Chỉ còn vài tuần nữa lễ trao giải âm nhạc thường niên có tên MAMA của đài Mnet sẽ diễn ra. Năm nay MAMA được tổ chức tại ba địa điểm Việt Nam, Nhật Bản và Hong Kong với mục tiêu "nâng tầm quốc tế".
Tuy nhiên, MAMA có thật sự đạt đến tầm “quốc tế” không, hay chỉ đang khoác lên mình một tấm áo quá rộng để rồi phải gồng mình lên sao cho vừa vặn?
Tham vọng quốc tế hóa
Lễ trao giải âm nhạc của đài truyền hình Mnet được tổ chức lần đầu vào năm 1999 với tên gọi Mnet KM Music Festival (viết tắt là MKMF). Vào thời điểm đó, MKMF là lễ trao giải duy nhất được lập ra để tôn vinh những video ca nhạc công phu.
MKMF trong vòng 10 năm đầu chỉ tập trung đề cử và trao giải cho nghệ sĩ Hàn Quốc. Các giải thưởng dù là đề cử hay người chiến thắng đều nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng. Đây là sự kiện được nhiều khán giả chờ đón vì quy mô “vừa đẹp” cùng những màn biểu diễn mãn nhãn.
Sau 10 năm tổ chức, bắt đầu từ năm 2009 lễ trao giải này được đổi tên thành MAMA - Mnet Asia Music Awards. Tới năm 2010, MAMA bắt đầu diễn ra tại các địa điểm nước ngoài thay vì ở lại Hàn Quốc. Đây là những bước đi đầu tiên trong chủ trương quốc tế hóa lễ trao giải của Mnet.
Kể từ năm 2010 tới nay, lễ trao giải MAMA luôn được tổ chức tại Macau, Singapore và Hong Kong. Ngoài ra, MAMA mở rộng thêm các hạng mục giải thưởng dành cho các nghệ sĩ các nước châu Á khác nói riêng và quốc tế nói chung.
MAMA 2017 lại là một bước đột phá nữa khi lễ trao giải được tổ chức tại 3 địa điểm và kéo dài tới hơn một tuần lễ. Đưa ra chủ đề "Giao thoa", ban tổ chức thể hiện mong muốn nhấn mạnh sự giao lưu và kết hợp của các nền văn hóa khác nhau.
Hay nói cách khác là MAMA dự định tiến thêm một bước nữa trên con đường nâng giải thưởng lên tầm quốc tế.
Việt Nam được chọn là một trong ba địa điểm tổ chức MAMA 2017 khiến cộng đồg người hâm mộ bất ngờ.
Trao giải hay cho giải?
Có một thực tế, tuy mang danh trao giải cho các nghệ sĩ châu Á ngoài Hàn Quốc nhưng MAMA chưa từng mời những nghệ sĩ đoạt giải này dự lễ. Bắt đầu từ Mỹ Tâm vào năm 2012 tới Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Đông Nhi... các ca sĩ Việt Nam chưa từng bước lên sân khấu này để trực tiếp cầm vào chiếc cúp.
Thay vào đó, khi MC đọc tên người nhận giải, trên màn hình chỉ xuất hiện một đoạn video nói lời cảm ơn được ghi hình sẵn từ trước. Thậm chí trong trường hợp của Noo Phước Thịnh, nam ca sĩ đã xuất hiện trên thảm đỏ trước giờ trao giải MAMA 2016 nhưng “bặt tăm” trong buổi lễ chính.
Thêm vào đó, người chiến thắng giải thưởng trao cho nghệ sĩ nước ngoài này không được định đoạt bằng lượt bầu chọn của khán giả. Khác với các giải trao cho nghệ sĩ Hàn được khán giả lựa chọn, các nghệ sĩ nước ngoài chỉ ở bên lề mọi cuộc bình chọn và đợi đến lượt ban tổ chức “gọi tên”.
Liệu MAMA thật sự là một lễ trao giải mang tầm vóc châu Á như tên gọi của mình hay không khi chỉ có các nghệ sĩ của Hàn Quốc chiếm lĩnh toàn bộ sân khấu và các giải thưởng?
Mỹ Tâm là nghệ sĩ Việt Nam được MAMA trao giải vào năm 2012.
Bên cạnh đó, tranh cãi trong công đoạn đề cử và trao giải những năm gần đây khiến nhiều người nghi ngờ độ trung thực của lễ trao giải. Cộng đồng fan Kpop từ lâu đã truyền tai nhau lời đồn về việc “ai tới dự thì mới có giải” của MAMA.
Khi bắt đầu đổi từ hình thức hội đồng chấm giải sang khán giả bình chọn vào năm 2008, MAMA đã vấp phải một vụ tẩy chay lớn từ phía các nghệ sĩ thuộc SM, CCM (nay là MBK) và Pledis.
Đại diện SM khi đó đã phát biểu thẳng thắn: “Chúng tôi không muốn các fan phải chịu thiệt thòi từ một cuộc bình chọn chỉ với mục đích thương mại”
Sau khi “làm hòa” với các đơn vị trên, thời gian gần đây Mnet và MAMA lại tiếp tục đối mặt với nghi vấn cố tình làm khó các thành viên đến từ công ty YG, đặc biệt từ sau màn chỉ trích thẳng thắn của G-Dragon trên sân khấu buổi lễ năm 2014.
Nghi ngờ này càng có cơ sở hơn khi WINNER cùng ca khúc được gọi vui là “quốc ca Hàn Quốc năm 2017” Really Really không có mặt trong bất kì hạng mục đề cử nào.
Việc WINNER cùng bản hit Really Really vắng mặt trong tất cả đề cử khiến nhiều người bất bình.
Bộ áo không làm nên thầy tu
MAMA vốn nằm trong bộ tứ lễ trao giải lớn nhất trong năm về mảng âm nhạc của Hàn Quốc cùng Seoul Music Awards, MelOn Music Awards và Golden Disk Awards.
Tuy nhiên theo nhiều người đánh giá, MAMA đang này càng đánh mất đẳng cấp của mình với những lùm xùm về nghi vấn chia giải và ăn thua lợi nhuận thương mại thay vì tôn vinh giá trị nghệ thuật.
Trưởng nhóm Big Bang khi đứng trên sân khấu lễ trao giải vào năm 2014 đã tuyên bố: "Đây là một giải thưởng lớn, nên các vị hãy trao nó một cách hào phóng để những đứa trẻ không đánh nhau. Tôi đã trưởng thành, nên việc của tôi bây giờ chỉ là ngồi xem". Ý kiến này có thể khiến ban tổ chức mất lòng, nhưng lại được các nghệ sĩ và khán giả đồng tình ủng hộ.
Năm nay, khi quyết định mở rộng quy mô, MAMA đã tặng riêng cho Việt Nam một hạng mục “Nghệ sĩ Việt Nam đột phá của năm”. Đây là hạng mục duy nhất dành cho nghệ sĩ nước ngoài xuất hiện trên trang chủ của MAMA.
Hạng mục dành riêng cho nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện trên trang chủ của MAMA.
Nhiều khán giả nghi ngờ giải thưởng dành cho nghệ sĩ Việt xuất hiện trên trang chủ cũng là lần “chia giải” hữu nghị.
Danh hiệu “lễ trao giải tầm cỡ châu Á” bấy lâu đã trở thành tấm áo quá rộng mà Mnet và MAMA cố gắng khoác lên. Nhiều khán giả Hàn Quốc khuyên ban tổ chức: “Quay về làm một lễ trao giải trong nước đi thì hơn”.
Theo Zing