Sự việc liên quan đến nhóm kín "Hội khăn giấy ướt" trên mạng xã hội Facebook với những bài đăng và bình luận phản cảm, thậm chí quấy rối, trong đó có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Vụ việc này không chỉ là một vụ bê bối đơn thuần, mà còn phơi bày một thực trạng đáng báo động trong showbiz Việt: Sự mâu thuẫn giữa thành công và đạo đức, sự thiếu ý thức về trách nhiệm và ảnh hưởng của những hành động của mình đối với xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Khi thành công che khuất đạo đức

Chiều 1/10, hàng loạt nghệ sĩ từ Orange, Lena, Blacka, Trung Quân, Huỳnh Tú tới Tùng Maru… lần lượt lên tiếng. Tất cả bài viết của các nghệ sĩ đều liên quan đến một nhóm riêng tư trên Facebook được thành lập vào năm 2020 của tài khoản Dang Thanh An (được cho là rapper Negav). Người giãi bày lý do vào nhóm, người lần lượt đăng lời xin lỗi.

Nam rapper Negav là người bị cộng đồng lên án, chỉ trích gay gắt nhất với những bình luận tục tĩu được đào lại, đã cho thấy sự thiếu bản lĩnh, thiếu ý thức trách nhiệm của một nghệ sĩ trẻ. Có lẽ trước khi bị khui nhóm kín này nghệ sĩ trẻ còn đang "bay bổng" với những thành công ban đầu, chưa đủ trưởng thành để nhận thức về ảnh hưởng của những hành động của mình.

Có lẽ chính bản thân Negav cũng không nhận thức được một ngày mình sẽ trở thành người của công chúng và hiển nhiên khi người ta làm một điều sai trái mà chưa suy nghĩ thấu đáo thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Negav có lẽ không ngờ được rằng chính trong khi hào quang đang chiếu sáng rực rỡ lại là lúc phải trả giá cho sự thiếu nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của người nghệ sĩ và sức nặng của "chiếc áo nổi tiếng". Những phát ngôn bông đùa tục tĩu một cách vô tư, vô trách nhiệm, mà không ý thức được những tác động tiêu cực của hành vi của mình đối với xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Trách nhiệm và bài học đắt giá cho nghệ sĩ từ những trò đùa phản cảm-1
Rapper Negav được khán giả yêu thích và biết đến gần đây khi nghệ sĩ trẻ này tham gia một show truyền hình thực tế.

Ngoài ra, câu chuyện về nhóm kín Facebook "Hội khăn giấy ướt" cũng phơi bày một thực trạng đáng lo ngại đó là thói quen ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Những trò đùa phản cảm thậm chí là những hành vi bạo lực được ngụy biện dưới danh nghĩa "vui thôi mà" đang trở thành một hiện tượng đáng báo động.

Sự vô cảm, thờ ơ với những lời lẽ khiếm nhã, những hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng đang dần ăn sâu vào tư tưởng và hành vi của một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay. Sự việc nhóm kín Facebook của Negav cho thấy, đã đến lúc khán giá thật sự khắt khe và lên án mạnh mẽ với những trò đùa lố lăng, những câu nói thiếu suy nghĩ của người có sức ảnh hưởng lên cộng đồng, xã hội.

Trách nhiệm bị bỏ quên

Vụ việc này một lần nữa cho thấy, ranh giới giữa "tiếng cười" và trách nhiệm là vô cùng mong manh. Nghệ sĩ cần phải có trách nhiệm với những lời nói, hành vi của mình, đặc biệt là khi họ đang ở vị trí có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng.

Sự việc cũng cho thấy, việc "cài đặt chế độ bạn bè" để che giấu những hành vi thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm không thể nào "xoá" đi những vết nhơ trong lòng công chúng. Những lời xin lỗi gượng gạo, những bài đăng xin lỗi hời hợt không thể bù đắp cho những tổn thương mà những lời lẽ tục tĩu, phản cảm đã gây ra.

Showbiz Hàn Quốc và Trung Quốc đã cho thấy những bài học đắt giá về việc xây dựng hình ảnh, đạo đức nghề nghiệp. Ở Hàn Quốc, việc phát ngôn không kiểm soát, nhất là trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của người nghệ sĩ, thậm chí dẫn đến việc bị tẩy chay.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, người nghệ sĩ được xem như "người có trách nhiệm xã hội", phải tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt, thể hiện sự chuyên nghiệp và trách nhiệm với xã hội.

Cần thay đổi nhận thức và hành động

Cần phải khẳng định rằng, việc nhóm kín Facebook "Hội khăn giấy ướt" bị khui ra không phải là một "tai nạn" trong showbiz, mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về vấn đề đạo đức, văn hóa trên mạng xã hội. Giữa tiếng cười và trách nhiệm, ranh giới mỏng manh nhưng vô cùng quan trọng. Hãy cẩn trọng với những dòng trạng thái, những bình luận, những lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Cần phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động hay phát ngôn trên mạng bởi hậu quả của những hành động đó là phải trả cái giá rất đắt.

Trách nhiệm và bài học đắt giá cho nghệ sĩ từ những trò đùa phản cảm-2
Dòng trạng thái xin lỗi của Negav lúc 1 giờ sáng ngày 2/10 thu hút sự chú ý của dư luận.

Để thay đổi thực trạng này, cần có sự thay đổi nhận thức từ phía các nghệ sĩ, từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Các nghệ sĩ cần phải ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những người có sức ảnh hưởng đến công chúng. Họ cần phải có những hành vi, phát ngôn phù hợp với đạo đức xã hội, thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.

Gia đình, nhà trường cần phải giáo dục cho con em mình về những giá trị đạo đức, về cách cư xử văn minh trên mạng xã hội.

Xã hội cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, giám sát hoạt động của giới nghệ sĩ, để hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.

Sự thay đổi cần thiết cần thiết nhất phải bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, từ những người có sức ảnh hưởng như các nghệ sĩ, để xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, lành mạnh, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Dù những hành vi thiếu suy nghĩ của Negav đã gây ra nhiều tổn thương, những phát ngôn của Negav khi ấy mới chỉ 19 tuổi, có thể đã bị cuốn vào vòng xoáy của sự nổi tiếng, chưa đủ trải nghiệm để nhận thức được hậu quả của những hành động của mình.

Và cơ hội để sửa chữa sai lầm vẫn còn đó. Bởi chúng ta ai cũng từng là những người trẻ tuổi, từng phạm sai lầm, và chúng ta cần cho những người trẻ như Negav cơ hội để trưởng thành, để học hỏi và trưởng thành.

Sự tha thứ không đồng nghĩa với việc chấp nhận những hành vi sai trái, nhưng nó là cơ hội để Negav trở thành một nghệ sĩ có trách nhiệm hơn, làm một tấm gương cho giới trẻ. Negav cần phải chứng minh được sự thay đổi của mình bằng những hành động cụ thể, bằng những sản phẩm âm nhạc mang ý nghĩa tích cực, bằng những hoạt động xã hội ý nghĩa.

Trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ, khi đáp lời Đế Thích về việc bị quan thiên đình nhập hồn nhầm vào thân xác của người khác. Hồn Trương Ba nói: "Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác."

Thiết nghĩ, Negav có lẽ đã nhận ra được bài học đắt giá từ những phát ngôn của mình trong quá khứ, nhiều nghệ sĩ và người có sức ảnh hưởng khác cũng đã rút ra kinh nghiệm từ câu chuyện này. Việc có cho những người mắc sai lầm cơ hội để sửa sai hay không là quyền quyết định của công chúng và thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, việc "làm những điều đúng khác" lại là lựa chọn của nghệ sĩ...

Theo Công Thương