10. Vương miện Noor-ol-Ain
Hoàng hậu Farah đội vương miện Noor-ol-Ain trong ngày cưới. Ảnh: IG.
Hoàng hậu Farah đội vương miện Noor-ol-Ain khi bà kết hôn với Mohammad Reza Shah Pahlavi, vị vua cuối cùng của Iran, vào năm 1959. Món trang sức có tên mang ý nghĩa "ánh sáng của mắt" do Harry Winston chế tác, với điểm nhấn là viên kim cương Noor-ol-Ain 60 carat, một trong những viên đá quý màu hồng hiếm và lớn nhất trên thế giới. Ngoài ra, phần khung làm từ chất liệu bạch kim, đính 324 viên kim cương màu hồng, vàng và không màu khác. Chiếc vương miện có giá trị ước tính khoảng 10,6 triệu USD.
Hoàng hậu Farah thường xuyên đội vương miện dự các sự kiện hoàng gia trong những năm còn lại của chồng bà trên ngai vàng. Sau cuộc cách mạng năm 1979, nó thuộc về nhà nước và được trưng bày tại Bảo tàng Trang sức Quốc gia ở tầng hầm của Ngân hàng Trung ương Iran.
9. Ngọc trai La Peregrina
Viên ngọc trai La Peregrina được tìm thấy vào thế kỷ 16. Ảnh: Christie’s.
Viên ngọc trai La Peregrina, có nghĩa là “Người hành hương” hay “Người lang thang”, được phát hiện ở Vịnh Panama vào thế kỷ 16. Đây là món quà của Vua Philip II (Tây Ban Nha) tặng cho vợ tương lai, Nữ hoàng Mary I của Anh.
Sau khi bà qua đời, viên ngọc được trả lại cho Tây Ban Nha và được một số nữ hoàng đeo trước khi rơi vào tay các nhân vật lịch sử như Joseph, anh trai của Napoléon Bonaparte, người trị vì Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 19. Sau này, viên ngọc thuộc về Elizabeth Taylor sau khi chồng bà mua lại từ phiên đấu giá.
Theo Christie's, ngôi sao Hollywood yêu cầu Cartier thiết kế lại thành một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai, kim cương và hồng ngọc. Sau khi bà qua đời, nó được bán đấu giá vào năm 2011 với giá kỷ lục 11,8 triệu USD.
8. Vương miện kim cương Garrard
Nữ hoàng Sonja của Na Uy tại buổi dạ tiệc mừng 40 năm Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch lên ngôi ở Copenhagen, Đan Mạch, vào năm 2012. Ảnh: Getty Images.
Đây là một trong số những chiếc vương miện thuộc sở hữu của Nữ hoàng Na Uy Sonja của Na Uy. Đáng nói, nó thực chất chỉ là bản sao.
Phiên bản gốc được tặng cho Công chúa Maud của xứ Wales vào năm 1896 khi bà kết hôn với Hoàng tử Carl của Đan Mạch, người sau này trở thành Vua Na Uy với tên gọi Haakon VII. Được làm bởi hãng trang sức Anh Garrard, tác phẩm ba tầng này có phần đế là băng đô kim cương, ở giữa có các cuộn lá kim cương và phần trên cùng với mười ba nút kim cương hình quả lê.
Năm 1995, nó bị đánh cắp trên đường đến Garrard để định giá và bảo trì. Không thể tìm lại được, Garrard sau đó tạo ra một bản sao thay thế. Giá trị của nó được ước tính là khoảng 12 triệu USD ngày nay.
7. Vương miện Kokoshnik ngọc lục bảo
Công chúa Eugenie đội bảo vật hoàng gia tại hôn lễ năm 2018. Ảnh: IG.
The Court Jeweller cho biết trong đám cưới năm 2018, Công chúa Eugenie khoe báu vật 100 năm tuổi của hoàng gia Anh: vương miện Kokoshnik bằng ngọc lục bảo Greville.
Năm 1919, thợ kim hoàn người Pháp Boucheron chế tác món trang sức xa xỉ cho nhà hoạt động xã hội người Anh Dame Margaret Greville. Nhân vật này sau đó tặng vương miện cho Thái hậu Elizabeth, mẹ của Nữ hoàng Elizabeth II.
Theo trang web của gia đình hoàng gia, vương miện được làm từ những viên kim cương pavé cắt hoa hồng đính trên khung bạch kim, cộng thêm sáu viên ngọc lục bảo ở hai bên, giống như một chiếc mũ đội đầu cổ của Nga, gọi là Kokoshnik.
Nữ hoàng Elizabeth II thừa kế chiếc vương miện sau khi mẹ bà qua đời năm 2002, nhưng không bao giờ đội nó trước công chúng. Giá trị ước tính của nó là 12 triệu USD.
6. Vòng cổ Hồ thiên nga
Công nương Diana chỉ kịp đeo vòng cổ, không có cơ hội dùng bông tai cùng bộ. Ảnh: Getty Images.
Vòng cổ Hồ thiên nga được Công nương Diana đeo khi dự buổi biểu diễn múa ballet tại Royal Albert Hall ở London (Anh) vào năm 1997, không lâu trước khi vụ tai nạn bi thảm cướp đi mạng sống của bà. Nó là món đồ có giá trị nhất trong bộ sưu tập trang sức của biểu tượng thời trang Hoàng gia Anh.
Món trang sức được Crown Jeweller (sau này là Garrard) chế tác, với 178 viên kim cương và 5 viên ngọc trai. Hãng còn tạo ra một đôi bông tai cùng bộ với vòng cổ nhưng Diana không có cơ hội đeo. Năm 2010, vòng cổ Hồ thiên nga sau đó được bán tại nhà đấu giá Guernsey ở New York (Mỹ) cho một cặp vợ chồng người Ukraine với giá 632.000 USD. Gần đây, cặp vợ chồng này yêu cầu mức giá 12,1 triệu USD nếu muốn mua lại chiếc vòng cổ.
5. Vương miện của Công nương Katharina Henckel von Donnersmarck
Vương miện của Công nương Katharina Henckel von Donnersmarck được bán đấu giá 2 lần. Ảnh: Sotheby's Geneva.
Vào những năm 1900, Hoàng tử Đức Guido Henckel von Donnersmarck (1830-1916) đã đặt làm chiếc vương miện (có thể cho hãng trang sức Chaumet) tặng người vợ thứ hai, nữ quý tộc Nga Katharina Slepzow.
Nó có 11 viên ngọc lục bảo hình quả lê lớn, nặng tổng cộng khoảng 500 carat. Ở giữa đính những viên kim cương giác cắt Cushion (hình vuông, hình chữ nhật nhưng tròn ở các góc) lớn. Ngoài ra, khung vương miện làm bằng bạc, vàng và kim cương. Món trang sức từng được bán đấu giá tại Sotheby's hai lần. Lần đầu tiên vào năm 1979 và sau đó vào năm 2011 với mức giá kỷ lục 12,7 triệu USD.
4. Vòng cổ ngọc lục bảo Delhi Durbar
Công nương Kate thừa kế vòng cổ ngọc lục bảo từ mẹ chồng. Ảnh: WireImage.
Công nương Kate trở thành tâm điểm chú ý tại Giải thưởng Earthshot 2022 khi đeo vòng cổ ngọc lục bảo Delhi Durbar mang tính biểu tượng của hoàng gia.
Món trang sức đắt giá ban đầu có 16 viên ngọc lục bảo, được hoàng tộc Ấn Độ tặng cho Nữ hoàng Mary vào năm 1911. Nữ hoàng yêu cầu Garrard sửa thành trang sức bạch kim đính 14 viên ngọc lục bảo và kim cương giác cắt Brilliant. Sau đó, nó được Nữ hoàng Elizabeth II tặng cho Công nương Diana làm quà cưới. Cuối cùng, nó được Công nương Kate thừa kế. Theo Regal Fille, giá trị hiện tại của chiếc vòng cổ là 20 triệu USD.
3. Trâm cài áo kim cương Cartier Williamson
Trâm cài áo kim cương Cartier Williamson làm từ viên kim cương mà Nữ hoàng Elizabeth II được tặng nhân dịp kết hôn. Ảnh: AP.
Theo truyền thông Anh, Nữ hoàng Elizabeth II được tặng một viên kim cương hồng vào năm 1947 thay cho quà mừng cưới từ nhà địa chất John Thoburn Williamson. Ông tìm thấy nó tại mỏ đá quý ở Tanzania (Đông Phi). Cartier chế tác viên đá quý nặng 54,5 carat thành 23,6 carat rồi gắn vào vị trí trung tâm của chiếc trâm hình hoa trường thọ khung bạch kim, trang trí thêm bằng 203 viên kim cương trắng.
Tác phẩm được hoàn thành vào năm 1953, năm đăng cơ của Nữ hoàng. Bà thường đeo nó vào những dịp trọng đại như chụp ảnh chân dung gia đình, đám cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana năm 1981, Hoàng tử Edward và Sophie năm 1999, cũng như tại cuộc gặp với cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2009. Giá trị của chiếc trâm cài ước tính 30,5 triệu USD.
2. Trâm cài áo Granny's Chips
Trâm cài áo Granny's Chips là một trong những món trang sức yêu thích của Nữ hoàng Elizabeth II lúc sinh thời. Ảnh: Twitter.
Một chiếc trâm cài quý giá khác của cố Nữ hoàng là Granny's Chips. Theo truyền thông Anh, tên gọi này thể hiện tình cảm của nữ hoàng dành cho bà ngoại, Nữ hoàng Mary - người đã tặng bà hai viên kim cương khi bà lên ngôi.
Hai viên kim cương có tên là Cullinan III và IV, nặng khoảng 150 carat. Chúng được cắt ra từ viên kim cương thô lớn nhất trên thế giới từng được tìm thấy vào đầu thế kỷ 20 (3106 carat) ở Cullinan, Nam Phi. Chính phủ Nam Phi tặng nó cho Nữ hoàng Mary. Giá trị ước tính của chiếc trâm cài khoảng 61 triệu USD.
1. Vòng cổ Cartier Nizam of Hyderabad
Công nương Kate sở hữu món trang sức đắt giá nhất hoàng gia thế giới. Ảnh: Getty Images.
Món trang sức hoàng gia có giá trị nhất được biết đến là chiếc vòng cổ Nizam of Hyderabad. Vua Nizam của Nhà nước Hyderabad (nay là thành phố thuộc Ấn Độ) tặng cho Nữ hoàng (lúc đó là Công chúa Elizabeth) làm quà cưới năm 1947.
Do Cartier chế tác vào năm 1930, chiếc vòng cổ được làm hoàn toàn từ kim cương, bao gồm 38 viên kim cương giác cắt Brilliant, 13 viên kim cương giác cắt ngọc lục bảo và kim cương giọt nước hình quả lê ở trung tâm. Nó có giá 80 triệu USD.
Công nương Kate đeo phụ kiện xa hoa này kể từ khi trở thành thành viên Hoàng gia Anh, bao gồm sự kiện Portrait Gala năm 2014.
Theo Tiền Phong