Thị trường phim hài Tết 2020 vừa kết thúc một mùa ảm đạm. Số lượng phim đếm trên đầu ngón tay, một số dự án từng gây tranh cãi như Làng ế vợ, Bản nhiều vợ… dừng sản xuất, trong khi những series từng được yêu thích như Đại gia chân đất, Mr Lù – Tết vui phết cũng giảm hẳn lượt xem.
Đặc biệt, sự trở lại của hài dân gian với Giấc mộng quan trường cũng không hấp dẫn được khán giả. Nhiều nghệ sĩ đồng nhận định sự quay lưng của khán giả với phim hài Tết năm nay xuất phát từ việc suốt một thời gian dài thể loại này lạm dụng cảnh nóng dung tục, lời thoại phản cảm để câu khách.
Nói như diễn viên hài Minh Tít: “Đã đến lúc giới làm phim cần chung tay làm hài sạch để lấy lại khán giả và xóa bỏ định kiến của công chúng về phim hài Tết”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự trả giá vì hậu quả của cảnh nóng, nhiều ý kiến cũng cho rằng sự đìu hiu của phim hài Tết, thể loại vốn được coi là “đặc sản” của thị trường giải trí phía Bắc, còn xuất phát từ việc phần lớn các sản phẩm không còn kiếm được tiền. Thực hư thế nào?
“Vẫn kiếm được tiền, không có dự án nào lỗ cả”
Từ góc độ của nhà sản xuất kiêm đạo diễn trong phim hài Tết Thiếu gia chấm phẩy, Minh Tít khẳng định với chúng tôi: “Không có dự án phim hài Tết nào lỗ cả vì đa phần phải xin được tài trợ thì các nhà sản xuất, đạo diễn mới bấm máy”.
Nam diễn viên hài tiết lộ phần lớn các dự án phim hài đảm bảo được yếu tố về diễn viên, uy tín sản xuất sẽ có tiền tài trợ trước khi làm phim.
“Thực tế này phổ biến, đó là cách sống của phim hài Tết trong bối cảnh đế chế băng đĩa đã sụp đổ. Dự án nào không được nhà tài trợ để ý thì cũng sẽ cố gắng kêu gọi nhà tài trợ.
Do vậy, đa phần làm phim hài là không phải tiền từ nhà sản xuất hoặc nếu có cũng không nhiều. Tiền tài trợ là chính”, anh nói.
Đạo diễn Trần Bình Trọng của Đại gia chân đất cũng từng chia sẻ với chúng tôi trước đây khi đế chế băng đĩa hưng thịnh, doanh thu từ việc bán băng đĩa chiếm phần quan trọng. Tuy nhiên, khi băng đĩa không còn được ưa chuộng, phim hài Tết đổ bộ sang Internet, do vậy, doanh thu hiện nay chủ yếu đến từ quảng cáo.
Nhưng, như một thực tế từ quy luật của thị trường, tài trợ luôn đi kèm quyền lợi. Nhiều nhà sản xuất thành thật rằng “không ai cho không ai cái gì, phim hài Tết không ngoại lệ”.
“Chúng tôi sẽ viết kịch bản cài cắm yếu tố quảng cáo, PR sản phẩm cho nhãn hàng, đơn vị doanh nghiệp. Phim hài Tết không giống như phim điện ảnh, phải sống với nhà tài trợ, phải chấp nhận việc phim của mình có yếu tố quảng cáo ngay từ khi làm kịch bản”, Minh Tít tiết lộ.
Nam diễn viên cũng cho biết nhìn chung giới sản xuất phim hài hiện nay không gặp khó khăn trong việc lồng ghép quảng cáo, thậm chí nhiều phim lồng ghép rất chuyên nghiệp.
“Đa số các nhà sản xuất có kinh nghiệm về việc lồng ghép quảng cáo trong phim hài Tết. Do vậy, nhìn chung, các phim có lãi, có phim hài Tết còn lãi rất nhiều vì phim thường kinh phí sản xuất không lớn.
Thế nên, lỗ là không có, chỉ là lãi nhiều hay ít. Thực ra, nếu lãi ít thì cũng là vấn đề đáng bàn”, đạo diễn Thiếu gia chấm phẩy nhấn mạnh.
“Khó thắng lớn ở thị trường ảm đạm”
Theo quan sát của chúng tôi, gần như tất cả phim hài Tết phát hành dịp Tết 2020 đều có quảng cáo với các hình thức tương đối đa dạng, từ logo, chạy banner đến sử dụng chính lời thoại, kịch bản phim để giới thiệu sản phẩm. Các phim như Thiếu gia chấm phẩy, Đại gia chân đất, Giấc mộng quan trường, Mr.Lù – Tết vui phết… đều có quảng cáo.
Trong đó, dễ nhận thấy, phim quảng cáo nhiều nhất là Đại gia chân đất 10. Đây cũng là dự án có lượt xem nhiều nhất so với các phim khác cùng phát hành dịp Tết vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều cảnh phim bị cho là quảng cáo lộ liễu, không liên quan đến kịch bản và tần suất quảng cáo xuất hiện dày đặc. Đây cũng là vấn đề thường gặp trong một số phim của đạo diễn Trần Bình Trọng. Bản thân nam đạo diễn cũng từng thừa nhận các quảng cáo trong đĩa hài Tết của anh chưa được sắp xếp hợp lý.
Trước câu hỏi về doanh thu từ quảng cáo ở phim hài lớn, phần lớn các nhà sản xuất giữ kín. Tuy nhiên, một nguồn tin của chúng tôi cho biết doanh thu năm nay không được như mọi năm.
“Thị trường ảm đạm như vậy, không thể coi là thắng lớn được, ngay cả các series nhiều năm cũng không thu được như trước. Đó cũng là một trong những lý do khiến một số dự án phải dừng sản xuất”, người này nói.
Tuy nhiên, có một thực tế, ngoài nguồn thu từ quảng cáo, các phim hài vẫn có nguồn thu nhờ lượt xem trên YouTube và bán bản quyền cho truyền hình.
Giấc mộng quan trường được thông báo phát sóng trên 40 kênh truyền hình. Đây cũng là phim hài Tết phát sóng trên nhiều kênh sóng nhất trong dịp Tết vừa qua.
Khán giả quay lưng, nhà tài trợ quan ngại
Không thể phủ nhận về việc nhiều serie hài Tết năm nay giảm lượt xem hoặc không chinh phục được khán giả. Minh Tít cho biết việc này ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý nhà tài trợ.
“Thực ra nhà tài trợ nào khi đã bỏ tiền ra cũng muốn mình phủ sóng nhiều, càng nhiều càng tốt. Do vậy, việc một số phim hài giảm lượt xem cũng khiến nhà tài trợ quan ngại”, anh nói.
Trả lời chúng tôi, đại diện một doanh nghiệp thực phẩm tham gia tài trợ cho phim hài Tết năm nay cho biết đơn vị này nhận thức được việc nhiều tác phẩm giảm lượt xem. Song, đơn vị này chưa nghĩ đến việc sẽ dừng tài trợ trong năm tới.
Trong khi đó, Minh Tít khẳng định nếu các doanh nghiệp vẫn thấy hiệu quả, họ sẽ vẫn tài trợ dù có thể sẽ giảm định mức.
“Khi làm việc với các bên tài trợ, tôi nhận thấy đa phần các bên thích cắt riêng đoạn quảng cáo cho nhãn hàng của người ta từ phim. Sau đó, họ đăng đoạn đó trên các kênh sóng, mạng xã hội và lượt xem rất tốt”, anh nói.
Minh Tít cho biết có nhiều hình thức để chạy quảng cáo, đa phần các doanh nghiệp rất linh hoạt để áp dụng.
“Ví dụ trong cả một bộ phim dài 90 phút, chỉ có 3 phút quảng cáo. Đối với nhà tài trợ, họ chỉ cần cắt 3 phút để chạy quảng cáo, còn họ cũng không quá quân tâm đến tổng lượt xem của cả phim. Đó là cách nhiều doanh nghiệp đang chọn”, nam diễn viên hài tiết lộ.
Vị đại diện doanh nghiệp thực phẩm đồng tình với ý kiến của Minh Tít, song người này cũng nói thêm: “Thực tế, ai cũng muốn phim hài Tết có lượt xem, chinh phục được khán giả.
Việc tách clip quảng cáo độc lập chỉ là một cách thức. Phim hay, chất lượng, được khán giả khen ngợi thì sản phẩm quảng cáo cũng được đón nhận hơn”.
Theo Zing