Nếu ở nước ta, người dân thường đi tảo mộ vào Tết thanh minh hoặc cuối năm để mời người thân đã khuất về ăn tết cùng con cháu, thì người dân ở thành phố Talca, Chile có một cách chào đón năm mới vô cùng kỳ lạ: Đón giao thừa ở nghĩa trang với người thân đã khuất. Phong tục này bắt đầu từ năm 1995, được xem như là một cách để người dân nơi đây tưởng nhớ tới người đã khuất.
Cứ đến gần thời khắc giao thừa, người dân Talca lại tập trung đông ở nghĩa trang. Khi đất trời giao thoa, những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới vừa sang, họ mở những bản nhạc cổ điển, đốt nến và mở tiệc ăn mừng ngày đầu năm ngay tại nghĩa địa. Nghĩa trang vốn dĩ lạnh lẽo, u tối bỗng trở thành nơi sáng rực, ấm áp mỗi dịp giao thừa hằng năm.
Đón năm mới ở nghĩa trang của người Chile chưa "rùng rợn" bằng phong tục "gọi hồn" đón năm mới của người Mexico. Người dân Mexico tin rằng khoảnh khắc giao thừa là thời điểm duy nhất họ có thể trò chuyện với các linh hồn; bởi vậy "gọi hồn" từ lâu đã trở thành một phong tục tập quán của họ.
Ở quốc gia này có các trung tâm hợp pháp để người dân đến "gọi hồn". Thông thường, người ta phải bỏ ra 15 USD cho một lần "gọi hồn" kéo dài 15 phút.
Để dễ dàng liên lạc với người thân đã khuất, người ta phải đến thăm mộ của người chết vài ngày trước giao thừa, mang theo những bông cúc vạn thọ và đồ ăn uống yêu thích của người chết để báo trước cuộc gặp gỡ vào khoảnh khắc năm mới.
Người Mexico cũng tưởng niệm “Ngày của người chết” vào mùng 2.11 hằng năm.
Ở nước ta, người Thái cũng có tục "gọi hồn" vào ngày đầu năm mới. Đây là một nét đặc trưng của người dân tộc Thái vào ngày Tết. Theo đó, vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình sẽ thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên, một con để gọi hồn.
Để quên đi những gì kém may mắn trong năm cũ, người Ecuador dựng nên những hình nộm gọi là viejos được lấy cảm hứng từ những nhân vật đời thường và sau đó đốt chúng giữa đường vào đêm giao thừa.
Phong tục phổ biến này được gọi là “Ano Viejo”. Người Ecuador tin rằng đốt cháy bù nhìn cũng chính là đốt cháy tất cả những điều xấu đã xảy ra với họ trong năm cũ, để năm mới chỉ còn điều may mắn, tốt đẹp.
Ở Hungary, đốt bù nhìn rơm cũng là một phong tục vào đêm giao thừa để tống tiễn những điều không may của năm cũ và chào đón năm mới tốt lành.
Ẩu đả đón năm mới ở Peru là một trong những phong tục kỳ lạ nhất thế giới.
Để chào đón năm mới, người dân ở tỉnh Chumbivilcas và một số khu vực khác của Peru tổ chức một lễ hội có tên Takanakuy hay còn gọi là Lễ hội đánh nhau. Đây là dịp để người dân giải tỏa những hiềm khích trong năm cũ, sẵn sàng đón năm mới hòa đồng và đoàn kết hơn.
Một phong tục đón năm mới kỳ lạ không kém nhưng chắc chắn sẽ chiều lòng những người yêu động vật. Đó là tục lệ "trò chuyện cùng thú cưng" để lấy may trong đêm giao thừa.
Đây là phong tục đón năm mới của người dân Romania. Họ tin rằng vào thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, con người và động vật sẽ có sự kết nối với nhau.
Theo tín ngưỡng của người Romania, nếu người chủ trò chuyện với vật nuôi của họ mà những con vật "im lặng" thì đó là điềm báo cho một năm mới an lành, may mắn. Ngược lại, nếu những con vật đáp lại lời họ, thì đó là điểm báo không may.