp vỏ, cắt khoanh mỏng tròn hơi xéo rồi đem ngâm trong nước muỗi pha loãng để chuối không bị thâm đen.
- Khế bạn bỏ 2 đầu, gọt bỏ các đường gân của khế rồi rửa sạch. Sau đó, cắt khế thành những miếng mỏng vừa ăn.
- Xà lách bạn đem nhặt sạch, rửa sạch rồi ngâm với nước muối pha loãng. Tiếp theo, bạn xả lại với nước, để ráo.
Bước 2: Ướp bò
Khi thịt bò được cắt mỏng, bạn ướp chúng với ít tiêu xay, ½ muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê bột ngọt rồi trộn đều lên.
Bước 3: Nấu lẩu
Bạn cho nồi lẩu lên bếp, cho dầu ăn vào, khi dầu nóng bạn cho hành tím, tỏi và sả băm nhỏ vào phi thơm. Khi nguyên liệu dậy mùi, bạn cho cà chua vào xào chung. Xào đến khi cà chua săn lại thì bạn cho nước mẻ và nước lọc vào nấu sôi.
Bước 4: Nêm nếm
Khi nước sôi lên, bạn nêm nếm nước lẩu cùng với 2 muỗng hạt nêm, 2 muỗng đường, 1 muỗng bột ngọt cho có vị chua chua, ngọt nhẹ vừa ăn. Tiếp theo, bạn cho hành tây vào rồi tắt bếp.
Bước 5: Làm mắm nêm
Bạn cho chảo lên bếp, cho dầu ăn cùng tỏi, hành tím băm vào phi thơm. Khi dậy mùi bạn cho thơm băm nhỏ vào xào vừa chín tới. Tiếp đến, bạn cho nước lọc vào cùng với 3 muỗng mắm nêm và ít ớt băm vào. Khuấy đều tay đến khi mắm nêm sôi lên, thì bạn nêm thêm 2 muỗng đường, chút bột ngọt cho vừa ăn. Khuấy tan gia vị thì tắt bếp.
2. Lẩu gà lá giang
Nguyên liệu:
- 1-1,2kg thịt gà
- Lá giang: 1 bó
- Bún: 1kg
- Các loại rau nhúng lẩu ăn kèm: Tùy từng sở thích bạn có thể chọn rau muống, hoa chuối, giá đỗ…
- Gừng 1 củ
- Hành khô, tỏi: Mỗi loại 1 củ
- Ớt sừng: 1 trái
- Gia vị cần thiết: Nước mắm, bột nêm, đường, dầu ăn, hạt tiêu, muối
Cách nấu lẩu gà lá giang:
Bước 1: Sơ chế và ướp thịt gà
Gà mua về làm sạch rồi chà xung quanh, bên ngoài gà bằng gừng và muối để loại bỏ mùi hôi. Sau đó rửa sạch và để ráo.
Chặt gà thành những miếng vừa ăn rồi thêm chút gia vị bao gồm: bột nêm, chút đường, hạt tiêu vào ướp. Thời gian ướp khoảng 20 phút để gà ngấm gia vị, khi làm lẩu sẽ đậm đà, thơm ngon hơn.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu
- Cạo vỏ gừng, rửa sạch rồi đập dập.
- Tỏi và hành khô lột vỏ, rửa sạch, đập dập rồi băm nhỏ.
- Rửa sạch ớt, bỏ cuống, thái lát.
- Đối với lá giang đem nhặt bỏ những cành lá già, dập úa. Tiếp đến ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi rửa sạch, vò sơ rồi để ráo.
- Nhặt, rửa sạch lá giang
- Đối với những loại rau ăn kèm đem nhặt, ngâm nước muối pha loãng chừng 15-20 phút cho sạch bụi bẩn. Sau đó rửa lại cho sạch rồi vớt ra để ráo.
Bước 3: Xào thịt gà
- Đun nóng chảo dầu trên bếp thì trút phần ½ phần tỏi vào phi thơm vàng lên thì cho ra đĩa.
- Vẫn chiếc chảo đó thêm chút dầu vào đun nóng thì cho hành khô và ½ chỗ tỏi băm nhỏ còn lại vào phi thơm. Tiếp đến trút thịt gà vào xào cho săn thì tắt bếp.
Bước 4: Làm lẩu gà lá giang
- Bắc nồi nước lên bếp đun cho sôi thì cho thịt gà đã xào vào nấu chín. Cho ớt rồi nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
- Khi thấy thịt gà đã chín thì cho ½ chỗ lá giang vào đảo đều và tiếp tục đun sôi trở lại thì tắt bếp.
- Cho lá giang vào nồi lẩu gà
- Đổ nồi nước gà lá giang vào nồi lẩu. Lúc này bạn có thể thêm phần dầu tỏi phi thơm ở trên cùng chút nước mắm vào nêm nếm lại cho vừa ăn.
Bước 5: Hoàn thành và thưởng thức
- Xếp các loại rau ăn kèm và ½ chỗ lá giang ra đĩa. Bún cắt thành những khúc vừa ăn rồi bày ra đĩa.
- Đặt nồi lẩu ở giữa và bắt đầu thưởng thức cùng các loại rau, bún ăn kèm.
- Hoàn thành và thưởng thức lẩu gà lá giang.
3. Lẩu hải sản
Nguyên liệu:
- 500gr tôm tươi
- 500gr mực tươi
- 1 bát con ngao (nghêu)
- 1/3 quả dứa
- 2 quả cà chua (thêm nhiều cà chua nếu bạn thích nước lẩu có màu đỏ đẹp)
- 1 bó nấm kim châm
- 1 thìa bột me (nếu có me tươi thì càng tốt)
- 2 cái xương ức gà
- 500gr cá phi lê
- 1 ít giò cá viên
- Vài miếng đậu phụ non
- Vài bó miến hoặc mì tôm tùy thích
- Rau cải chíp và các loại rau tùy theo sở thích
- Gia vị gồm: hành khô, tỏi, hạt nêm, mắm đường, muối, tiêu, gừng, hành lá.
Cách làm lẩu hải sản:
Bước 1: Xương ức gà rửa sạch rồi cho vào nồi nước hầm cho nước lẩu ngọt thanh, khi nước sôi bạn hớt bỏ bọt phía trên để nước được trong nhé (bạn có thể cho thêm ít đầu tôm vào hầm cho nước thêm ngọt).
Bước 2: Sau khoảng 1 tiếng bạn bỏ xương riêng, lọc lấy nước dùng cho vào nồi lẩu.
Bước 3: Tôm, ngao, mực sơ chế sạch, mực thái lát vừa mỏng, cá phi lê thái lát vừa mỏng.
Bước 4: Các loại rau nhặt rửa sạch, để ráo nước và xếp riêng từng loại vào đĩa. Dứa thái miếng vừa mỏng, đậu non cắt miếng vuông, miến ngâm nước cho mềm thì vớt ra.
Bước 5: Phi hành tỏi với dầu ăn cho thơm rồi cho cà chua vào xào qua. Cho nước dùng đã chuẩn bị sẵn ở trên vào cùng với chút bột me. Vặn lửa vừa và nêm gia vị cho vừa ăn rồi thả dứa vào nước lẩu đun lấy mùi thơm. Rắc chút tiêu và ít hành lá lên trên là bạn đã hoàn thành nồi nước để ăn lẩu hải sản rồi nhé.
Bước 6: Trình bày món ăn và thưởng thức:
- Cho nồi lẩu hải sản ra giữa bàn ăn, đặt trên bếp điện.
- Xếp đĩa rau, đĩa hải sản, miến và nước mắm đã chuẩn bị sẵn bày ra xung quanh bàn rồi thưởng thức.
Lưu ý: Nếu thích ăn cay bạn có thể thêm sa tế nhé! Ngoài ra, bạn có thể thêm các loại hải sản khác nếu thích.
Theo Khám phá