Những ngày qua, talkshow “Những kẻ lắm lời” đang nhận nhiều luồng ý kiến từ dư luận, mà đa phần là làn sóng lên tiếng phản đối về việc ba người dẫn đưa ra những phát ngôn mang tính soi mói, đá xoáy sao Việt. Một số “nạn nhân” từng bị chương trình này đưa ra làm đề tài bình luận như Hoa hậu Đặng Thu Thảo, ca sĩ Đông Nhi, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên… Các nghệ sĩ phải hứng chịu những lời đánh giá, bàn luận từ bộ ba này với ngôn từ thiếu tế nhị, thậm chí mang nghĩa thô tục, đôi khi kèm nhiều tiếng cười giỡn thiếu kiêng dè.
 
Sau khi sự việc nhận được nhiều quan tâm từ dư luận, có khá đông các nghệ sĩ lên tiếng phản đối, đề nghị dừng show này để đòi lại sự tôn trọng. Những cái tên lớn trong làng giải trí từ Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, người mẫu Hà Anh, Đông Nhi… đều thể hiện sự bất bình trước những ảnh hưởng tiêu cực mà show này mang lại.

Để có được góc nhìn sự việc này ở vị trí của một MC dẫn chương trình từng thành công ở khía cạnh châm biếm thói hư tật xấu bằng các tiểu phẩm hài nhưng vẫn mang lại tiếng cười cho khán giả một cách duyên dáng và hiệu quả, chúng tôi có buổi nói chuyện với Trấn Thành để nghe anh bày tỏ những suy nghĩ về sự việc vừa qua. 

IMG_0606-7d419

Thời gian gần đây, một talkshow tự sản xuất đang bị dư luận chỉ trích khá nặng nề vì những người trong ê-kíp đang bị cho là chỉ trích nhiều người nổi tiếng khác. Anh hãy chia sẻ quan điểm của mình về vụ việc này?

Nói thật, tôi rất ghét chương trình này. Về format của show, tôi thấy không có vấn đề, mấu chốt nằm ở ba người thực hiện. Đối với tôi, họ có một điểm chung duy nhất là kém duyên, cực kỳ kém duyên. Sự châm biếm mà họ mang vào buổi nói chuyện không đến từ yếu tố hài hước mà mang tính cá nhân là nhiều. Ở một góc độ nào đấy, tôi cho rằng điều đó hơi kém văn minh. Tôi có 4 điều để đánh giá:

Thứ nhất, tôi thấy ba nhân vật của talkshow này không hiểu được hài hước là gì. Nhìn họ, tôi chỉ thấy những người nhố nhăng, ngồi tự cười trước khán giả.

Thứ hai, họ không tạo được một tiếng cười nào cho chương trình hết mà chỉ khiến người xem khó chịu khi họ mang người khác ra bàn tán, đánh giá.

Thứ ba, nhận định về nghệ thuật của họ hoàn toàn không chính xác, chỉ thấy tính miệt thị rất cao ở đây. 

Thứ tư, bản thân những người này đang làm một talkshow mà tôi thấy vốn sống và vốn từ của họ kém khủng khiếp. Tính thẩm mỹ trong họ không có thì căn cứ vào đâu để họ bàn về nhân vật, sự việc? Mặc dù có một số trường hợp họ cũng nói đúng nhưng cách nói đó không vui mà chỉ gây khó chịu.

Chương trình này sẽ hay nếu họ biết chê người ta sao cho khéo léo, hài hước nhất có thể, để người trong cuộc cũng không nỡ giận và thậm chí còn rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Còn trong trường hợp này, tôi thấy người nghệ sĩ đang bị nhục mạ.

01-5dd6c
Trấn Thành: "Khi điều ta phân tích ra có tính chính xác và nhân vật bị mang ra
 chê được nhắc đến một cách hài hước thì tiếng cười sẽ xóa dịu tất cả"

Một số ý kiến đồng tình với tính chất “nói thẳng, nói thật” của show. Theo anh thế nào?

Tôi không bao giờ chê những dạng chương trình “nói thẳng, nói thật”, thậm chí rất thích và ủng hộ. Bởi hài châm biếm, hài khích bác là trường phái tôi theo đuổi. Đó là lý do mọi người thường nhận định tôi như một “chuyên gia chặt chém”.  Nhưng, “nói thẳng, nói thật” cũng cần có nghệ thuật, văn minh và đòi hỏi người nói cần phải có trình độ nhất định. Với tôi, ba nhân vật này chưa đủ trình độ.

Anh nói gì trước quan điểm “Talkshow này chỉ được phát tự do trên Youtube, không công khai trên truyền hình nên không được xem là ảnh hưởng lớn”?

Vấn đề ở chỗ, clip của họ sẽ chẳng có gì hấp dẫn nếu họ không bàn về những con người có tầm ảnh hưởng cao nhất nhì showbiz. Và khi ba người này xúc phạm đến những nhân vật có tầm ảnh hưởng cao, họ nên cân nhắc làm sao cho lời nói của mình có sự hợp lý. Tôi không thấy có sự hợp lý ở đây.

Một MC từng được đánh giá tốt về những nhận định, một stylist có tiếng trong giới, và một ngòi bút trẻ cá tính. Cả ba đều sử dụng sai năng lực của mình và khiến nó trở nên rất tệ. Hành động này là sự ngạo mạn, không xem ai ra gì.

Với kinh nghiệm là người dẫn chương trình, một diễn viên hài dùng tiếng cười để phê phán thói đời một cách khéo léo, theo anh làm thế nào để một chương trình thuyết phục được người xem mà không gây khó chịu, phản cảm?

Nó phải đúng. Như đã nói, khi điều ta phân tích ra có tính chính xác và nhân vật bị mang ra chê được nhắc đến một cách hài hước thì tiếng cười sẽ xóa dịu tất cả. Hơn nữa, ta cần phải đặt cái nhìn tổng quát vào sự việc, chứ không nên mang tính định hướng cá nhân.

Anh nghĩ lý do gì giúp những talkshow “nói thẳng, nói thật” ở nước ngoài lại thành công?

Đầu tiên, một chương trình sẽ hoàn thiện và được nhiều người ủng hộ nếu như nhân vật mà họ mang ra châm biếm là những người thực sự đụng đến nỗi bức xúc của dư luận. Khi ta nói ra được điều mọi người bức xúc thì số đông tự khắc sẽ ủng hộ. 

Thứ hai, khi đã làm về một chương trình đi nói xấu người khác để mang lại tiếng cười, việc đầu tiên nên làm chẳng phải là mang lại được sự hài hước cho người xem hay sao? Để được như vậy, tôi nghĩ bạn cần là người có một đẳng cấp nhất định. Nghĩa là, bạn sở hữu một cách nhìn đúng đắn về sự việc, lời nói phát ra mang tính khách quan, đúng với cảm nhận của đại đa số người khác.

Chương trình “nói thẳng, nói thật” như dạng này ở nước ngoài làm nhiều lắm và được khán giả rất ủng hộ. Tại sao? Đơn giản vì họ làm rất trí tuệ và đẳng cấp. 

IMG_0831-7d419
Trấn Thành khẳng định anh sẽ dành cho ba người dẫn talkshow
này một tiểu phẩm châm biếm nếu có thời gian

Ba người dẫn này đang đứng trước áp lực dư luận gay gắt như vậy. Anh nói gì đến họ và talkshow kia?

Họ nên dừng luôn show này lại, trước khi trường hợp xấu hơn xảy đến. Tôi cảm thấy đáng tiếc vì cả ba từng là những người tôi ngưỡng mộ trong lĩnh vực họ hoạt động. Đáng buồn cho một lớp người văn minh bị cảm tính hóa vấn đề.

Anh chia sẻ gì với những đồng nghiệp là “nạn nhân” của talkshow trong thời gian qua?

Hãy vui vẻ và chấp nhận. Đã là nghệ sĩ thì việc đối mặt với những lời khen, chê là chuyện bình thường.

Anh xử lý thế nào nếu sau những lời lên tiếng hôm nay bị những người làm talkshow kia “bật” lại trong số tiếp theo?

Thực ra tôi đang rất muốn mình là nạn nhân của họ để tôi có cơ hội nói lên suy nghĩ của người trong cuộc. Tôi còn muốn có một tiểu phẩm hài về họ. Nếu họ đang cố gắng biện luận rằng đây là một chương trình “nói thẳng, nói thật” thì tôi cũng sẽ tái hiện đúng với điều họ đang làm với người khác là nói đúng sự thật về họ. 

Cái họ nhận về sẽ đúng với những điều mà họ đã làm. Có thời gian, tôi hứa với họ tôi sẽ thực hiện.
 
Theo Kênh 14/ Trí Thức Trẻ