Chiều 3/11, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết số nạn nhân của virus Zika tiếp tục tăng lên 21 trường hợp, trong đó có 4 phụ nữ đang mang thai, ngoài ra còn 9 mẫu nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm. Theo đánh giá, virus Zika đang lan mạnh trên địa bàn thành phố. Giám sát dịch tễ trong 4 tuần gần đây tại khu vực TP.HCM, ông Lân đánh giá số mắc Zika đang gia tăng trên số mẫu lấy, ở giai đoạn đầu giám sát tỉ lệ mắc trên số mẫu lấy là 6% và gần đây đã tăng lên 12%.
Những thông tin này khiến nhiều gia đình có thai phụ lo lắng, đồng thời cũng tích cực chia sẻ cho nhau cách phòng chống muỗi trong từng gia đình (lý do là virus Zika lây truyền qua muỗi).
Nhiều thai phụ tỏ ra lo lắng với tình hình bệnh Zika tại TP.HCM.
Tại một phòng khám thai sản trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), nhiều thai phụ cho biết, có nghe thông tin về tình hình bệnh Zika lan nhanh tại TP.HCM mấy ngày qua nên thấy khá lo lắng. Sau giờ làm việc, chị Quỳnh Mai (28 tuổi) cùng chồng ngồi đợi đến số thứ tự để được kiểm tra tình trạng sức khỏe thai kỳ.
Chị Mai chia sẻ: “Tôi có nghe báo chí đưa tin về trường hợp nhiễm virus Zika. Công tác giám sát và hạn chế tình trạng lây lan ra cộng đồng đã được triển khai. Dù vậy tôi mới mang bầu được 2 tháng nên cảm thấy khá lo lắng”.
Thai phụ chờ khám thai tại phòng khám.
Cùng tâm trạng chị Nguyễn Thị Thúy Nga (34 tuổi, quận Bình Thạnh) cũng ở trong tình trạng “đứng ngồi không yên” mỗi khi đọc thông tin thấy TPHCM ghi nhận thêm các ca nhiễm virus Zika mới.
“Tôi tìm hiểu rất nhiều tài liệu về loại virus này, dù không phải ai mang bầu cũng bị nhiễm bệnh, không phải thai phụ nào nhiễm bệnh cũng sinh con bị dị tật đầu nhỏ, nhưng vợ chồng tôi rất lo lắng. Không hiểu sao TPHCM lại bùng phát bệnh nhiều vậy”, chị Nga nói.
Dù khá nhiều thai phụ biết về bệnh Zika nhưng hầu hết chỉ biết rằng nếu phụ nữ mang bầu nhiễm virus này thì sẽ sinh ra con có tật đầu nhỏ. “Nghe nói con đẻ ra bị chứng đầu nhỏ. Mình không đọc báo nhiều nên cũng chỉ biết vậy chứ không rõ phòng tránh, dấu hiệu… như thế nào. Nếu bị có khi bỏ thai quá”, một thai phụ cho biết.
Nhiều thai phụ cho biết, chỉ hiểu Zika sẽ gây nên chứng đầu nhỏ.
Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, các “mẹ bỉm sữa” cũng tỏ ra rất lo lắng, đặc biệt là các bà mẹ đang mang thai nhưng đồng thời cũng tích cực chia sẻ cho nhau cách phòng chống muỗi trong từng gia đình.
Một số cách diệt muỗi, lăng quăng cơ bản để phòng chống dịch bệnh do virus Zika gây ra cũng được dân mạng lan truyền cho nhau. Tuy nhiên hầu hết các “mẹ” đều rủ nhau nên mắc màn khi ngủ để đảm bảo an toàn là cách tốt nhất.
"Tối nay phải đi mua màn cho cả nhà nằm ngủ an toàn, tạm thời lánh nạn Zika cho chắc. Còn phải mua thêm màn cho ông bà khi tới chơi. Mấy lúc có dịch bệnh lại thấy thương mấy đứa nhỏ ghê gớm. Mọi người cũng nên ngủ mùng từ đây là vừa", một bà mẹ trẻ viết trên Facebook.
Nhiều "mẹ bỉm sữa" khuyên nên mắc màn khi ngủ.
Một số ý kiến khác nhắc nhở chung: Mọi người nên chú ý giữ vệ sinh ngay trong nhà và cả khu vực sân vườn. Có thể dùng lưới chống muỗi chặn ở các lỗ thông gió hay cửa sổ để ngăn côn trùng. Cách phòng bệnh tốt nhất là phun thuốc diệt lăng quăng bọ ngậy, vệ sinh sạch sẽ xung quanh nơi ở, thậm chí ngủ trong mùng...
PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết, trong 5 tuần gần đây, những trường hợp nhiễm virus Zika liên tục được phát hiện, dự báo số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch triệt để và hiệu quả.
Đáng lo ngại, trong những ca bệnh đã được xác định dương tính với Zika thì có 4 phụ nữ đang mang thai (1 người mang thai dưới 3 tháng). Trước tình tình hình trên, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu máu từ những người nghi ngờ mắc bệnh để thực hiện xét nghiệm,chăm sóc thai phụ nhiễm Zika tại các bệnh viện sản khoa và trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản trên toàn thành phố.
Các chuyên gia khuyên thai phụ không nên quá lo lắng.
Theo các chuyên gia y tế, virus Zika khi xâm nhập vào cơ thể người thì có đến 80% là không có biểu hiện, 20% là biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, viêm kết mạc nhưng không gây tử vong. Tuy nhiên, điều quan ngại nhất theo WHO đó là biểu hiện chứng đầu nhỏ - tức teo não ở trẻ sơ sinh ra do mẹ bị nhiễm virus Zika.
Tuy nhiên, thực tế, không phải trường hợp mắc zika nào cũng để lại hậu quả là đầu nhỏ ở thai nhi hay không phải trường hợp đầu nhỏ nào cũng có nguyên nhân từ virus Zika. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, người dân không nên quá hoang mang lo lắng. Các thai phụ không nên quá hoang mang, nếu cần thiết khi có những biểu hiện sức khỏe không tốt có thể đi xét nghiệm để có sự theo dõi và chăm sóc y tế kịp thời.
“Mặc dù virus Zika rất nguy hiểm nhưng không hẳn bệnh đầu nhỏ chỉ do một mình virus Zika gây nên, mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, việc đi làm xét nghiệm sẽ là cần thiết nếu thai phụ không có các triệu chứng sốt phát ban, sổ mũi, viêm kết mạc, người trở về từ vùng dịch hoặc sống chung quanh trong vùng dịch”, ThS.BS Trần Mộng Thúy, Phòng khám Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết.
Theo Trí Thức Trẻ