Bố Già là bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt Nam với 400 tỷ đồng và khả năng cao sẽ giữ kỷ lục này trong vài năm tới.
Tác phẩm từng công chiếu tại một số quốc gia cũng như đại diện Việt Nam tranh giải Oscar 2022. Song, Bố Già lại bị giới phê bình quốc tế chê bai tơi tả với điểm số 29% trên trang Rotten Tomatoes. Chúng tôi đã dịch lại bài viết của Variety - một trong những trang phê bình điện ảnh có lời chê bai tác phẩm của Trấn Thành nặng nề nhất.
Nhân vật chính của Bố Già là một người cha bao dung và có lối sống nặng truyền thống khi ôm trọn những mong muốn, nhu cầu và đôi khi là sự phẫn nộ của đại gia đình đầy rắc rối của mình. Bộ phim hài hước này có doanh thu cao nhất Việt Nam, vượt mặt cả Avengers: Endgame (2019). Do đó mà không ngạc nhiên khi quốc gia này mang Bố Già đi tranh giải Oscar.
Trấn Thành - nam diễn viên chính kiêm đồng biên kịch - đã cố gắng mang đến bức tranh đa tầng về cuộc sống trong nước của người Việt Nam. Anh đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi văn hóa làm gia tăng khoảng cách thế hệ giữa thế hệ phụ huynh lớn tuổi và những đứa con lớn lên trong thời đại kỹ thuật số. Song, bộ phim chuyển từ tông màu chính kịch sang hài hước nhanh tới mức khán giả khó lòng cảm nhận được những mối bận tâm và thông điệp của Trấn Thành.
Mâu thuẫn nhạt nhòa giữa các nhân vật
Bố Già dựa trên web-drama cực kỳ nổi tiếng của Trấn Thành. Nam diễn viên hài hóa thân thành Ba Sang - một người cha trung niên, nợ nần, sống tại căn nhà dột nát sâu trong hẻm ở Sài Gòn cùng cậu con trai Quắn (Tuấn Trần) và con gái 6 tuổi Bù Tọt (Ngân Chi).
Nhiều nhân vật khác sống gần đó đa phần là họ hàng của Ba Sang như chị gái Giàu (NSND Ngọc Giàu) cùng hai người em trai là Phú (Hoàng Mèo) và Quý (La Thành) - một kẻ côn đồ nghiện rượu mắc nợ ở địa phương.
Điểm chung của dàn nhân vật là họ có xu hướng phàn nàn với vô số cuộc đối thoại ồn ào từ cả anh chị em, con cháu dành cho Ba Sang khiến ông lẫn khán giả mệt mỏi. Câu chuyện ôm đồm nhiều hướng phát triển nên khó lòng khai thác hết các nhân vật này. Tệ hơn nữa, nó còn bóp nghẹt mối quan hệ then chốt đầy hứa hẹn giữa Ba Sang và Quắn, cướp đi tính độc đáo và sáng tạo xoay quanh mâu thuẫn giữa các thế hệ Việt Nam hiện đại.
Sang là một phần của thời kỳ cũ được cha mẹ dạy phải hy sinh vì gia đình, ngay cả khi phải trả nợ giùm anh em và bị người khác coi như "tấm thảm chùi chân". Trong khi đó, Quắn muốn có tiền và nổi tiếng với tư cách là một YouTuber, điều mà cả Sang và gia đình đều không coi là một nghề thực sự.
Mâu thuẫn này được thể hiện từ rất sớm khi người cha khờ khạo nhưng tốt bụng vô tình làm sạch đôi giày thể thao Gucci và sửa chiếc quần jean rách phong cách của Quắn. Trong khi đó, Quắn bị cha la mắng sau khi đổ đầy nước vào phòng ngủ để quay video cho lên mạng khiến con hẻm bị ngập.
Phim quá lố về nhiều mặt
Nhưng "quá lố" là tính là từ hiệu quả xuyên suốt thời lượng Bố Già, đặc biệt là trong nửa sau khi câu chuyện diễn ra nhiều tình huống giật gân, bao gồm cả việc Sang đột ngột cần ghép thận. Quắn hiến tặng quả thận của mình bất chấp việc bị bệnh tim và mắc chứng máu khó đông. Quý đồng ý giúp đỡ nhưng không thể thoát khỏi lưỡi dao vô tình của những kẻ cho vay nặng lãi. Nếu mọi thứ vẫn chưa đủ, bạn gái cũ của Quắn trở lại sau vài năm xa cách với kế hoạch dàn dựng một vụ scandal với chàng YouTuber nổi tiếng để bắt đầu sự nghiệp diễn xuất.
Cả 2 đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng mang đến nhiều màu sắc địa phương. Họ thỉnh thoảng khiến người xem ấn tượng bởi những đoạn one-take được dàn dựng tốt, trong đó có cảnh Quắn và Sang thảo luận về quan hệ cha con của họ. Mặt khác, những cuộc cãi vã trong gia đình thường xuyên xảy ra, những đổ vỡ cảm xúc và hé lộ nút thắt đều ở mức độ phóng đại.
Những ca khúc nặng nề mà Trấn Thành sáng tác cùng Ngô Minh Hoàng, chuyển từ hài hước kiểu sitcom sang chính kịch chỉ trong vài giây, khi các diễn viên đẩy mọi thứ lên cao trào dù là cười hay khóc. Trong đó có cả Trấn Thành - người mới chỉ ở độ tuổi 30 nhưng tự biến mình thành người đàn ông trung niên có tóc nhuộm và bộ ria mép màu xám. Trong dàn diễn viên, Tuấn Trần có khả năng xoay sở tốt nhất để thể hiện cảm xúc và hành vi theo hướng nhân văn.
Đối với người Mỹ, điều thất vọng lớn nhất ở Bố Già là tình tiết cốt truyện chỉ ở cấp độ phim truyền hình. Sự thay tông màu và những cuộc cãi vã không ngừng khiến người nước ngoài không có cái nhìn rõ nét về một gia đình thuộc tầng lớp lao động Việt Nam đương đại. Mặc dù Trấn Thành không có nghĩa vụ phải điều chỉnh tình tiết sao cho phù hợp với khán giả nước ngoài, đặc biệt là khi bộ phim đang gây tiếng vang tốt trên sân nhà, nhưng những cách thể hiện chế độ gia trưởng của Việt Nam và cách thế hệ trẻ đang chống chọi với nó lại bị trở nên mờ nhạt.
Thật vậy, Trấn Thành có thể tạo ra một tiếng nói đáng nghe ở thị trường quốc tế nếu anh ấy ngừng la hét vào mặt khán giả và bạn diễn.
Theo Trí Thức Trẻ