Khi được hỏi "Ấn tượng với cách thể hiện của diễn viên trẻ nào nhất trong Người phán xử", NSND Hoàng Dũng đã chọn vai Trần Tú qua diễn xuất của Doãn Quốc Đam. Đó là một trong những chi tiết để khẳng định Doãn Quốc Đam là một trong những gương mặt sáng giá của màn ảnh hiện nay.
Dù thành công với hai bộ phim là Lặng yên dưới vực sâu và Người phán xử, nhưng Doãn Quốc Đam vẫn chọn sống ở quê Thái Nguyên thay vì định cư ở Hà Nội. Nam nghệ sĩ cũng đã kết hôn vào cuối năm 2017.
Doãn Quốc Đam là gương mặt sáng giá, từng gây ấn tượng qua nhiều bộ phim truyền hình như "Lặng yên dưới vực sâu", "Người phán xử", "Người phán xử" tiền truyện...
"Giang hồ không hút thuốc, chửi thề... ai tin?"
- Nhiều khán giả phản ứng vì "Người phán xử" tiền truyện quá bạo lực, nhiều câu thoại dung tục. Là diễn viên đóng vai Trần Tú - một nhân vật có chửi thề trong phim, anh nói gì?
- Phản hồi của khán giả thì vô cùng lắm. Mỗi người có một tư duy, một phông văn hóa, một hiểu biết khác nhau. Nhưng quả thực, thời nay anh hùng bàn phím cũng rất nhiều. Có hôm tôi đã định livestream trên trang cá nhân chỉ để nói về chủ đề này.
Ví như thấy cảnh một người túm tóc người đang đuối nước để cứu, nhiều "anh hùng" trên mạng nhảy vào nói “thế này thì dễ chết vì đau đầu chứ không chết vì sặc nước”. Bình luận như vậy là không hiểu nguyên tắc cứu hộ.
Không dừng lại ở đó, có người lại bảo sao không nhảy xuống cứu mà tha lôi người ta như thế. Nhưng phải hiểu rằng một người đuối nước nếu nhảy xuống cứu, dù biết bơi cũng vẫn có thể mất tính mạng vì người đuối nước sẽ bám vào bất cứ thứ gì bên cạnh. Nguyên tắc cứu hộ không cho làm như vậy.
Từ câu chuyện đó có thể liên tưởng sang việc ném đá phim ảnh. Tất nhiên, khi mình làm cái mới, mình chấp nhận bị phản ứng. Ở đâu cũng như vậy thôi, kể cả Mỹ. Nhưng đừng gay gắt quá, thay vào đó hãy cởi mở tư duy khi xem phim.
- Rõ ràng việc biên tập và sự đón nhận của khán giả hiện nay đã cởi mở hơn rất nhiều. Nhưng theo anh, sự tiết chế trong một bộ phim về đề tài xã hội đen như "Người phán xử" tiền truyện có cần thiết?
- Người phán xử tiền truyện không phải phát trên truyền hình. Ngoài ra, phim cũng đã khuyến cáo không phù hợp cho trẻ em dưới 18 tuổi. Nhưng cũng đúng là phát trên mạng thì trẻ con xem cũng không thể nào biết được.
Vấn đề là khi làm phim, không ai dùng những ngôn ngữ quá bậy. Nhân vật trong phim có chửi thề nhưng ở mức độ phản ánh sự chân thực. Do vậy, chúng tôi rất trân trọng việc khen đúng, chê đúng.
Nếu bảo chửi thề là không có thật trong giới giang hồ là vô lý. Giang hồ có thể không xăm trổ, vì thú thật cũng không cần thiết, xăm trổ là vớ vẩn thôi nhưng bảo giang hồ mà không hút thuốc và chửi thề thì không ai tin được.
Người phán xử tiền truyện, tôi thích nhất là việc thu tiếng đồng bộ và đạo diễn dám làm. Đạo diễn không bảo "Anh em chửi thề đi" nhưng khi diễn thì chúng tôi có đệm vài câu, đạo diễn không nói gì nên chúng tôi diễn tự nhiên. Trong quá trình dựng, câu nào không thích hợp sẽ cắt đi.
Một cảnh quay cận mặt Trần Tú - Doãn Quốc Đam trong tập 3 "Người phán xử" tiền truyện.
- Diễn xuất của anh trong “Người phán xử” từng rất gây ấn tượng. NSND Hoàng Dũng cũng đánh giá rất cao khả năng xây dựng nhân vật của anh. Nhưng có ý kiến cho rằng ở "Người phán xử" tiền truyện anh không có nhiều đất diễn?
- Cũng nhiều người nói là sao ở Người phán xử tiền truyện, tóc tai của Trần Tú không ngầu, không chất, không bướng. Thực ra, tôi chưa bao giờ chủ ý xây dựng nhân vật của mình phải ngầu, phải dữ dằn.
Trước đó, ở Người phán xử, tôi không muốn nhân vật của mình búi tóc nhưng vì đạo diễn muốn nên tôi tôn trọng.
Bản thân tôi luôn muốn nhân vật của mình để đầu kiểu ¾, đeo kính, thậm chí rất chải chuốt, ngôn ngữ thì toàn lời hay ý đẹp. Tôi không biết mọi người có nhận ra không hay do diễn xuất của tôi chưa đủ, đó là Trần Tú luôn muốn bắt chước ông Phan Quân.
Nhân vật Tuấn và Hải Khùng y hệt nhau và không có điểm gì giống ông Phan Quân cả. Họ lúc nào cũng nóng tính, hùng hổ, nông nổi. Nhưng Trần Tú thì khác, Trần Tú hiểu rằng muốn được là Người phán xử thì phải điềm tĩnh và xử lý mọi việc bằng cái đầu của mình.
Trần Tú thâm ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Tới Người phán xử tiền truyện, tôi tiếp tục xây dựng nhân vật như vậy.
Còn với ý kiến cho rằng tôi không có nhiều đất diễn, đó cũng là tự nhiên thôi. Ở phần Người phán xử, tôi cũng đã có ít nhiều ấn tượng rồi, sang phần tiền truyện phải nhường cho bạn diễn khác, chứ mình cứ chiếm lĩnh mãi cũng không hay. Ý của đạo diễn cũng là tập trung vào những nhân vật mới xuất hiện.
"Tôi thích trường phái diễn viên không thoát được vai"
- Sự thể hiện xuất sắc với Trần Tú trong "Người phán xử" có phải là lý do anh được đạo diễn Mai Hồng Phong tin tưởng mời vào vai Cảnh trong "Quỳnh búp bê", và tiếp tục là một nhân vật giang hồ gai góc?
- Không hẳn là như vậy vì Cảnh là dạng vai tôi từng làm. Cảnh hay Trần Tú, theo ngôn ngữ của tôi đó là vai toàn diện, vai cá tính chứ không phải phản diện. Nhân vật không bị đều đều vì có sự đan xen giữa xấu và tốt, phần con và phần người.
Anh Phong từng mời tôi casting phim Điều bí mật cách đây vài năm. Nhưng có lẽ ở thời điểm đó, tôi chưa hợp vai. Đến dự án này, anh Đỗ Thanh Hải giám đốc của VFC đề cử tôi, anh Phong đồng ý.
Những vai cá tính như Cảnh tôi rất thích vì từ xưa đến nay, tôi rất ghét phải thế hiện nhân vật đàn ông mà động một tí là rưng rức.
Đàn ông không dễ khóc như vậy. Đàn ông phải kinh khủng lắm mới khóc. Như bà tôi mất, bố tôi vừa đi quay về đến nơi, sự đau buồn thể hiện qua việc nói không thành hơi dù không rơi giọt nước mắt nào.
Tôi bị ảnh hưởng bởi diễn xuất của phim Mỹ. Đàn ông Mỹ cư xử khác lắm, cách diễn cũng khác.
Diễn viên nam của mình nói “Anh yêu em”, tôi thấy chưa chuẩn, chưa thật. Tôi dám nói vậy vì bản thân tôi cũng không làm được, tôi chỉ làm được bằng hành động chứ nói câu đó, tôi cũng không thể.
- Diễn viên Thu Quỳnh tiết lộ rằng trong phim "Quỳnh búp bê" anh tát rất thật, Thanh Hương cũng tâm sự khi nhân vật Cảnh hành hạ Lan trong phim, dùi cui từ tay anh đã chạm thật vào bụng nữ diễn viên. Anh có nghĩ việc mình diễn quá thật đã làm đau bạn diễn?
- À, thực ra là chúng tôi trêu nhau nên nói vậy, chứ không phải diễn viên nào mình cũng dám làm thật. Trong phim, có một diễn viên nam ăn cú đấm thật và rất đau của tôi. Với diễn viên nữ mình không dám thật như thế.
Nhưng vấn đề khi diễn, tâm lý phải được đẩy lên. Cách làm phim của nước ngoài cũng có những trường phái là làm theo kiểu thật nhất, diễn viên đặt mình vào nhân vật, sống chết với nhân vật, thậm chí là không thoát vai được. Nhân vật đi vào cả cuộc sống.
Tôi chưa đạt được cảnh giới đó dù tôi rất muốn. Quan niệm của tôi là đừng cho khán giả xem cái mình muốn, hãy cho khán giả xem cái họ muốn.
Một cảnh trong Quỳnh búp bê, Doãn Quốc Đam tiếp tục vào một vai giang hồ gai góc.
- Để vào vai được chân thực, anh từng xin vào trại giam để quan sát. Với vai Cảnh trong "Quỳnh búp bê", anh tìm hiểu hiện thực thế nào về giới mại dâm để lấy chất liệu?
Thú thật, tôi cũng có biết và có người bạn làm trong giới đó. Khi biết tôi làm phim này, cũng có người hỏi "Anh có cần đến trực tiếp đó để có trải nghiệm, quan sát chân thực không".
Có những câu chuyện đúng là kể ra thì bảo hâm, điên. Nhưng cũng có lần đi vào quán karaoke, tôi gặp một cô gái đang làm công việc ở trong đó bị một đám đàn ông trêu.
Sau đó, tôi bảo "Em cứ ra đây ngồi với anh. Em ra đây ngồi họ không còn trêu nữa. Cô ấy ra, tôi bảo "Em không cần phải sờ soạng, động chạm hay rót rượu gì cả, em chỉ cần ngồi đó. Anh sẽ tự uống". Khi ra về, tôi vẫn có tiền tip cho cô ấy và cũng không xin số điện thoại.
Trong cuộc sống, mình chịu khó quan sát sẽ có trải nghiệm. Bản thân tôi luôn luôn có cuốn sổ ghi các dạng nhân vật có thể mình sẽ được mời đóng để chuẩn bị.
Tôi cho rằng nên có một ngân hàng nhân vật, với các cá tính nhất định, vấn đề là mình sẽ đóng ở phim nào và thời điểm nào. Thế nên, tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng.
Theo Zing