Tâm nguyện được đến chúc Tết các nghệ nhân của nghệ thuật truyền thống Việt khởi phát từ tình cảm đặc biệt của Trà Ngọc Hằng dành cho nghệ thuật truyền thống, từ khi cô yêu mến và say mê nghệ thuật Xẩm, Trà Ngọc Hằng cũng tìm hiểu nhiều hơn về các loại hình nghệ thuật truyền thống và muốn được gặp gỡ, thăm hỏi các nghệ nhân. Đồng hành cùng cô trong chuyến đi thăm nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, “đệ nhất danh cầm” của ca trù ở Tứ Kỳ (Hải Dương), về làng Diềm (Bắc Ninh) thăm nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Bàn, cụ Nguyễn Thị Chịch… những “báu vật sống” của quan họ…là ca nương Phạm Thị Huệ cùng con gái chị, ca nương trẻ Nguyễn Huệ Phương mới 15 tuổi.
Đoạn đường từ Hà Nội về Hải Dương không quá xa, nhưng vì không hợp thời tiết lạnh của Hà Nội, lại khởi hành từ sáng sớm nên Trà Ngọc Hằng khá mệt, tuy nhiên khi tới nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, cô lập tức thấy ấm lòng, khoẻ hẳn lên khi nghệ nhân đã đợi đón cô từ cổng nhà từ lâu. Nghệ nhân đã 93 tuổi nở nụ cười rạng rỡ khi thấy một “chân dài” trẻ ở phương Nam đến thăm, đây là điều “lạ” và quý đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thống vốn không nhiều người trẻ quan tâm. Trà Ngọc Hằng rất bất ngờ khi biết, ở nhà, nghệ nhân còn “kiêm” luôn việc bán hàng xén mớ rau, đồng dưa, bánh trái lặt vặt…
Nhanh nhẹn, tinh anh, nghệ nhân nhớ giá của từng món hàng, ông còn nói: “Ông chưa quên gì cả, không quên cái gì hết” để chứng minh sự tinh anh của mình. Ấy thế nhưng, khi cầm cây đàn đáy lên để đàn tặng cô gái trẻ đầu xuân, nghệ nhân lại khẽ nói nao nao buồn: “Cứ nghe tiếng đàn, tiếng hát là nhớ bạn, nhớ các cụ, từ ngày các cụ đi thấy lòng trống vắng… Nhớ nhung ai trong dạ bồi hồi”.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ muốn nhắc đến những nghệ nhân như cụ Nguyễn Thị Chúc, Hà Thị Cầu… Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng học trò cưng của mình, ca nương Phạm Thị Huệ cùng đàn, hát những giai điệu mùa Xuân đầy tình người, say đắm, da diết, bâng khuâng giữa tiết trời ngày cuối năm. Trà Ngọc Hằng cũng thích thú thử đàn, được nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ dạy cách sử dụng đàn, nói về ca trù và giá trị của ca trù trong tinh thần, tâm hồn người Việt.
Khi mời nghệ nhân ra chụp hình, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ nói vui: “cũng chẳng biết còn được chụp hình đến bao giờ nữa….”, câu nói tưởng là vui mà đầy bâng khuâng của nghệ nhân khiến Trà Ngọc Hằng thấy nao nao buồn. Năm mới, cô chúc nghệ nhân sống thật lâu để tiếp tục công việc quý giá mà ông đang làm là cùng học trò truyền dạy và phát triển ca trù, bảo vệ di sản quý giá này.
Rời nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Trà Ngọc Hằng có chuyến thăm đầy xúc động và hiểu hơn rất nhiều điều quý giá về nghệ thuật truyền thống ở “cái nôi” của làng Quan họ Bắc Ninh trong dịp năm mới. Cô gái miền Nam vốn chỉ biết đến đờn ca tài tử, dân ca miền Tây được tới làng mà người người, nhà nhà đều hát, đều yêu Quan họ, coi đó là cuộc sống của mình. “Báu vật sống” nổi tiếng Nguyễn Thị Bàn đón cô bằng bài Quan họ La Rằng cổ, bằng những triết lý sống sâu xa của người quan họ.
Trà Ngọc Hằng đầy bất ngờ khi nghệ nhân cũng gần 90 tuổi nhưng giọng hát vẫn khoẻ, vang như chỉ mới 40 hay 50 tuổi, bà hát từ hồi còn bé tí, đến giờ vẫn hát. Bà nói, Quan họ không chỉ cho bà tài năng mà còn cho bà cách sống, lối sống đẹp của người phụ nữ, từ đó truyền lại cho con cháu. Cả gia đình bà đều hát Quan họ, và là gia đình hát Quan họ nổi tiếng ở làng Diềm.
Tới nhà nghệ nhân Ngô Thị Lịch, năm nay đã gần 90 tuổi, Trà Ngọc Hằng xúc động rưng rưng khi thấy nghệ nhân ở trong hoàn cảnh chật vật, vất vả, căn phòng mà bà ở chỉ đủ để chui ra chui vào, khom người ngồi vào cũng khó khăn lắm. Tuổi cao, sức yếu, bà lại bị đau lưng, đi lại rất khó khăn. Nhưng bà thấy vui bởi có tiếng hát làm bầu bạn, vẫn luôn lạc quan phơi phới trong suy nghĩ. Hỏi chuyện xưa, khi là liền chị, hẳn có nhiều người để ý lắm, bà cười sảng khoái nói, có nhiều lắm nhưng đã là liền chị, đã hát quan họ phải đứng đắn, chung thuỷ, đó là cái nết của các liền chị, liền anh. Trà Ngọc Hằng được bà hát tặng cho nhiều làn điệu quan họ với giọng hát đáng ngạc nhiên, xứng đáng được coi là những “báu vật dân gian” của loại hình nghệ thuật này.
Kết thúc năm cũ, đón chào năm mới, Trà Ngọc Hằng thực sự có chuyến đi ý nghĩa khi được thăm hỏi các nghệ nhân, tặng quà, tặng lì xì chúc các nghệ nhân mạnh khoẻ hơn, và học được nhiều giá trị sống, giá trị lao động, cống hiến cho nghệ thuật từ các “báu vật”. Đó là cú hích để cô có nhiều nỗ lực hơn trên con đường nghệ thuật trong năm mới sang.
Đoạn đường từ Hà Nội về Hải Dương không quá xa, nhưng vì không hợp thời tiết lạnh của Hà Nội, lại khởi hành từ sáng sớm nên Trà Ngọc Hằng khá mệt, tuy nhiên khi tới nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, cô lập tức thấy ấm lòng, khoẻ hẳn lên khi nghệ nhân đã đợi đón cô từ cổng nhà từ lâu. Nghệ nhân đã 93 tuổi nở nụ cười rạng rỡ khi thấy một “chân dài” trẻ ở phương Nam đến thăm, đây là điều “lạ” và quý đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thống vốn không nhiều người trẻ quan tâm. Trà Ngọc Hằng rất bất ngờ khi biết, ở nhà, nghệ nhân còn “kiêm” luôn việc bán hàng xén mớ rau, đồng dưa, bánh trái lặt vặt…
Nhanh nhẹn, tinh anh, nghệ nhân nhớ giá của từng món hàng, ông còn nói: “Ông chưa quên gì cả, không quên cái gì hết” để chứng minh sự tinh anh của mình. Ấy thế nhưng, khi cầm cây đàn đáy lên để đàn tặng cô gái trẻ đầu xuân, nghệ nhân lại khẽ nói nao nao buồn: “Cứ nghe tiếng đàn, tiếng hát là nhớ bạn, nhớ các cụ, từ ngày các cụ đi thấy lòng trống vắng… Nhớ nhung ai trong dạ bồi hồi”.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ muốn nhắc đến những nghệ nhân như cụ Nguyễn Thị Chúc, Hà Thị Cầu… Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng học trò cưng của mình, ca nương Phạm Thị Huệ cùng đàn, hát những giai điệu mùa Xuân đầy tình người, say đắm, da diết, bâng khuâng giữa tiết trời ngày cuối năm. Trà Ngọc Hằng cũng thích thú thử đàn, được nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ dạy cách sử dụng đàn, nói về ca trù và giá trị của ca trù trong tinh thần, tâm hồn người Việt.
Khi mời nghệ nhân ra chụp hình, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ nói vui: “cũng chẳng biết còn được chụp hình đến bao giờ nữa….”, câu nói tưởng là vui mà đầy bâng khuâng của nghệ nhân khiến Trà Ngọc Hằng thấy nao nao buồn. Năm mới, cô chúc nghệ nhân sống thật lâu để tiếp tục công việc quý giá mà ông đang làm là cùng học trò truyền dạy và phát triển ca trù, bảo vệ di sản quý giá này.
Rời nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Trà Ngọc Hằng có chuyến thăm đầy xúc động và hiểu hơn rất nhiều điều quý giá về nghệ thuật truyền thống ở “cái nôi” của làng Quan họ Bắc Ninh trong dịp năm mới. Cô gái miền Nam vốn chỉ biết đến đờn ca tài tử, dân ca miền Tây được tới làng mà người người, nhà nhà đều hát, đều yêu Quan họ, coi đó là cuộc sống của mình. “Báu vật sống” nổi tiếng Nguyễn Thị Bàn đón cô bằng bài Quan họ La Rằng cổ, bằng những triết lý sống sâu xa của người quan họ.
Trà Ngọc Hằng đầy bất ngờ khi nghệ nhân cũng gần 90 tuổi nhưng giọng hát vẫn khoẻ, vang như chỉ mới 40 hay 50 tuổi, bà hát từ hồi còn bé tí, đến giờ vẫn hát. Bà nói, Quan họ không chỉ cho bà tài năng mà còn cho bà cách sống, lối sống đẹp của người phụ nữ, từ đó truyền lại cho con cháu. Cả gia đình bà đều hát Quan họ, và là gia đình hát Quan họ nổi tiếng ở làng Diềm.
Tới nhà nghệ nhân Ngô Thị Lịch, năm nay đã gần 90 tuổi, Trà Ngọc Hằng xúc động rưng rưng khi thấy nghệ nhân ở trong hoàn cảnh chật vật, vất vả, căn phòng mà bà ở chỉ đủ để chui ra chui vào, khom người ngồi vào cũng khó khăn lắm. Tuổi cao, sức yếu, bà lại bị đau lưng, đi lại rất khó khăn. Nhưng bà thấy vui bởi có tiếng hát làm bầu bạn, vẫn luôn lạc quan phơi phới trong suy nghĩ. Hỏi chuyện xưa, khi là liền chị, hẳn có nhiều người để ý lắm, bà cười sảng khoái nói, có nhiều lắm nhưng đã là liền chị, đã hát quan họ phải đứng đắn, chung thuỷ, đó là cái nết của các liền chị, liền anh. Trà Ngọc Hằng được bà hát tặng cho nhiều làn điệu quan họ với giọng hát đáng ngạc nhiên, xứng đáng được coi là những “báu vật dân gian” của loại hình nghệ thuật này.
Kết thúc năm cũ, đón chào năm mới, Trà Ngọc Hằng thực sự có chuyến đi ý nghĩa khi được thăm hỏi các nghệ nhân, tặng quà, tặng lì xì chúc các nghệ nhân mạnh khoẻ hơn, và học được nhiều giá trị sống, giá trị lao động, cống hiến cho nghệ thuật từ các “báu vật”. Đó là cú hích để cô có nhiều nỗ lực hơn trên con đường nghệ thuật trong năm mới sang.
Photo: Nguyễn Hoàn
T.A.
T.A.
Theo Vietnamnet