Như VietNamNet đã đưa, Công an tỉnh Đồng Nai vừa khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách giường nằm và ô tô 16 chỗ khiến 9 người thương vong xảy ra trên Quốc lộ 20, đoạn qua huyện Định Quán khiến.
Sau khi tai nạn xảy ra, tài xế xe giường nằm là anh Hoàng Văn Tính (37 tuổi, lái của nhà xe Thành Bưởi) bị tạm giữ để phục vụ điều tra.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu kết quả xác minh cho thấy, người điều khiển xe khách chạy quá tốc độ cho phép và không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì việc xử lý hình sự với người này là có căn cứ.
Xe khách Thành Bưởi trong vụ tai nạn khiến 9 người thương vong. Ảnh: C.A.
CQĐT cũng sẽ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các dấu vết hiện trường và giám định để xác định tốc độ, hướng di chuyển của các phương tiện giao thông, đặc biệt là chiếc ô tô khách...
Theo luật sư, ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm trong tình huống này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân. Thiệt hại ở đây là chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của người bị thương tích và bồi thường tổn thất về tinh thần đối với nạn nhân bị thương tích (không quá 50 tháng lương cơ sở).
Đối với người bị thiệt hại đến tính mạng thì người vi phạm còn phải bồi thường khoản chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền tổn thất về tinh thần và nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân phải cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Trong vụ tai nạn, nhiều hành khách còn có thiệt hại về tài sản. Người gây tai nạn, có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nạn nhân. Tài sản thiệt hại đến đâu thì sẽ bồi thường đến đó.
Luật sư phân tích, về nguyên tắc, người nào có lỗi, gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định bồi thường do người làm công, học nghề gây ra, bồi thường do người của pháp nhân gây ra.
Trường hợp người làm công của nhà xe gây tai nạn thì nhà xe phải có trách nhiệm bồi thường trước tiên, sau đó yêu cầu lái xe bồi hoàn lại sau. Trường hợp người lái xe khách là người của pháp nhân, là người làm công ăn lương thì pháp nhân là nhà xe phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân, sau đó có quyền yêu cầu người gây tai nạn bồi hoàn số tiền đó.
Tại CQĐT, lái xe khách khai nhận, thời điểm gây ra tai nạn người này đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng về hành vi "điều khiển xe ô tô khách chạy quá tốc độ". Theo luật sư Đặng Văn Cường, đây là tình tiết rất đáng chú ý đối với vụ tai nạn giao thông này.
Nếu tài xế xe khách đã bị tước giấy phép lái xe có thời hạn mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của người lái xe.
Đồng thời tình tiết này cũng sẽ được mở rộng làm rõ xem ai điều động, phân công tài xế tiếp tục thực hiện công việc. Trường hợp người phân công, giao xe ô tô cho lái xe điều khiển mà biết rõ là người này đã bị tước giấy phép lái xe, không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện thì người giao phương tiện trong tình huống này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 264 Bộ luật hình sự, Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Luật sư cho rằng, CQĐT sẽ tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ hành vi này, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Vietnamnet