Triển lãm Marina Abramović đã chính thức mở cửa đón chào du khách. Đây là sự kiện đang thu hút sự quan tâm hàng đầu trong đời sống văn hóa nghệ thuật tại London, Anh. Các nhà phê bình nghệ thuật đã thực hiện những bài bình luận xung quanh sự kiện có nhiều yếu tố gây sốc này.
Triển lãm sử dụng yếu tố khỏa thân như một cách để biểu đạt nghệ thuật ý niệm. Tại đây, có tới hơn 40 nghệ sĩ khỏa thân thực hiện các tiết mục khác nhau. Được nhắc tới nhiều nhất hiện tại là tiết mục Imponderabilia (tạm dịch: Những chuyện không thể lường) xuất hiện ở ngay lối vào triển lãm.
Tiết mục Imponderabilia tại triển lãm "Marina Abramović" (Ảnh: The Guardian).
Du khách tới tham quan sẽ phải len giữa hai nghệ sĩ khỏa thân mới có thể vào trong xem triển lãm. Trình diễn này được giới thiệu là khiến công chúng ngay khi bước qua lối vào của triển lãm sẽ phải đối diện với các đề tài như khỏa thân, giới tính, tính dục...
Bên cạnh hai nghệ sĩ nam và nữ khỏa thân đứng ở cửa triển lãm, nghệ sĩ Marina Abramović còn sắp đặt các trình diễn ý niệm khác cũng có yếu tố khỏa thân.
Tác giả John James của tờ tin tức Daily Mail (Anh) cho biết dù anh không phải người bẽn lẽn, nhưng khi có mặt tại triển lãm này, anh không ngừng phải thốt lên những lời xin lỗi đối với các nghệ sĩ vì cảm thấy quá ái ngại.
Tác giả John James bình luận hài hước: "Tại sao các nghệ sĩ phải nhìn nhau hoặc nhìn du khách chằm chằm vậy? Chúng ta không biết được. Chúng ta có được phép nhìn vào những điểm nhạy cảm trên cơ thể họ không nhỉ? Chẳng ai trong chúng ta biết rõ câu trả lời. Vậy chúng ta biết chắc chắn điều gì? Đây hẳn là nghệ thuật, chắc vậy, nhưng nghệ thuật thực ra... là gì vậy?".
Tác giả Laura Cumming của tờ tin tức The Guardian (Anh) đã đưa ra nhận định đa nghĩa để kết lại bài bình luận của mình: "Chúng ta đi qua hàng triệu năm tiến hóa, đã đi qua những nền văn minh ấn tượng, để tới hôm nay, chúng ta được xem... màn trình diễn này đây".
Tác giả Cumming chấm điểm chất lượng triển lãm ở mức... 2/5 sao.
Tiết mục "Nude with Skeleton" (Ảnh: The Guardian).
Nhìn chung, nhận định của nhiều nhà phê bình xung quanh triển lãm này không mấy tích cực. Dù vậy, đây cũng không phải điều gây bất ngờ. Nghệ sĩ ý niệm người Serbia - bà Marina Abramović (76 tuổi) - vốn luôn thực hiện những màn trình diễn nghệ thuật ý niệm gây sửng sốt, thậm chí gây tranh cãi.
Bà Marina từng thực hiện những trình diễn nghệ thuật có các yếu tố gây sốc như khỏa thân, sử dụng máu giả, sử dụng những đạo cụ như dao, súng, đạn... Nhìn chung, mỗi khi nghệ sĩ Marina Abramović tổ chức một cuộc trình diễn, bà luôn đưa vào yếu tố gây sửng sốt.
Tại sự kiện đang diễn ra tại triển lãm nghệ thuật Royal Academy of Arts còn có những tiết mục trình diễn nghệ thuật ý niệm khác, chẳng hạn tiết mục Nude with Skeleton (Khỏa thân bên bộ xương).
Tiết mục này đòi hỏi nghệ sĩ khỏa thân nằm bên dưới món đạo cụ là... một bộ xương giả. Tiết mục được giới thiệu là "đưa lại góc nhìn về sự sống và cái chết, về vòng tuần hoàn sinh diệt của tạo vật trong tự nhiên, trong đó có con người".
Tác giả John James thành thật thừa nhận trong bài bình luận của mình rằng thoạt tiên, khi đứng trước trình diễn này, anh không hiểu nổi bất cứ điều gì sâu xa như những lời giới thiệu xung quanh tiết mục. Bằng bản năng của mình, khi đứng trước trình diễn này, anh chỉ cảm thấy... sợ
Một tiết mục khác có tên Luminosity (tạm dịch: Độ sáng) có gắn một chiếc yên xe đạp lên tường để nữ nghệ sĩ trình diễn ngồi trên đó và tạo dáng với tư thế đưa hai tay sang ngang.
Trình diễn này nói về việc "tri thức và hiểu biết sẽ nâng đỡ chúng ta lên trong cuộc đời này, đặc biệt, khi một con người đạt được sự kết nối với trí tuệ thâm sâu của vũ trụ, đó là khi họ cảm thấy mình như bừng sáng lên".
Điều mà tác giả John James phải thành thực công nhận, đó là những diễn giải về các tiết mục trình diễn rất sâu sắc và ấn tượng. Chỉ có điều, nếu để anh tự quan sát, cảm nhận và tư duy về các tiết mục, anh sẽ rất khó tự mình nghĩ ra được những điều sâu sắc và ấn tượng như vậy.
Ra về sau khi đi xem xong triển lãm, tác giả John James thấy rằng những bức tranh khắc họa các vị thần khỏa thân trong thần thoại Hy Lạp, hay những bức tranh khắc họa vẻ đẹp cơ thể người của hội họa Phục hưng cũng đều khai thác yếu tố khỏa thân. Chúng ta đều coi đó là nghệ thuật kinh điển trong hội họa.
Khi đến với một triển lãm đậm đặc yếu tố khỏa thân như thế này, thay vì chiêm ngưỡng vẻ đẹp cơ thể người ở trong tranh, người xem sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy một cách... trực quan.
Tác giả John James so sánh như vậy, nhưng sau cùng, tác giả này cũng thừa nhận rằng triển lãm Marina Abramović vẫn là một triển lãm "hạng nặng", là một sự thử thách tâm lý đối với số đông công chúng.
Theo Dân Trí