Khách đòi hủy tour, "tố" khách sạn Hạ Long lừa đảo

"Khách đến nhận phòng lúc 13h chiều, 14h có điện, 17h lại mất xuyên đêm đến tận sáng hôm sau. Khách phải mang đệm ra trước cổng villa để ngủ vì nóng quá không chịu được. Đấy là với những người họ thông cảm, họ nhận bồi thường.

Những nhóm khách còn lại, họ kéo nhau đến villa chửi bới, nói chúng tôi lừa đảo vì họ đã đặt phòng cả tháng trước nhưng đến nơi thì đi du lịch như hành xác", Duyên Phan, quản lý hai căn villa ở Mon Bay (Hạ Long) cho biết.

Việc mất điện đột ngột và liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày ở thành phố Hạ Long khiến trải nghiệm du lịch của khách ở địa phương này trở nên tồi tệ.

Tranh cãi khách sạn Hạ Long thu thêm 300.000 đồng phí chạy máy phát điện - 1
Bị cắt điện nên một nhà hàng tại xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh phải sử dụng đèn tích điện, khách du lịch bật đèn điện thoại để... ăn tối ( Ảnh: Hoàng Quỳnh).

Nguyễn Mai Anh (Hà Nội) đặt một khách sạn 4 sao mới ở Hòn Gai, Hạ Long, trong hai tuần nhưng ngay ngày đầu tiên, khách sạn đã mất điện buổi đêm, máy phát chỉ đủ dùng cho thang máy, tủ lạnh.

Do con nhỏ không chịu được nóng, quấy khóc, cô phải thuê ngay một khách sạn 3 sao khác tại Cái Dăm.

Trong khi đó, Phong Đạt (39 tuổi, Hà Nội) vì đã đặt phòng theo kế hoạch du lịch của cả gia đình, có con nhỏ, nên không muốn thay đổi. Tuy nhiên, chuyến đi của anh diễn ra trong nơm nớp lo sợ... mất điện.

Trước đó, ngày 8/6, Đạt nghe nói ở khách sạn này có đoàn khách vừa nhận phòng 10 phút thì tòa nhà mất điện. Tới 3h sáng 9/6, khách vẫn lang thang các hàng quán chưa thể trở về căn hộ.

"Tôi phải liệt kê vài nhà nghỉ ở khu lân cận, phòng trường hợp mất điện quá lâu sẽ qua đó tá túc tạm. Tuy nhiên, cả gia đình đều không muốn di chuyển vì có cụ già đang đau chân và trẻ sơ sinh đi cùng nên rất nhiều đồ dùng", nam du khách nói.

Tranh cãi khách sạn Hạ Long thu thêm 300.000 đồng phí chạy máy phát điện - 2
Nhóm du khách nửa đêm phải mang đệm, bàn ghế ra trước cửa villa và bật đèn ô tô để soi sáng (Ảnh: NVCC)

Phần lớn du khách đến Hạ Long trong khoảng đầu tháng 6 đều gặp tình trạng tương tự. "Toàn bộ khách đã hủy phòng, trong khi trước đó chúng tôi đã nhận khách ở kín 70 phòng, trong ngày cuối tuần", quản lý một khách sạn ở Bãi Cháy cho biết.

Theo thông tin từ UBND huyện Vân Đồn, lượng khách đến khu du lịch Minh Châu - Quan Lạn đã sụt giảm khoảng 35%, chỉ còn khoảng 12.700 lượt khách du lịch/tuần so với thời điểm trước khi tiết giảm điện năng tiêu thụ. 

Con số này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tuần tiếp theo, nếu việc tiết giảm điện còn kéo dài.

Khách sạn thu thêm 300.000 đồng/đêm phí… máy phát điện

Du khách H.N. (du khách người Ninh Bình) đặt phòng nghỉ hai đêm tại khách sạn trên đường Hạ Long, phường Bãi Cháy từ đầu tháng 5. Hôm 5/6, đến ngày đi du lịch, nữ du khách này nhận được tin Hạ Long mất điện, phía khách sạn yêu cầu phụ thu 300.000 đồng/đêm, phí chạy máy phát điện.

"Gia đình tôi thuê phòng nghỉ hai đêm là phải mất thêm 600.000 đồng tiền chạy máy phát điện. Tôi nghĩ sự cố về điện thì bên khách sạn phải sắp xếp cho khách", nữ du khách bức xúc, hủy đặt phòng tại khách sạn này và chuyển sang thuê tại địa điểm lưu trú khác.

Bạn Hoàng Huyền (29 tuổi, Hà Nội) dự định đi Hạ Long vào giữa tháng 6, Huyền đã đặt trước phòng trên ứng dụng từ hơn 1 tháng trước. Khi liên lạc lại với khách sạn để xác nhận, cô được nhân viên báo khách sẽ phải trả thêm từ 100.000 - 300.000 đồng phụ thu tiền chạy máy phát, nếu hôm đó bị mất điện.

Việc mất điện liên tục thực tế đã khiến nhiều khách sạn ở Hạ Long, và trên toàn tỉnh Quảng Ninh phải khốn đốn.

Tương tự, Kim Cúc, quản lý khách sạn Green Suties cho biết, mỗi ngày khách sạn phải chi khoảng 5 triệu đồng để mua dầu "nuôi" máy phát.

"Máy phát sẽ tiêu tốn khoảng 20 lít dầu/tiếng, giá thành khoảng 400 đồng cho mỗi tiếng tiêu thụ. Nếu ngày nào mất điện từ 10 - 12 tiếng, chúng tôi sẽ phải trả 4-5 triệu đồng/ngày. Số tiền này, thực tế tiền phòng khách thuê cũng không đủ bù lỗ".

Tuy vậy, Kim Cúc cho biết khách sạn của cô không thu thêm phụ phí, thậm chí coi việc đã có máy phát điện từ trước, không lên giá phòng trở thành yếu tố cạnh tranh của khách sạn, trong mùa du lịch cao điểm.

Theo đó, chi phí "nuôi" máy phát được tính vào khoản phát sinh rủi ro trong quá trình vận hành khách sạn. Hoạt động của khách sạn vẫn diễn ra bình thường, mất điện sẽ có điện máy phát thay thế luôn.

"Chúng tôi chấp nhận thua lỗ về kinh tế nhưng vẫn đang cố gắng duy trì để giữ uy tín về mặt thương hiệu với khách hàng", nữ quản lý chia sẻ.

Theo Dân Trí