Giữa trưa, hàng người xếp hàng dài trên một khu phố thượng lưu ở Thượng Hải (Trung Quốc). Tuy nhiên, họ không chờ đến lượt dùng bữa tại một nhà hàng nổi tiếng nào đó.

Họ đang chờ đến lượt sử dụng dịch vụ đi căng da mặt, theo SCMP.

Lunchtime facelifts (tạm dịch: căng da mặt ban trưa) còn được gọi là nâng cơ bằng chỉ, là phương pháp thay thế ít xâm lấn hơn. Quy trình này bao gồm việc nâng các phần khác nhau trên da mặt bằng cách sử dụng các sợi chỉ. Về cơ bản, nó bao gồm việc nối da và kéo nó lên để điều chỉnh sự chảy xệ của da.

Các biện pháp “căng da mặt ban trưa” hay các thủ thuật làm đẹp khác chỉ diễn ra vào bữa trưa đang bùng nổ khi một thế hệ người tiêu dùng Trung Quốc mới vật lộn với áp lực ngoại hình: đẹp trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực.

Quá trình thay đổi ngoại hình này cũng diễn ra nhanh gọn, với thời gian chỉ vài tiếng, tương đương một lần dùng bữa.

Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ bữa trưa-1
Tiêu chuẩn cái đẹp cũng chứng kiến sự thay đổi khi nhiều người không muốn "đập đi xây lại" mà chỉ muốn cải thiện đường nét sẵn có.

Bằng 1/3 giá tiền phẫu thuật thẩm mỹ

Kayla Zhang, một nhân viên tài chính tại Thượng Hải, chưa bao giờ muốn đụng chạm dao kéo để sửa các đường nét trên khuôn mặt.

Song, cô gái cố cải thiện vẻ ngoài bằng laser, tiêm và nâng cơ bằng chỉ.

“Tôi không sửa mắt, mũi vì sẽ gây ra sự thay đổi lớn trên gương mặt”, cô gái 27 tuổi nhấn mạnh chỉ muốn tạo ra một “phiên bản tốt hơn” của bản thân, thay vì “đập đi xây lại toàn bộ”.

Các thủ thuật làm đẹp vi mô đã trở nên phổ biến nhiều năm ở phương Tây vì ít can thiệp dao kéo, bớt đau đớn và giá cả phải chăng hơn so với phẫu thuật thẩm mỹ truyền thống. Các thủ thuật này có thể kể đến chăm sóc da mặt bằng laser, tiêm chất làm đầy (filler), nâng cơ gương mặt.

Hiện tại, chúng ngày càng được ưa chuộng ở Trung Quốc, nơi thu nhập của người dân đã tăng trong thập kỷ qua. So với giá phẫu thuật thẩm mỹ, chúng chỉ tốn khoảng 1/3 giá tiền, theo nghiên cứu của Deloitte.

Nữ người mẫu Li Li đi điều trị bằng tia laser hàng tháng để chỉnh sửa các nhược điểm trên da. Cô thừa nhận cảm thấy áp lực xã hội lớn về vẻ ngoài, khiến bản thân thấy cần liên tục chỉnh sửa ngoại hình của mình.

Sau khi bạn bè nói khuôn mặt của cô không cân đối, Li Li ngay lập tức đi độn cằm để cằm nổi rõ hơn.

“Mọi người đều có chung một tiêu chuẩn về vẻ đẹp trước đây, song điều này đang thay đổi ngược lại”, Zhang nói thêm.

Một thập kỷ trước, bác sĩ thẩm mỹ Yang Kaiyuan cho biết khách hàng thường tìm đến ông, mang kèm hình ảnh của một người nổi tiếng nào đó và nói “muốn trông như này”.

“Ngày nay, nhiều người chỉ hy vọng cải thiện những gì họ đã có, mong mình đẹp như các bức ảnh chụp bằng hiệu ứng trên mạng xã hội”, bác sĩ Yang giải thích.

Theo dữ liệu của công ty tư vấn Frost & Sullivan, các thủ thuật làm đẹp vi mô đang là một phân khúc phát triển với tốc độ nhanh hơn so với phẫu thuật thẩm mỹ truyền thống.

Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ bữa trưa-2
So với phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi các đường nét của gương mặt, các thủ thuật nhỏ hơn vẫn có tác dụng làm đẹp và đỡ tốn tiền hơn.

"Đẹp có nhiều cơ hội hơn"

Tuy nhiên, sự bùng nổ của phân khúc này đang vướng phải các biện pháp siết chặt của chính phủ với ngành công nghiệp làm đẹp.

Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch “thanh lọc” các giá trị xã hội, trong đó bao gồm cả việc kiểm soát giới trẻ chạy đua đụng chạm dao kéo.

Theo quy định mới, các quảng cáo có nội dung gây ra sự lo lắng về ngoại hình, chẳng hạn như hình ảnh so sánh trước và sau khi phẫu thuật sẽ bị cấm. Chính phủ đã thu hàng chục triệu USD tiền phạt trong năm 2021 vì nhiều hành vi vi phạm khác nhau liên quan trong ngành này.

Sai phạm của nhiều cơ sở thẩm mỹ ở Trung Quốc được tóm tắt bằng cụm từ "3 không": kinh doanh không giấy phép, bác sĩ không chứng chỉ, sản phẩm thẩm mỹ không hợp pháp.

Nhiều người tin rằng do nhu cầu thẩm mỹ và số lượng các thẩm mỹ viện ở Trung Quốc tăng cao, thị trường phẫu thuật đã trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.

Năm 2019, 15% trong số 13.000 bệnh viện thẩm mỹ được cấp phép ở Trung Quốc vẫn có hoạt động bên ngoài phạm vi kinh doanh của họ và chỉ 28% bác sĩ trong ngành được cấp chứng chỉ, theo iResearch.

Đầu năm nay, nữ diễn viên Gao Liu chia sẻ lên mạng hình ảnh mình bị hoại tử mũi do nhiễm trùng nặng, hậu quả của ca phẫu thuật hỏng.

Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ bữa trưa-3
Nữ diễn viên Gao Liu bị hoại tử mũi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ hỏng

Đến tháng 7, tin tức về hot girl Tiểu Nhiễm tử vong vì biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ, tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Sau quá trình hút mỡ, nâng ngực kéo dài 5 tiếng tại một phòng khám tư ở tỉnh Chiết Giang, Tiểu Nhiễm trải qua những cơn đau dữ dội. Cô nhập viện hai ngày sau đó và được kết luận bị nhiễm trùng sau phẫu thuật. Sau hai tháng điều trị, bệnh nhân đã qua đời.

Theo Ken Huang, Giám đốc điều hành của bệnh viện thẩm mỹ PhiSkin, mặc dù các vụ việc đau lòng không thiếu, các yếu tố xã hội thúc đẩy giới trẻ Trung Quốc chi tiền phẫu thuật thẩm mỹ hay làm đẹp vẫn lấn át những rủi ro.

Đó là mong muốn dễ thăng tiến sự nghiệp, tăng khả năng tìm kiếm người yêu hay đơn giản hơn là thu hút thêm nhiều sự chú ý trên mạng xã hội.

“Người có ngoại hình đẹp sẽ có nhiều cơ hội hơn những người khác. Nếu bề ngoài bạn không đẹp, cho dù bạn có một tính cách thú vị, thì mọi người cũng có xu hướng bỏ qua việc tìm hiểu”, Huang nói.

Theo ước tính của Hiệp hội Thẩm mỹ Trung Quốc, ngành thẩm mỹ sẽ tăng trưởng lên 46 tỷ USD trong năm nay, so với khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2013.

Ở độ tuổi 20, Kayla Zhang đã lựa chọn thực hiện các thủ thuật làm đẹp vi mô hàng tháng và sẽ giữ thói quen này cho đến khi cô cảm thấy “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dao kéo”.

“Sau này, tôi có thể cần những phương pháp mạnh hơn để níu giữ vẻ trẻ trung”, cô giải thích.

Theo Zing