Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều tối 7/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định TP.HCM đang trải qua cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng, chống dịch. Do đó, thành phố phải nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch.

"Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", ông Phong thông báo.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày kể từ 0h 9/7-1
Ông Nguyễn Thành Phong mong người dân TP.HCM bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Ảnh: Đ.L.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, dù số ca nhiễm đang tăng nhanh, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống. Ông khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người và "bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố".

"Mong người dân ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng. Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi", Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.

Điểm đáng lưu ý của Chỉ thị 16

Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 được Thủ tướng ban hành ngày 31/3/2020. Nguyên tắc thực hiện của chỉ thị là gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

- Không tập trung quá 2 người, giãn cách 2 m: Người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

- Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế hoạt động của các phương tiện cá nhân.

- Dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc.

- Cơ sở được tiếp tục hoạt động gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

- Với các cơ quan, đơn vị Nhà nước: Bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

TP.HCM liên tục áp dụng các biện pháp giãn cách

Từ ngày 27/5 đến nay, TP.HCM đã 4 lần thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 31/5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp; phường Thạnh Lộc (quận 12). Ngày 14/6, TP.HCM kết thúc đợt giãn cách đầu tiên nhưng số ca nhiễm không giảm, thành phố ghi nhận 871 ca nhiễm.

Từ ngày 15/6, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố. Số ca nhiễm vẫn tăng, do đó, ngày 20/6, chính quyền TP.HCM ban hành riêng Chỉ thị 10 (hay còn gọi là Chỉ thị 15+) với yêu cầu giãn cách 1,5 m; không tập trung quá 3 người nơi công cộng; tạm dừng chợ tự phát...

Ngày 28/6, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 từ 0h ngày 29/6. UBND TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...

TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).

Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận.

Sáng 5/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, thống nhất TP.HCM tiếp tục án dụng Chỉ thị 10, lập phương án kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TP.HCM.

Cách thức là kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với nCoV được cung cấp qua mã QR code. Bộ Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với TP.HCM để hợp mã QR code với hệ thống thông tin về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm và khai báo y tế.

Với trên 8.000 ca nhiễm ghi nhận từ 27/4, TP.HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước.

Theo Zing