Trạng Tí là dự án gặp nhiều lùm xùm trong thời gian gần đây. Tác phẩm gây tranh cãi về vấn đề bản quyền giữa Phan Thị, Studio68 và họa sĩ Lê Linh. Những phát ngôn của ê-kíp phim sau đó càng khiến làn sóng tẩy chay tăng cao. Song, nếu bỏ qua những tai tiếng ngoài lề, Trạng Tí vẫn là một phiên bản cải biên quá lố của Thần đồng đất Việt.
Trailer phim
Nội dung Trạng Tí lấy bối cảnh làng Phan Thị - nơi có cậu bé Tí (Hữu Khang) thông minh hơn người nhưng mồ côi cha. Tí được mẹ kể cho câu chuyện thần kì về thường xuyên bị bạn bè trêu chọc nên tủi thân. Trong một lần cãi nhau, cậu nhóc quyết định lên chùa Phật Quang tìm thầy Thích Thông Tuệ (Trung Dân) để hỏi danh tính cha mình.
Đi cùng Tí là nhóm bạn Sửu (Phan Bảo Tiên), Dần (Vương Hoàng Long) và Mẹo (Đức Anh). Trên đường đi, cả nhóm bị một băng cướp bắt giữ. Tên cầm đầu ép buộc Tí phải trộm viên đá quý của thầy Thích Thông Tuệ và trả lời câu đố để mở cửa vào đền Thần Hổ tìm kho báu. Tí buộc phải dùng trí tuệ trời phú để giúp cả bọn thoát nạn.
Điểm nhấn bối cảnh và kỹ xảo
Đúng như lời Ngô Thanh Vân, Trạng Tí có sự đầu tư công phu về mặt bối cảnh. Bộ phim mang đến nhiều cảnh thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ tại đầm Vân Long (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai) hay Tràng An. Ê-kíp phim cũng sử dụng nhiều góc quay toàn cảnh để thể hiện được vẻ đẹp của nước nhà.
Làng Phan Thị cũng được đầu tư công phu khi tái hiện được hình ảnh làng quê Việt thời phong kiến với những căn nhà lá đơn sơ hay tửu quán xập xệ. Phim chọn tông màu sặc sỡ và nịnh mắt làm liên tưởng đến những tác phẩm cổ tích Việt Nam xưa với nét kì ảo lôi cuốn.
Yếu tố kỹ xảo của phim cũng là một điểm đáng khen ngợi. Tuy không thật sự xuất sắc, Trạng Tí làm tốt hơn hẳn con “bò cạp” trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể (2016) năm xưa. Phần chuyển động mượt mà cùng hiệu ứng phép thuật cũng vừa đủ làm hài lòng đối tượng khán giả nhí.
Nội dung ngô nghê và dài dòng
Tuy nhắm tới người xem nhỏ tuổi, Trạng Tí lại có thời lượng dài đến nhàm chán. Phim dành quá nhiều đất để giới thiệu dàn nhân vật đồ sộ và cho Tí giải quyết những vụ án không cần thiết. Mỗi tình tiết phim đều bị kéo dài lê thê cho những màn tấu hài nhạt nhẽo.
Về sau, tác phẩm ngày càng dài dòng khi sa đà vào hàng loạt tình huống không liên quan. Phim tỏ ra ôm đồm khi vừa muốn hài, thêm cảm xúc lẫn cả hành động và “hack não”. Mọi thứ trong Trạng Tí đều bị phức tạp hóa, đơn cử như băng cướp tốn nhiều công sức để tạo ra một kế hoạch nhằm ăn cắp viên ngọc quý.
Song, mọi thứ lại được giải quyết vô cùng ngô nghê. Những màn thể hiện trí thông minh của Tí thực chất vô cùng đơn giản và thậm chí còn có phần... khôn lỏi. Phim lạm dụng yếu tố kì ảo quá nhiều để xử lý các mâu thuẫn nhưng lại bắt Tí phải “thông minh sách vở” một cách khó hiểu.
Tính cách nhân vật thiếu đầu tư
Trong nguyên tác truyện tranh, Tí vốn là Văn Tinh Quân trên trời giáng thế và được Ngọc Hoàng “bảo kê” khiến không ai dám nói xấu cậu. Tí cũng không mảy may quan tâm tới chuyện mình không cha. Tuy nhiên, khi lên phim, câu chuyện nguồn gốc này bị lượt bỏ trở thành hư hư thực thực.
Nhân vật cũng bị bạn bè trêu chọc tới mức phát khóc và đi tìm cha. Hình tượng cậu bé thông minh, lém lỉnh và luôn tươi cười trong bản gốc gần như không còn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cố tình cho nhân vật sự phát triển để nhận ra giá trình tình bạn.
Song, tất cả diễn ra chưa thật sự thuyết phục. Nhân vật Mẹo được xây dựng là thường xuyên trêu chọc, hạ nhục Tí và thách cậu đi hỏi thân phận cha. Trên suốt đường đi, mối quan hệ của họ thay đổi qua lại một cách chóng mặt và không có lời giải thích cụ thể. Cuối cùng, tất cả được hóa giải quá dễ dàng.
Xuyên suốt hành trình, Dần thể hiện được ít nhiều tính cách riêng khờ khạo và dễ tin người nhưng Sửu thì lại quá đơn điệu và chỉ có vai trò làm nền. Mẹo cũng chẳng có đóng góp gì cho nhóm bạn. Vì sao bộ phim không để mỗi nhân vật phát huy thế mạnh riêng cho tình bạn thêm phần ý nghĩa?
Yếu tố tình mẹ con khá nhạt nhòa khi giữa Tí và mẹ cũng chẳng có nhiều tương tác. Câu chuyện giữa Mùi và cha cũng không ấn tượng. Cuối cùng, những phân đoạn lẽ ra phải lấy nước mắt lại trôi tuột đi trong tâm trí khán giả.
Nhìn chung, Trạng Tí là một bộ phim kì công trong khâu sản xuất nhưng ý tưởng và kịch bản lại quá vụng về. Phim lẽ ra nên khai thác hướng đi khác từ chất liệu truyện tranh ăn khách.
Lan Anh
Theo Vietnamnet