Khi mới lên sóng, Trạm cứu hộ trái tim nhận được nhiều sự chào đón của khán giả. Phim quy tụ dàn diễn viên đình đám: NSND Thu Hà, NSƯT Phạm Cường, “nữ thần màn ảnh” Hồng Diễm, Quang Sự, Thúy Diễm...

Tuy nhiên, chỉ đến 1/3 của bộ phim, nhiều khán giả đã la ó muốn thay đổi kịch bản, thậm chí bỏ theo dõi phim vì diễn xuất của diễn viên cũng như những chi tiết vô lý tới mức khó hiểu của phim.

Nữ chính cam chịu tới khi nào?

Theo kịch bản phim, Ngân Hà (Hồng Diễm) là tiểu thư con nhà giàu. Dù bị mẹ ghẻ lạnh nhưng cô vẫn được người cha rất mực yêu thương. Cô có một người chồng cưng chiều hết mực, một bà mẹ chồng thương cô như con gái.

Tuy nhiên, đùng một ngày, Hà nhận ra người chồng đầu ấp tay gối nhiều năm qua lại đang lơi dụng cô, coi cô là công cụ trả thù bố cô. Không những thế, hắn ta còn đã có bạn gái và một đứa con trai.

Bị chồng lợi dụng xong rồi vứt bỏ, bố ngồi tù, công ty mất, Hà như bừng tỉnh. Không như những cô gái yếu đuối khác, Hà lạnh lùng và kiêu hãnh bước ra khỏi cuộc hôn nhân, tuyên bố sẽ đứng lên đấu tranh để giành lại công ty cho bố và quyết không để cho những kẻ chà đạp bản thân mình được yên.

Trạm cứu hộ trái tim: Dễ dàng mua chuộc bác sĩ, coi bắt cóc trẻ em như trò chơi-1
Nhân vật nữ chính bị chê "tơi tả" vì phi lý, tạo hình kém hấp dẫn.

Thái độ của Ngân Hà trong những tập đầu khiến khán giả thích thú. Người ta hy vọng cô sẽ rũ bỏ hình ảnh của một tiểu thư yếu đuối, trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt để giành lại sự công bằng cho mình và cho cả người thân.

Thế nhưng, tất cả những gì khán giả nhận được chỉ là sự thất vọng. Bao nhiêu tập trôi qua, sau những lời tuyên bố hùng hồn đó, Ngân Hà khiến người xem ngán ngẩm bởi thái độ nửa vời, thụ động. Sự phát triển trong tâm lý nhân vật này diễn ra quá chậm, tạo cảm giác mệt mỏi, chán nản cho khán giả. 

Theo lẽ thường, khi phe phản diện đã lộ mặt là lúc phe chính diện “lột xác”, đấu tranh để giành lại những gì đã mất. Cuộc chiến giữa hai bên sẽ rất gây cấn, nhưng kịch bản của Trạm cứu hộ trái tim lại không như vậy. Nó cứ kéo dài lê thê từ tập này qua tập khác. 

Ngân Hà của thời điểm hiện tại so với khi mới bước vào phim cũng chẳng có sự thay đổi nào. Vẫn mãi là cô gái tốt bụng tới mức cam chịu, thụ động trong mọi chuyện, để mặc cho chồng cũ và nhân tình của anh ta chà đạp hết lần này tới lần khác. 

Không chỉ bị chê bai về kịch bản và nét diễn, tạo hình của nhân vật Ngân Hà cũng không ấn tượng, không toát lên được vẻ đẹp sang trọng, sành điệu của cô tiểu thư gia đình giàu có mà kịch bản đã xây dựng.

Ngay từ đầu phim, phần tóc mái của Hồng Diễm khi lên phim không tạo được hiệu ứng trẻ trung, trong sáng mà khiến chị bị nhận xét là “cưa sừng làm nghé”. Đặc biệt, gương mặt bầu bĩnh cũng làm hình ảnh Ngân Hà “dừ” và kém sang hơn hẳn so với các nhân vật trước đó của nữ diễn viên.

Nữ phụ vô duyên tới khó chịu

Một nhân vật nữ nữa cũng nhận phải nhiều phản ứng khó chịu của khán giả vì được xây dựng rất hời hợt, vô lý, đó là Mỹ Đình (Thúy Diễm). Mỹ Đình đã hơn 30 tuổi, từng đổ vỡ hôn nhân nhưng không có công việc cụ thể. Cô nàng luôn xuất hiện với chất giọng the thé, sẵn sàng đụng tay đụng chân và lớn tiếng với mọi người.

Không chỉ dừng lại ở sự vô duyên, Mỹ Đình còn khiến khán giả ngỡ ngàng bởi hành động bắt cóc bé Gôn để ép Nghĩa và nhân tình rút khỏi vụ kiện đầm tôm. Một cô gái 30 tuổi mà dùng chiêu bắt cóc trẻ con một cách cực kỳ hồn nhiên, coi đó như một trò chơi, không hề nghĩ tới hậu quả về mặt pháp luật thì thật là khó hiểu. 

Với hành động bắt cóc bé Gôn, Mỹ Đình đã khiến bạn buộc phải dừng lại trong vụ kiện có tính chất sống còn với chồng cũ. Vậy nhưng khi bị trách móc vài câu, nhân vật này còn gào lên: "Tao thà ở tù còn hơn bị bạn tao hỏi: Làm như vậy để được cái gì?"

Có khán giả nói vui, nếu xem các cảnh quay có nhân vật Ngân Hà khiến họ ức chế thì khi nhân vật Mỹ Đình xuất hiện lại khiến họ "tăng xông".

Trạm cứu hộ trái tim: Dễ dàng mua chuộc bác sĩ, coi bắt cóc trẻ em như trò chơi-2
Nhân vật Mỹ Đình luôn xuất hiện với những phân cảnh ăn chơi, phá hoại và lớn tiếng với người khác.

Hàng loạt tình tiết ngô nghê tới phi lý

Bộ phim Trạm cứu hộ trái tim đang bị nhiều khán giả phản ứng bởi những chi tiết liên quan tới pháp luật được xây dựng một cách rất ngô nghê, hời hợt và dễ dãi. 

Nhiều khán giả cho rằng, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày nay vẫn còn nhiều, thậm chí còn ở mức độ nghiêm trọng hơn so với những sự việc được phản ánh trong phim. Tuy nhiên, cách xây dựng các chi tiết của biên kịch và đạo diễn Trạm cứu hộ trái tim đem lại cho khán giả cảm giác rất khó chịu.

An Nhiên chỉ là một chuyên gia tâm lý. Thế nhưng cô ta lại rất dễ thao túng các y bác sĩ, biến họ trở thành trợ thủ đắc lực để phục vụ các mục đích cá nhân của mình. 

Trong tập 33 của Trạm cứu hộ trái tim, An Nhiên nhờ bác sĩ làm giả thông tin cô ta đang mang thai chỉ với một cuộc điện thoại. Thậm chí, cô ta yêu cầu bác sĩ giúp mình lừa chồng bằng cách nói rằng cô đang mang thai con gái được 12 tuần.

Rồi khi chuyện mang thai giả bị mẹ chồng phát hiện, cô ta lại dựng nên chuyện bị sảy thai. Sự việc cũng chẳng có gì nếu như phim không để cô ta nằm trên giường bệnh của một cơ sở y tế và có hẳn một ông bác sĩ ra an ủi chồng cô ta rằng, vì mới mất con nên tâm trạng của cô sẽ không được ổn định.

Hay như trước đó, trong quá trình làm IVF, chồng cũ của Ngân Hà không biết bằng cách nào đã thao túng cả một ê-kíp bác sĩ, để biến cô từ một phụ nữ bình thường, trở thành một người khó có khả năng sinh con, thậm chí một vài lần làm thụ tinh nhân tạo cũng không đạt được.

Chúng ta đều biết, IVF là một thủ thuật y khoa rất phức tạp, và chỉ có một số bệnh viện hàng đầu mới có thể làm được điều này. Trong phim, vợ chồng Ngân Hà đều là những người giàu có, với khát vọng có con, chắc chắn họ sẽ tìm tới nơi thực sự có uy tín để làm.

Vậy mà không có một chi tiết nào trong phim giúp khán giả biết chồng cô đã làm cách nào để có thể biến vị bác sĩ ở đây dễ dàng trở thành đồng phạm dối trá của mình.

Việc bác sĩ làm giả hồ sơ bệnh án, thay đổi thông tin của người bệnh để lừa dối người khác không chỉ là đánh mất y đức mà còn vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.

Thế nhưng trong phim không chỉ rõ bằng thủ đoạn nào, các nhân vật trong phim có thể ép các y bác sĩ không chỉ một lần, mà nhiều lần tiếp tay cho hành vi dối trá của họ.

Người xem có cảm giác, chỉ cần một cuộc điện thoại dàn xếp, họ có thể dễ dàng đạt được điều mình muốn. Và chính điều đó khiến khán giả khó chịu.

Trạm cứu hộ trái tim: Dễ dàng mua chuộc bác sĩ, coi bắt cóc trẻ em như trò chơi-3
Chi tiết Mỹ Đình dàn cảnh bắt cóc bé Gôn bị cho là vừa thừa thãi, vô lý vừa coi thường pháp luật.

Ngoài việc xây dựng nhân vật nhàm chán, nhạt nhòa và phi lý, bộ phim còn khiến khán giả ức chế vì những tình tiết không thực tế, kéo dài lê thê. Vụ kiện đầm tôm kéo dài nhiều tập, liên tục xuất hiện những tình tiết khó có thể chấp nhận được gây cản trở quá trình nghị án: Nhân chứng quan trọng bị đau bụng nên đến muộn, Mỹ Đình dàn cảnh bắt cóc con trai bị cáo để khiến hắn… “ngừng giở trò”.

Đến thời điểm hiện tại, trên các diễn đàn liên quan đến bộ phim, đa phần khán giả bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng đạo diễn và biên kịch đang cố tình “bôi” dài kịch bản, bất chấp cảm xúc của khán giả.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khán giả khẳng định, họ cảm thấy ức chế, khó chịu khi theo dõi phim, dù đây được giới thiệu là “phim chữa lành”.

Theo VTC News