"Dịch ở TP.HCM nhiều khả năng sẽ kéo dài. Kể cả khi nỗ lực nhất thì phải hết tháng 8, dịch mới được kiểm soát hoàn toàn", TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia, đưa ra dự báo.

TS Nguyễn Thu Anh thẳng thắn nhận định việc thực hiện giãn cách thời gian qua tại TP.HCM chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Thu Anh dẫn đầu đề xuất 6 giải pháp bổ sung nhằm giúp TP.HCM có thể "câu giờ, chờ vaccine".

Dự báo có 8.000 - 10.000 ca nhiễm đợt dịch 4

TS Nguyễn Thu Anh cho biết so với các chủng virus khác đã được ghi nhận trước đây, chủng Delta không chỉ dễ lây hơn (tốc độ lây nhiễm cao hơn 60-90% so với chủng virus ban đầu), mà còn dễ gây bệnh nặng hơn.

Các triệu chứng bệnh cũng khác so với chủng trước. Triệu chứng thường gặp hiện nay là nhức đầu, đau họng, sổ mũi, sốt; các triệu chứng trước đây thường gặp như ho, mất vị giác nay đã ít phổ biến. Theo The Lancet (tuần san y khoa hàng đầu thế giới), nguy cơ nhập viện do bệnh nặng khi nhiễm chủng Delta là gấp đôi so với chủng Alpha.

Thống kê của nhóm nghiên cứu cho thấy dù đã trải qua hơn một tháng bùng dịch, TP.HCM vẫn có khoảng 7,5% số ca nhiễm chưa được cập nhật thông tin dịch tễ để phân loại chuỗi lây (tính đến 25/6).

TS Nguyễn Thu Anh cho rằng dù có biện pháp giãn cách nhưng ngành y tế vẫn sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm sẵn có trong cộng đồng.

TP.HCM cần tính việc điều trị F0 tại nhà khi có trên 10.000 ca nhiễm-1
Ảnh minh họa

Ngoài ra, chuyên gia cho biết hiệu quả của vaccine AstraZeneca khi mới chỉ tiêm một mũi là rất thấp, chỉ đạt 33%. Hiệu quả tăng lên 80% sau 2 mũi tiêm. Do đó, TS Thu Anh cho rằng không thể dùng chiến lược tăng nhanh độ bao phủ một mũi vì hiệu quả bảo vệ quá thấp.

Dựa trên các số liệu được công bố tính đến 24/6, nhóm nguyên cứu của TS Thu Anh dự báo nếu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 10 của thành phố, cả đợt dịch thứ 4, TP.HCM sẽ có khoảng 8.000-10.000 ca nhiễm. Và dịch sẽ kết thúc khoảng cuối tháng 8/2021.

Tuy nhiên, nếu việc triển khai Chỉ thị 10 không hiệu quả, số ca bệnh sẽ tăng nhanh chóng và vượt ngưỡng năng lực của hệ thống. Khi số bệnh nhân trên 10.000, thành phố sẽ không có đủ năng lực chăm sóc y tế (so với sự chuẩn bị hiện nay). Lúc này, tỷ lệ tử vong sẽ tăng nhanh.

Ngoài ra, nếu giả định mỗi F0 có ít nhất 20 F1 (số liệu của HCDC) thì khi số bệnh nhân vượt quá 10.000, số F1 sẽ là 200.000 người. Lượng F1 này sẽ phải cách ly trong 21 ngày và liên tục tăng.

“Con số này hoàn toàn vượt xa khả năng truy vết và cách ly của hệ thống hiện tại”, chuyên gia cảnh báo và cho rằng TP.HCM cần tính toán cho một kịch bản xấu hơn.

Cần chuẩn bị phương án điều trị F0 tại nhà

Về các biện pháp chống dịch tại TP.HCM, TS Thu Anh đồng tình với việc cách ly tập trung F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bà kiến nghị cần áp dụng thêm biện pháp giám sát bằng công nghệ như trang bị vòng giám sát bằng GPS hoặc Bluetooth cho người được cách ly.

Chuyên gia cũng cho rằng thời gian qua, thành phố đã có biện pháp tăng tốc xét nghiệm nhưng "chưa đủ nhanh và đủ rộng" để phát hiện sớm hơn các ổ dịch trong cộng đồng.

Bà gợi ý với xét nghiệm RT-PCR, ngành y tế có thể hướng dẫn người dân lấy mẫu tại nhà rồi gửi mẫu tới phòng xét nghiệm, kết quả được trả qua tin nhắn.

Với xét nghiệm kháng nguyên, chuyên gia cho rằng nên sử dụng các loại xét nghiệm đã được đánh giá là có độ nhạy cao và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, xét nghiệm tại nhà. Tuy nhiên, TS Thu Anh cảnh báo không thực hiện xét nghiệm nhanh với người nghi nhiễm hoặc có tiền sử dịch tễ.

Đồng thời, ngành y tế cần hướng dẫn người dân cẩn trọng kể cả khi xét nghiệm có kết quả âm tính. Việc xét nghiệm này chỉ giúp phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus chứ không thay thế được xét nghiệm RT-PCR.

Bên cạnh 5K, tăng thông khí tại các khu vực kín là biện pháp thứ 3 được TS Thu Anh nhấn mạnh. Chuyên gia đề xuất cần lắp đặt thiết bị thông gió, thoáng khí, sử dụng hệ thống lọc không khí màng lọc HEPA, hệ thống đèn chiếu UV trên trần, hạn chế sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm... để giảm nồng độ virus trong không khí và trên bề mặt.

Chuyên gia cũng đề nghị TP.HCM cần ưu tiên hoạt động cho dịch vụ ngoài trời hơn là các dịch vụ trong nhà. Ví dụ ưu tiên chợ dân sinh ngoài trời để có độ thông khí tốt và sắp xếp giãn cách hơn là siêu thị kín và sử dụng điều hòa trung tâm.

Ngoài ra, giảm mật độ người tại nơi làm việc, trường học, chợ, siêu thị, khu dân cư... cũng là giải pháp cần thiết.

TP.HCM cần tính việc điều trị F0 tại nhà khi có trên 10.000 ca nhiễm-2
Chuyên gia kiến nghị ngành y tế nên hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Ảnh: Chí Hùng.

Khi số bệnh nhân vượt ngưỡng 10.000, TS Nguyễn Thu Anh cho rằng TP.HCM cần chuẩn bị sẵn phương án chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Theo chuyên gia, ngoài những trường hợp F0 chuyển biến nặng thì nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những trường hợp này có thể tự khỏi mà không cần điều trị và chăm sóc y tế.

Những F0 có triệu chứng bệnh kéo dài, khó thở và đặc biệt là khi nồng độ oxy trong máu dưới 92% cần tới cơ sở y tế ngay lập tức. Cách làm này không áp dụng với người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai hay những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong cao.

Cuối cùng, giải pháp tiên quyết để thoát khỏi đại dịch là triển khai tiêm chủng nhanh, an toàn, theo nhóm ưu tiên và cuốn chiếu từng khu vực địa lý. TS Nguyễn Thu Anh cho rằng cần ưu tiêm tiêm vaccine theo thứ tự: Cán bộ y tế, người tham gia chống dịch; người có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong; và cuốn chiếu theo từng khu vực địa lý để tạo “vành đai" an toàn cho từng khu vực.

“Với khả năng lây nhiễm của chủng mới Delta, cần ít nhất 85% dân số hoàn thành 2 mũi để đạt được miễn dịch cộng đồng”, chuyên gia đánh giá.

Theo Zing