Chiều 9/10, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TPHCM họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

TPHCM thông tin về nguyên nhân ô nhiễm không khí-1
Dù hiện tượng ô nhiễm không khí được nhiều cơ quan báo chí đưa tin từ tháng 9, nhưng đến tận ngày 9/10, Sở TN-MT mới có thông tin chính chức.

Theo Sở TN-MT TPHCM, việc quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí quan trắc được thực hiện với tần suất 10 ngày trong tháng vào 2 thời điểm: từ 7h30 – 8h30 và từ 15h – 16h.

Kết quả quan trắc cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và do các hoạt động giao thông gây ra, trong đó số liệu bụi lơ lửng có trong không khí là 50,8%.

Số liệu mức ồn quan trắc được là 93,9% tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Cá biệt tại vòng xoay Mỹ Thủy (Quận 2) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất và bụi lơ lửng có trong không khí là 99% và số liệu quan trắc mức ồn là 100% trong 9 tháng năm 2019.

Trong các ngày 18 - 20/9 đã có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5) mà cao nhất là ngày 20/9 với các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%.

TPHCM thông tin về nguyên nhân ô nhiễm không khí-2
Ông Cao Tung Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên.

Tại buổi họp báo, ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM lý giải, mù quang hóa là hiện tượng tự nhiên và xảy ra thông thường vào thời điểm giao mùa từ thu sang đông và từ năm 2015 đến nay đều diễn ra vào tháng 10, hoặc từ mùa đông sang mùa xuân.

Riêng năm nay, hiện tượng này diễn ra vào giữa tháng 9, một phần là do ô nhiễm vì mật độ người dân sinh sống tăng, hạ tầng và phương tiện giao thông tại thành phố quá đông…

Để thông tin đến người dân, Sở TN-MT đã phối hợp với Sở GTVT thành phố đưa thông tin môi trường lên 48 bảng quảng báo. Tuy nhiên do phương pháp là thủ công gián đoạn, 2 Sở làm nên mất khá nhiều thời gian…

Việc công bố thông tin chậm hiện tượng mù quang hóa do nằm ngoài dự báo (tháng 9 thay vì tháng 10 như mọi năm), phương pháp là thủ công gián đoạn nên bị chậm. Thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng nỗ lực để đưa thông tin chính xác và nhanh nhất.

Để bảo vệ sức khỏe, Sở TN-MT, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ mỗi khi ra ngoài thì nên đeo khẩu trang, trang phục phù hợp chứ không phải đợi khi có hiện tượng mù quang hóa.

Về ứng dụng (app) đo ô nhiễm không khí Air Visual đang được người dân rất quan tâm về độ tin cậy, ông Cao Tung Sơn cho biết, để thực hiện quan trắc môi trường, đưa ra các chỉ số thì cần phải có đánh giá trang thiết bị, quy trình hiệu chuẩn và thực hiện phương pháp lấy mẫu.

Nhưng ở đây app Air Visual chưa có những thông tin đó và theo ông Sơn thì app này dùng sensor (cảm biến) tự động nên độ sai số khá cao, nhất là khi các điều kiện độ ẩm, nhiệt độ, áp suất, ánh sáng… không thuận lợi.

"Hành lang pháp lý đã có, nhưng đây là app nước ngoài và cũng không công bố nội dung nào, cũng không đưa ra các cơ quan chuyên ngành nước ngoài thực hiện việc kiểm chứng, nên hiện nay chúng tôi cũng chưa có cơ sở xác định mức độ tin cậy của số liệu mà Air Visual cung cấp" - ông Cao Tung Sơn cho biết.

Theo VOV