Trần Hạo Dân có 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực diễn xuất. Anh được xếp vào nhóm diễn viên có thâm niên trong ngành điện ảnh và truyền hình Trung Quốc. Các tác phẩm của nam diễn viên là "món ăn tinh thần" gắn liền với thế hệ khán giả từ thập niên 90 trở về sau.

Sự nghiệp nghệ thuật của tài tử Tế Công được chia làm hai giai đoạn: 8 năm khởi nghiệp ở TVB và 19 năm lăn lộn trên đất Đại lục.

Tại showbiz Hong Kong, Trần Hạo Dân là một trong số ít nghệ sĩ dám mạnh dạn rời bỏ TVB khi sự nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao để "Bắc tiến". Năm đó, nhà đài Hong Kong là niềm ao ước của thế hệ nam thanh nữ tú ôm mộng thành sao. Chưa kể lúc bấy giờ, anh còn là "gà cưng", được cấp quản lý của TVB ra sức nâng đỡ.

Dứt áo ra đi vì tiền

Trần Hạo Dân chấm dứt hợp đồng với TVB và chuyển hướng tấn công sang Trung Quốc Đại lục, Đài Loan vào năm 2002. Nguyên nhân dẫn tới cuộc chia tay không được người trong cuộc tiết lộ.

Phải chờ đến 18 năm sau, nam diễn viên Tây du ký mới đích thân chia sẻ lý do rời bỏ nhà đài Hong Kong. Trên sóng livestream, Trần Hạo Dân thành thật tiết lộ anh đến Đại lục làm việc phần nhỏ là theo đuổi đam mê nghệ thuật, còn cốt cũng chỉ vì tiền. "Một chữ thôi: tiền. Là tiền", anh tuyên bố.

Trần Hạo Dân ra sao sau khi phụ bạc TVB?-1
Trần Hạo Dân sang Đại lục làm việc vì mức mức cát-xê cao. Ảnh: Sina.

"Năm đó là giai đoạn bùng nổ của ngành điện ảnh và truyền hình ở Đại lục. Tất cả đều vượt trội hơn Hong Kong. Danh tiếng tích lũy sau 8 năm ở TVB của tôi vang xa đến tận Đại lục, không ai không biết đến Trần Hạo Dân, không ai không biết đến Tế Điên. Qua đó phát triển đường tương lai của tôi chắc chắn vô cùng hanh thông", anh chia sẻ.

Trần Hạo Dân đi thẳng vào vấn đề: "Nói thật, chim khôn phải biết chọn cành mà đậu. Con người cũng vậy, chỗ nào đãi ngộ tốt hơn thì chọn chỗ đó. Tiền thù lao của diễn viên Hong Kong kém xa nghệ sĩ Đại lục. Cơ hội ở ngay trước mắt dại gì mà bỏ qua".

Theo HK01, là diễn viên tuyến 1 của TVB, nhưng Trần Hạo Dân chỉ được hưởng lương 1.500 USD/tháng và 5.100 USD/tập phim. Trong khi sang Đại lục, mức thù lao của anh không dưới 15.000 USD/tập phim.

Hơn nữa, cường độ làm việc cao và thường được giao cho những dự án “na ná” nhau, khiến đam mê diễn xuất của anh cũng phai nhạt dần.

"Đóng phim ở TVB thực sự rất mệt mỏi. Tôi ghi hình liên tục 20 tiếng một ngày. Nếu bị ốm phải báo cáo qua nhiều cấp lãnh đạo phê duyệt, bệnh đi không nổi, nói không ra hơi cũng chỉ được nghỉ một ngày rưỡi. Tôi gần như bị vắt kiệt sức. Chưa kể bản thân còn bị đóng khung trong đúng một hình mẫu. Ngọn lửa đam mê trong tôi từ từ tắt lịm. Ra đi thời điểm đó tốt cho đôi bên bởi có hợp tác cũng chẳng vui vẻ gì", anh nói.

Trần Hạo Dân ra sao sau khi phụ bạc TVB?-2
Anh nổi tiếng với vai Đoàn Dự trong Thiên long bát bộ 1997. Ảnh: Baidu.

Trần Hạo Dân gia nhập TVB vào năm 25 tuổi. Anh được nhân viên tuyển chọn của đài phát hiện trong một lần đi mua sắm cùng bạn bè.

Hợp đồng ký còn chưa ráo mực, TVB đã đôn Trần Hạo Dân lên đóng vai chính dù chưa có bất kỳ kinh nghiệm diễn xuất nào vì khán giả yêu thích ngoại hình thư sinh, điển trai của anh.

Trong 8 năm làm việc tại đài truyền hình hàng đầu xứ Hương Cảng, Trần Hạo Dân tham gia 14 bộ phim. Tất cả anh đều được giao vai nam chính. Mức độ nổi tiếng và sự nâng đỡ của TVB dành cho nam diễn viên khiến nhiều đồng nghiệp phải ghen ty.

Trong đó, vai diễn Đoàn Dự trong Thiên long bát bộ 1997 và Na Tra trong Phong thần bảng xác lập vị trí vững chắc cho tài tử trên cả hai mảng truyền hình. Anh được xem là lứa nam diễn viên quyền lực cuối cùng trong thời kỳ hoàng kim của giới giải trí Hong Kong.

"Vua phim dở" của showbiz

Theo Sohu, sau 19 năm bám trụ trên đất Đại lục, Trần Hạo Dân đến nay đã quay được tổng cộng 85 tác phẩm. Đây được xem là con số không tưởng đối với nhiều diễn viên vì cường độ làm vô cùng khủng khiếp. Trung bình 3 tháng anh nhận một kịch bản mới.

Tuy nhiên, 2/3 những dự án anh góp mặt đều bị "ném đá" vì chất lượng kém. Dư luận Trung Quốc gọi Trần Hạo Dân là "Vương Tinh phiên bản diễn viên". Trong showbiz Hoa ngữ, đạo diễn Vương Tinh thực hiện đến 500 tác phẩm, nhưng 80% trong số đó là phim "thảm họa".

Áp lực kiếm tiền nuôi vợ con khiến nam diễn viên từ bỏ hình ảnh nghệ sĩ đóng phim chất lượng cao để chuyển sang dòng phim "mỳ ăn liền" chiếu mạng, diễn qua loa cho xong chuyện rồi nhận tiền. Tôn Ngộ Không đại chiến động Bàn Tơ của anh đạt 2,8 điểm trên Douban hay Địch Công diệt chuột cũng chỉ có 3,7/10 điểm.

Trần Hạo Dân ra sao sau khi phụ bạc TVB?-3
Phim của Trần Hạo Dân nhiều năm qua luôn bị xem là "thảm họa" trên màn ảnh. Ảnh: Sohu, Baidu.

Đối với việc bị gán mác là "Vua phim dở", Trần Hạo Dân tỏ ra bình thản, chấp nhận danh hiệu không mấy tốt đẹp: "Danh hiệu này không phải là điều đáng tự hào với một diễn viên, nhưng không sao, các bạn thích gọi tôi thế nào cũng được. Tôi vui vẻ đón nhận, không ghét bỏ, không khó chịu".

"Từ chối quay những tác phẩm kém chất lượng chắc chắn tôi không còn chỗ đứng trong giới. Làm mếch lòng nhiều mối quan hệ đồng nghĩa với việc tự đạp đổ chén cơm của bản thân. Người khác có thể sỉ vả, nhưng họ phải biết rằng đó là nguồn thu nhập chính giúp tôi nuôi cả gia đình. Vì thế tôi thà nhận phim dở ở Đại lục còn hơn quay về TVB. Ở đó gia đình 6 người của tôi có lẽ sẽ sớm chết đói", nam nghệ sĩ cho biết anh thà làm khán giả thất vọng, còn hơn phải vứt bỏ công ăn việc làm.

Bằng chứng là để tăng cơ hội xuất hiện trên màn ảnh, sao nam còn tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện ngoại hình. Bản thân Trần Hạo Dân cũng chấp nhận bị khán giả mỉa mai "ăn mày dĩ vãng" khi liên tục nhận lời đóng vai Tế Công, Tôn Ngô Không trên màn ảnh. Tính đến nay, anh đã tái diễn cả hai vai này tổng cộng 10 lần.

Năm 2020, bộ phim Đường Bá Hổ và Thu hương bản 2019 đã đưa Trần Hạo Dân vào danh sách đề cử giải Cây Chổi Vàng của điện ảnh Trung Quốc, hạng mục Nam diễn viên gây thất vọng nhất năm. Tác phẩm được chấm 2.8/10 điểm chất lượng trên Douban.

Theo Zing