Theo thông tin từ Dân Trí, ngày 22/2, Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 có văn bản gửi tới: Nhóm trẻ lớp mẫu giáo, lớp mầm non; Trường mẫu giáo, mầm non (công lập và ngoài công); Trường tiểu học (công lập và ngoài công lập), Trường THCS; Trường Chuyên biệt Ánh Dương; Trung tâm GDNN - GDTX về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn quận.

Đáng chú ý, trong văn bản có nhắc tới nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non, tiểu học. Điều này khiến không ít phụ huynh cho rằng lấy ý kiến về luật đối với lứa tuổi này là chưa phù hợp

Tranh cãi việc lấy ý kiến trẻ mầm non về dự thảo Luật đất đai-1

Đoạn văn bản lan truyền trên mạng

Liên quan đến sự việc, ngày 12/3, trao đổi với Dân Trí, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 khẳng định có sự nhầm lẫn khi hiểu văn bản trên.

Theo ông Hùng, đơn vị này không lấy ý kiến trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS... mà chỉ lấy ý kiến của cán bộ, nhân viên, giáo viên, người lao động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trong đó, bao gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên, chủ các nhóm lớp, nhóm trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ mầm non.

"Nhiều người chỉ đọc nhanh phần kính gửi và không để ý kỹ sẽ hiểu lầm đối tượng lấy ý kiến. Trong trang 1 văn bản cũng nêu rất rõ đối tượng là cán bộ, giáo viên chứ không phải học sinh", ông Hùng nói.

Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 đã hoàn thiện xong phần lấy ý kiến người lao động trong các cơ sở giáo dục do phòng quản lý đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và đã tổng hợp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Tranh cãi việc lấy ý kiến trẻ mầm non về dự thảo Luật đất đai-2
Hình ảnh hội nghị gây xôn xao mạng xã hội

Tương tự sự việc, ngày 10/3, VietNamNet đưa tin, Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra vào ngày 9/3.

Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, khi cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các em học sinh bậc THCS như thế này còn mang tính hình thức, không đúng đối tượng. Bởi lẽ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề khó và rộng, ngay cả người lớn cũng nhiều người không có kiến thức về lĩnh vực này.

Một số ý kiến khác cho rằng có thể lấy ý kiến trẻ em nhưng chỉ nên lấy ý kiến của học sinh cấp 3 hay sinh viên trường đại học, học sinh THCS còn quá nhỏ và tầm hiểu biết cũng chưa đủ nên việc lấy ý kiến học sinh THCS là chưa thỏa đáng.

Tranh cãi việc lấy ý kiến trẻ mầm non về dự thảo Luật đất đai-3
Theo bà Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng nhà trường, hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường.

Cũng tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em.

Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 104 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, các khoản sẽ bao gồm: "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật".

Ông Hà Đình Bốn khẳng định, những ý kiến của các em học sinh sẽ được tổng hợp và gửi tới ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại hội thảo này, các học sinh cũng được trao đổi, bày tỏ về các quan điểm, ý kiến của mình liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời được bổ sung kiến thức và hiểu biết thêm các quy định về đất đai, nhất là các quy định liên quan tới trẻ em.

Đ.K (t/h)
Theo VietNamNet