Trầm Bê: Một thời dọc ngang, cuối đường dây dưa đại án

Ông Trâm Bê trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết sau vụ thâu tóm lịch sử trong ngành ngân hàng. Đây là nhân vật từng nắm vị trí chủ chốt tại Sacombank và cũng là người đã thay đổi số phận của ngân hàng này.

Vụ thâu tóm giấu mặt

Tại Đại hội cổ đông 2017 Ngân hàng Sacombank, rất nhiều cổ đông đặt câu hỏi tại sao đại hội không có mặt ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank), ai đồng ý cho sáp nhập SouthernBank và Sacombank, trong khi cổ đông không đồng ý sáp nhập.

Các cổ đông cũng thắc mắc vì sao trong các năm trước ngân hàng vẫn làm ăn tốt, còn chia cổ tức cho cổ đông, còn mấy năm gần đây thì không.

Đây là câu hỏi của những người đã tin tưởng và đầu tư vào Ngân hàng Sacombank trong nhiều năm qua. Họ không hiểu tại sao Sacombank lại xuống dốc một cách thảm hại như vậy, giá cổ phiếu xuống dưới 10.000 đồng, trong khi nhiều cổ phiếu khác đã lên 30.000-40.000 ngàn đồng dù trước đó còn thua kém.

Trầm Bê: Một thời dọc ngang, cuối đường dây dưa đại án-1
Gia đình ông Trầm Bê.

Từ một ngân hàng hàng đầu, Sacombank rơi vào tình trạng khó khăn với hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu và phải tái cấu trúc.

Trước đó, Sacombank từng được biết đến là một ngân hàng đứng đầu trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, dưới thời ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch HĐQT. Cú thâu tóm lịch sử với một nhóm cổ đông giấu mặt bắt đầu từ năm 2011 đã thay đổi lịch sử của ngân hàng này.

Đại gia giấu mặt sau đó lộ diện chính là ông Trầm Bê, khi đó là ông chủ của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Sự ra mắt hoành tráng của ông Trầm Bê, kèm theo đó là cú sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, khiến Sacombank sau sáp nhập càng phức tạp hơn.

Hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu đã trở thành gánh nặng chung, và câu chuyện tái cơ cấu Sacombank trở nên rối rắm hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh các cơ chế xử lý nợ xấu chưa được khởi thông, tài sản đảm bảo khó có thể xử lý để thu hồi tiền cho vay về cho ngân hàng.

Trong năm 2014 trước khi sáp nhập với Sacombank, Phương Nam chỉ lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4 ngàn tỷ đồng, nợ xấu chiếm gần 6%. Nhiều năm liên tiếp kể từ ngày thành lập, cổ đông Ngân hàng Phương Nam không được chia cổ tức.

Còn tại Sacombank, tới cuối 2016, nợ xấu là hơn 13,7 ngàn tỷ đồng (6,9% dư nợ). Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC và một số khoản phải thu từ SouthernBank, tổng nợ sẽ còn lớn nhiều lần.

Đại gia chi phối 2 ngân hàng

Cái tên Trầm Bê nổi như cồn trong giới tài chính bắt đầu từ năm 2013 khi doanh nhân vốn rất kín tiếng trước đó lộ diện. Ông Trầm Bê chính là đại gia thâu tóm Sacombank và là đạo diễn thành công vụ sáp nhập giữa Sacombank và Southernbank.

Khi đó, quyền lực và sự giàu có của nhà ông Trầm Bê khó ai có thể sánh được. Gia đình ông Trầm Bê có thời điểm là cổ đông lớn nhất tại cả Sacombank và SouthernBank. Đây cũng là trường hợp hy hữu, một gia đình nắm quyền chi phối ở 2 ngân hàng.

Trầm Bê: Một thời dọc ngang, cuối đường dây dưa đại án-2
Cú thâu tóm lịch sử.

Việc sáp nhập sau đó đã giúp xóa được cái tiếng sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng. Tuy nhiên, quyền lực lớn mạnh của ông Trầm Bê dường như giúp được gì cho Sacombank mà còn khiến ngân hàng này lún sâu thêm hơn vào khó khăn với những thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Sau khi tiếp quản Sacombank, ông Trầm Bê và Phan Huy Khang (người từng giữ vị trí tổng giám đốc từ Phương Nam đến Sacombank) lại tiếp tục gây khó khăn ngân hàng này giống như đã làm với Phương Nam trước đó. Khi hai người này rời đi, Sacombank trở thành ngân hàng gánh đầy những khó khăn.

Theo những thông tin ban đầu, chỉ vì quen biết, ông Bê chỉ đạo ông Phan Huy Khang sẵn sàng cho vay cả ngàn tỷ. Ông Trầm Bê và Phan Huy Khang đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1,8 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, SouthernBank cũng đã cho cá nhân ông Danh (liên quan tới tập đoàn Thiên Thanh) vay những khoản tiền rất lớn, mà theo kết luận của thanh tra, nhiều hồ sơ chưa đủ điều kiện vay vốn.

Ngân hàng Phương Nam không thể kiểm soát được tiền vay sử dụng vào việc gì, không kiểm tra chặt chẽ quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng. Biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay, kết luận khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích nêu tại hợp đồng tín dụng, nhưng thiếu tài liệu chứng minh sử dụng vốn vay, vốn góp,...

Ông Trầm Bê (nguyên quán Trung Quốc) là doanh nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Ông từng là chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn, thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Bệnh viện Triều An, Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Chứng khoán Phương Nam,...

Không phải ngẫu nhiên mà ông Trầm Bê mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, mà đó có thể là những toán tính, thể hiện tha vọng tạo ra thế kiềng 3 chân vững mạnh: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và tài chính.

Ông Trầm Bê giữ chức phó chủ tịch SuthernBank từ 2004. Năm 2012, ông cùng con trai là Trầm Khải Hòa bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của SouthernBank để tham gia HĐQT của Sacombank. Tháng 10/2015, Southernbank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tới đầu 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Theo Vietnamnet


Trầm Bê pháp luật

Tin tức mới nhất