Trao đổi với Zing.vn ngày 12/8, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt (Bộ GTVT), cho biết Ban quản lý đã phát đi bản thông báo đính chính việc người dân được tham gia chạy thử tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông ngày 11/8.
Ban QLDA Đường sắt khẳng định Tổng thầu đã tự ý cho những người không có chức năng, nhiệm vụ lên tàu. Phía Ban quản lý đã có văn bản yêu cầu Tổng thầu chấm dứt ngay việc này, đồng thời báo cáo ban về việc trên.
Theo báo cáo của Tổng thầu, sáng 11/8, Tổng thầu tổ chức hoạt động công đoàn để phát động thi đua và động viên cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm và mục tiêu của dự án.
Cùng ngày, Tổng thầu đã tự ý mời CBCNV và người nhà của họ tham gia chạy thử tàu. Việc này được Tổng thầu giải thích là nhằm khích lệ, động viên tinh thần nhân viên sau thời gian thi công vừa qua.
Hình ảnh thẻ lên tàu thiết kế dành riêng cho CBCNV thi công dự án được lan truyền trên mạng xã hội.
Sau chuyến chạy thử tàu ngày 11/8, mạng xã hội lan truyền ảnh chụp thẻ lên tàu có in chữ Trung Quốc. Hình ảnh này xuất hiện chỉ ít ngày sau sự việc biển tên có chữ Trung Quốc xuất hiện ở các nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Nhiều người chưa nắm rõ thông tin đã bức xúc đặt câu hỏi tại sao thẻ lên tàu dành cho người dân thủ đô lại được in chữ Trung Quốc.
Số "thẻ lên tàu" này được in riêng cho CBCNV (có cả người Trung Quốc) và người nhà khi tàu vận hành thử. Thẻ này chỉ có giá trị trong ngày 11/8.
Để tránh không xảy ra sự việc tương tự, Ban QLDA Đường sắt đã tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình và có văn bản yêu cầu Tổng thầu tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch được phê duyệt.
Các công việc triển khai không theo kế hoạch, Tổng thầu phải báo cáo và được Ban QLDA Đường sắt chấp thuận trước khi thực hiện. Tại cuộc họp, Tổng thầu đã nhận trách nhiệm về sự việc trên và cam kết không tái diễn.
Lộ trình dự án Cát Linh - Hà Đông. Đồ họa: Hữu Nhân.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).
Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Ngày 9/8 vừa qua, đoàn tàu chính thức tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được vận hành thử nghiệm trên đường ray trước thời điểm đưa vào khai thác thương mại.
Theo Zing