“Nếu không hợp vai thì Trấn Thành diễn cũng chết chứ nói gì các bạn. Ai trên đời này cũng diễn không nổi, các sao Hollywood diễn cũng dở luôn”.
Phát ngôn của Trấn Thành tại lớp học diễn xuất của Kathy Uyên gây tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều người thậm chí đặt câu hỏi “Trấn Thành là ai” mà quyết định sự sống, chết của vai diễn.
Đối trọng với phát ngôn của Trấn Thành là quan điểm “diễn viên giỏi thì vai nào cũng diễn được” của Ngô Thanh Vân. Ý kiến này được đa số khán giả đồng tình.
Giữa tâm bão chỉ trích, NSND Việt Anh trả lời truyền thông rằng “không có chuyện vai nào cũng diễn được”, vì mọi diễn viên đều có sở trường riêng về giọng nói, ngoại hình, ngầm thừa nhận quan điểm của Trấn Thành.
Trấn Thành sai hay Ngô Thanh Vân chưa đúng?
Trấn Thành có phát ngôn gây tranh luận tại buổi chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất.
Chuyện hợp vai dưới góc nhìn của hai đạo diễn trăm tỷ
Quan điểm về diễn xuất của Trấn Thành và Ngô Thanh Vân tạo làn sóng tranh luận, được dư luận quan tâm, lý do lớn nhất đến từ chuyện họ đều là đạo diễn mát tay.
Nếu Ngô Thanh Vân có Hai Phượng (hơn 230 tỷ đồng doanh thu), Trấn Thành vượt trội với Bố già (395 tỷ đồng) và Nhà bà Nữ (458,6 tỷ đồng).
So về kinh nghiệm, đả nữ có phần “nhỉnh hơn” khi từng tham gia phim Hollywood.
Trong cuộc phỏng vấn của Tiền Phong, về quan điểm hợp vai, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt không đánh giá đúng, sai của Trấn Thành hay Ngô Thanh Vân. Điều đó nên được nhìn nhận ở vấn đề góc nhìn.
“Ở góc độ hợp vai, diễn viên nào cũng mong muốn tìm được vai diễn phù hợp. Nhìn nhận đúng hơn là Việt Nam thiếu diễn viên có thể đa dạng vai, hạn chế so với diễn viên khu vực châu Á, chưa bàn chuyện thế giới. Diễn viên Việt Nam chưa đủ sự sáng tạo đa dạng đời sống nhân vật. Nếu tìm ra vai diễn phù hợp, đúng thế mạnh, đó là mong muốn tốt nhất vì thực tế diễn viên Việt không đủ nội lực đa dạng vai”, chuyên gia nói.
Trấn Thành và Ngô Thanh Vân có quan điểm khác biệt về diễn xuất.
Khi nhận câu hỏi liệu ngoại hình quyết định yếu tố hợp vai, ông Nguyễn Phong Việt cho rằng người Việt thường tập trung sắc vóc hơn nội lực diễn xuất. Diễn viên từ 35 tuổi đều bị cho là “xế chiều”, trong khi sao Hollywood mới bắt đầu có vai để đời vì trải nghiệm đủ để hiểu biết về điện ảnh.
“Diễn viên Việt Nam chỉ quan tâm sắc vóc. Nhà sản xuất, khán giả cũng quan tâm đến cái đẹp, trẻ. Áp lực ba bên khiến diễn viên có rất ít thời gian tạo ra vai diễn để đời khi còn trẻ. Khi diễn viên 35-40 tuổi, họ bắt đầu đóng vai thế hệ trên. Điều đó làm nhiều diễn viên bị thui chột tài năng, trong khi đây lại là giai đoạn diễn viên có nhiều trải nghiệm tạo ra vai diễn có dấu ấn.
Phát ngôn của Trấn Thành hay quan điểm của Ngô Thanh Vân có thể “chọi” nhau ở một số điểm, nhưng nếu nhìn nhận thực trạng, chuyên gia cho rằng Trấn Thành có cái lý riêng, Ngô Thanh Vân cũng có điểm nhìn nhận đúng.
“Nhân vật chính của phim điện ảnh Việt Nam đa số tuổi trẻ, không có kịch bản tập trung nhân vật có độ tuổi già dặn, một phần thị phần khán giả ra rạp là giới trẻ chiếm quá đông. Ai cũng có cái lý riêng, vấn đề là chúng ta đặt ở ngữ cảnh nào. Với quan điểm của đạo diễn Ngô Thanh Vân, thứ nhất, diễn viên không có quyền lựa chọn, áp đặt vai diễn do số lượng phim ít, kịch bản tốt hạn chế. Sức cạnh tranh trẻ đẹp quá nhiều để diễn viên được quyền chọn vai. Khi được mời, bản thân diễn viên đã rất vui. Họ chỉ cố hết sức làm việc, không đủ sức chờ vai diễn phù hợp”, ông Nguyễn Phong Việt nói.
Việt Nam không có trường đào tạo diễn xuất ra hồn?
Ngoài phát ngôn chuyện hợp vai, Trấn Thành lại lần nữa gây tranh cãi khi cho rằng: “Sinh viên Việt Nam thiệt thòi, thiếu thốn vì không có đơn vị đào tạo chính thống, dùng từ dễ hiểu nhất là ra hồn”.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng câu nói này “đụng chạm” nhiều thế hệ đào tạo, thậm chí cả ngôi Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM mà Trấn Thành từng theo học.
Nhưng với ông Nguyễn Phong Việt, quan điểm của Trấn Thành có thể không sai, nhưng cách nói lại không mấy thiện cảm.
“Tôi cho rằng mức độ đào tạo ở Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội và TPHCM, chưa nói nhiều trường khác, chỉ tính Khoa Sân khấu Điện ảnh, chất lượng đào tạo ở mức vừa phải. Sinh viên các trường vẫn ở mức tìm thấy điểm tựa cơ sở, nền tảng nghề, chưa thực sự có khoa đào tạo giúp diễn viên phát lộ tài năng. Vì vậy, nhiều diễn viên, nghệ sĩ mở khóa đào tạo riêng. Khi làm điều đó, họ biết rằng đào tạo diễn xuất tại trường đại học chưa đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của người học, người làm nghề”, ông Nguyễn Phong Việt nói.
Lời khuyên của chuyên gia là người trẻ có tố chất diễn xuất, mong muốn theo ngành điện ảnh, nơi giúp họ tìm thấy ước mơ là Thái Lan và Hàn Quốc. Nhưng để tốt cho chi phí, tài chính, Thái Lan là nơi phù hợp nhất vì chất lượng đào tạo tốt, chi phí không quá cao.
Đặt câu hỏi liệu Trấn Thành có đụng chạm người đi trước, ông Nguyễn Phong Việt cho rằng nên nhìn số lượng diễn viên hoạt động tại Việt Nam để nhìn nhận quan điểm “chưa có trường đào tạo diễn xuất ra hồn” của Trấn Thành.
Trấn Thành bị nói ngông sau phát ngôn về diễn xuất.
“Chúng ta phải nhìn vào thực tế diễn viên Việt Nam lúc này, bao nhiêu người được đào luyện từ trường học cùng số lượng diễn viên tay ngang. Câu chuyện về đào tạo ở Việt Nam, đồng ý rằng thế hệ đi trước có nền tảng, tạo ra nhiều thế hệ làm nghề điện ảnh, nhưng theo tôi sự thay đổi, đột phá quá chậm, chưa tương xứng so với nhu cầu thực tế của người học nghề”, ông nói.
Hiện, dư luận cho rằng phát ngôn “không có nơi diễn xuất ra hồn” của Trấn Thành bị cho là ngông, khi anh có những bộ phim có doanh thu vài trăm tỷ đồng ngoài rạp. Về vấn đề này, chuyên gia cho rằng Trấn Thành đủ tỉnh táo để không phủi đi chén cơm khán giả mang đến.
“Với người nghệ sĩ, trong một số hoàn cảnh, câu nói có thể bị cắt xén, không đúng ngữ cảnh. Trấn Thành biết rõ điều bạn đang làm, hiểu rõ phim 400-500 tỷ đồng đến từ đâu. Hơn ai hết chỉ khán giả là người chờ đợi tác phẩm tốt của Trấn Thành trong tương lai”, chuyên gia đưa quan điểm.
Tựu trung lại, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng góc độ của Trấn Thành không sai, vấn đề ở cách nói.
“Người ta thường nói ‘Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’. Cách Trấn Thành diễn đạt làm người nghe không hài lòng, nhưng đó là góc nhìn mang tính chất góp ý, dễ chia sẻ với người trong nghề hơn là khán giả đại chúng”, ông nhận định.
Theo Tiền Phong