Thông thường, trước nhiều ngày, các mật vụ, đặc vụ cùng đội ngũ nhân viên Nhà Trắng phải tới địa điểm mà Tổng thống Mỹ sắp đến để thăm dò, kết nối với lực lượng an ninh địa phương.

Họ phải đảm bảo không phận tại sân bay luôn thông thoáng vào thời điểm chuyên cơ tổng thống hạ cánh, yêu cầu thành lập đội xe hộ tống, xác định vị trí các bệnh viện, đồng thời tìm những nơi ẩn náu an toàn, đề phòng trường hợp tổng thống bị tấn công.

Tổng thống Mỹ ăn nghỉ thế nào mỗi khi công du?
Tổng thống Obama điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu tại phòng khách sạn
ở Phnom Penh, Campuchia ngày 19/11/2012. (Ảnh: Nhà Trắng)


Theo Yahoo News, khi đến khách sạn, không phải lúc nào Tổng thống Mỹ cũng được ở phòng hạng sang. Bước lên thảm đỏ chỉ là chuyện bề ngoài. Thứ đầu tiên mà Tổng thống Mỹ thường nhìn thấy - và cả ngửi thấy - khi chiếc limousine của ông đỗ lại, đó là rác.

"Dù khách sạn đẹp đến mấy, 5 sao hay sang trọng cỡ nào - thì chúng tôi cũng thường đi bằng lối vào của nhân viên phục vụ, qua chỗ thùng rác, cạnh khu bếp. Mùi của nó thì không dễ chịu chút nào" - một trợ tá Nhà Trắng từng tháp tùng Tổng thống đi nước ngoài kể lại.

Khi nhận phòng, không phải lúc nào Tổng thống Mỹ cũng được ở trong những căn phòng tầng cao có quang cảnh đẹp. Một phòng mà khách có thể phóng tầm mắt ra ngoài để ngắm thì cũng có thể nhìn thấu từ bên ngoài, và như vậy nguy cơ an ninh sẽ cao hơn.

"Tổng thống chưa từng được ngắm cảnh từ phòng của mình", viên trợ tá tiết lộ. Vì lý do an ninh, kể cả khi phòng của ông nhìn xuống đường thì các cửa cũng luôn được đóng kín.

Tổng thống Mỹ ăn nghỉ thế nào mỗi khi công du?1
Tổng thống Obama bước tới chiếc xe limousine của ông để đến khách sạn Okura,
Tokyo, năm 2009. (Ảnh: Nhà Trắng)


Theo một nguồn tin, để đảm bảo một nơi có đủ điều kiện phục vụ Tổng thống, đội "tiền trạm" của Nhà Trắng, tức đội ngũ hậu cần, phải cử một nhóm khoảng 40 người tới đó từ trước nhiều ngày, kể cả ông không ngủ qua đêm.

Nhóm tiền trạm sẽ trinh sát các cơ sở của khách sạn và đánh giá tình hình an ninh, đồng thời đảm bảo sẽ có đủ chỗ đỗ cho đoàn xe của Tổng thống, có thể lên tới 40 chiếc. Và từ trước khi Tổng thống có mặt, các khách của khách sạn đó đều phải qua kiểm tra an ninh.

Về thức ăn, nếu Tổng thống muốn dùng bữa thì các trợ tá sẽ không gọi phục vụ phòng.

Sau âm mưu ám sát năm 1981 nhằm vào Tổng thống Reagan khi ông rời khách sạn Hilton trên Đại lộ Connecticut ở thủ đô Washington D.C, an ninh quanh chuyện ăn ở của Tổng thống Mỹ được thắt chặt hơn.

Sau vụ này, một nhân viên phục vụ của Hải quân sẽ được chọn chuẩn bị thức ăn cho Tổng thống trong nhà bếp của các khách sạn. Đôi khi phải làm tiệc lớn thì người này sẽ mặc đồng phục của khách sạn và đích thân phục vụ Tổng thống.

George H.W. Bush có thoải mái hơn chút ít, nhưng ông vẫn để các quan chức phụ trách việc chuẩn bị thức ăn và giám sát nhân viên được chỉ định phục vụ ông. Còn về Obama? "Nhìn chung các sĩ quan Hải quân vẫn phụ trách tất cả các bữa ăn của Tổng thống", cựu trợ tá tiết lộ.

Tổng thống Mỹ ăn nghỉ thế nào mỗi khi công du?2
Tổng thống Barack Obama ăn tối với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi ông thăm Tokyo
tháng 4/2014. (Ảnh: Nhà Trắng)

Có lẽ không ai nắm rõ phục vụ phòng của Tổng thống hơn John Doherrty, đầu bếp trưởng của khách sạn Waldorf Astoria ở New York trong 30 năm.

"Không có người nếm thức ăn chính thức. Ai tiếp xúc với thức ăn của Tổng thống đều phải qua kiểm tra an ninh", ông kể và nhấn mạnh "chỉ một hoặc hai người" là được giao việc này. Họ phải hiểu là mình đưa ra những món mà Tổng thống thích, để ông cảm thấy như đang ở nhà.

Về y tế, chăm sóc sức khỏe cho Tổng thống cùng gia đình ông là do đơn vị y tế của Nhà Trắng đảm nhận. Các thành viên của đơn vị này đều là bác sĩ quân y được đào tạo cả về chuyên môn lẫn kỹ năng chiến đấu.

Báo Los Angeles Times cho biết, mỗi khi Tổng thống Mỹ công du thường có 2 đội y tế đi cùng, gồm 6 bác sĩ và y tá. Một đội chăm sóc ông trên chuyên cơ, còn một đội đến nước chủ nhà từ trước để chuẩn bị công việc của mình.

Theo VietNamNet