Nguyễn Khánh Hoàng Anh, một Travel blogger được biết đến danh xưng Mavis Vi Vu Ký đã từng chinh phục 40 tỉnh thành chỉ trong 4 năm đại học. 

Cô chia sẻ: "Sau 4 năm xê dịch, du lịch đã để lại trong mình nhiều điều ý nghĩa. Mình được mở mang tầm mắt trước cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ của Việt Nam. Mình nhận ra rằng đất nước mình đẹp lắm cần chi đâu nước ngoài. Mình hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử, con người của những vùng đất trước đây chỉ được biết qua sách vở.

Mình được thưởng thức 'của ngon vật lạ' khắp các vùng miền. Mình biết thêm về cách dự đoán thời tiết, khi nào sẽ có biển mây, thủy triều và những vụ mùa. Qua những lần leo núi và trekking, mình từng bước vượt qua giới hạn của chính bản thân. Hơn hết, mình có thêm những người bạn dọc miền đất nước, những người sẵn sàng cùng mình đi muôn nơi".

Travel blogger 9X kể lại khoảnh khắc thả rùa về biển, trải nghiệm Côn Đảo độc nhất vô nhị-1
Travel blogger Mavis Vi Vu Ký - Hoàng Anh.  

Đã đi qua nhiều địa điểm rừng núi rồi biển đảo ở Việt Nam, từng ở nhà dân đảo, lặn ngắm san hô, vi vu khắp các cung đường ven biển nhưng chưa một lần cô trải nghiệm cảm giác thả rùa về biển. Với ham muốn tìm tòi, khám phá thế giới tự nhiên, trong chuyến đi Côn Đảo mới đây, blogger 9X quyết định thử trải nghiệm độc nhất vô nhị, không kém phần thú vị này.

Mùa rùa đẻ trứng ở Côn Đảo?

Theo nữ blogger, mùa sinh sản của rùa biển là khoảng tháng 4 đến tháng 10 nhưng cao điểm là tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Vào mùa này có thể có những cơn mưa, nên cần xem thời tiết trước khi đến và trải nghiệm ở Côn Đảo. Trời nắng, biển trong xanh, nhìn thấy đáy với những rặng san hô là thời điểm tuyệt vời nhất. 

Làm thế nào trải nghiệm thả rùa ở Côn Đảo?

Để thả rùa biển hoặc xem rùa đẻ trứng, blogger phải đi tàu đến đảo lân cận. Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh là một trong 14 nơi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo, đồng thời là nơi có lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất.

Vì Bảy Cạnh là hòn đảo thuộc khu vực bảo tồn nên muốn đến phải xin giấy phép. Mỗi lần lên đảo sẽ có giới hạn số lượng người nên không dễ ghé đến chút nào. Cô gái trẻ quyết định chọn tour nửa ngày với mức giá 990.000 đồng/người để chinh phục.

Khoảng 7h sáng, cano đợi ở cầu tàu Côn Đảo, sau đó đưa mọi người đến hòn Bảy Cạnh. Những người kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ, đưa xuống bãi Cát Lớn khi con nước cao và mặt trời chưa gay gắt. Trong lúc chờ đợi, có thể tranh thủ chụp ảnh, ngắm cảnh quan với các loại cây quý hiếm phủ bóng xuống mặt biển trong xanh. 

Travel blogger 9X kể lại khoảnh khắc thả rùa về biển, trải nghiệm Côn Đảo độc nhất vô nhị-2
Những chú rùa con nằm trong chiếc giỏ chờ thời khắc "hoàng đạo". 

Những chú rùa nữ blogger được thả thuộc loại Rùa Xanh (hay còn gọi là Vích). Đây là một trong 7 loại rùa biển quý hiếm nằm trong sách Đỏ, hiện ở cấp độ nguy cấp nên được bảo tồn chặt chẽ. 

Khoảnh khắc mong chờ nhất cũng tới, rời khỏi giỏ, gần trăm chú rùa con chập chững lon ton tự bò xuống biển "cực đáng yêu". Chúng dường như không quên ngoái đầu lại, ghi nhớ nơi mình đã sinh ra. 

"Giây phút đặc biệt ấy để lại cho mình rất nhiều cảm xúc. Mình vừa vui mừng, lại vừa hy vọng cho những bé rùa sẽ an toàn sống sót, để 30 năm sau sẽ quay lại chính bãi cát này đẻ trứng rồi một thế hệ rùa biển tiếp theo lại sinh sôi", cô kể lại.

Travel blogger 9X kể lại khoảnh khắc thả rùa về biển, trải nghiệm Côn Đảo độc nhất vô nhị-3
Những chú rùa bắt đầu hành trình trưởng thành, đối đầu với biển sóng ngoài khơi rồi đây.

Ngoài thả rùa, nữ blogger còn được nghe những người kiểm lâm kể chuyện về quá trình ấp và bảo tồn trứng rùa vất vả nhưng thú vị. Những kiến thức đa dạng về loài rùa biển như trong 1000 rùa con về biển chỉ có xác suất 1 con còn sống sót. 

Trứng rùa nở ra đực hay cái còn tùy thuộc vào nhiệt độ. Hay rùa biển không thể rụt đầu vào mai..."Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" quả không ngoa. Sau chuyến thả rùa này, nữ blogger cảm nhận thực sự đã học được nhiều điều bổ ích.

Trải nghiệm thả rùa còn trọn vẹn hơn khi mọi người đều chủ động không can thiệp vào quá trình về biển của rùa, chẳng hạn không cầm rùa con thả trực tiếp xuống biển. Bởi thời điểm bò trên bãi cát về biển rất quan trọng, giúp rùa "định vị" được nơi mình sinh ra. Đến khi trưởng thành, rùa biển sẽ quay lại chính nơi chào đời để đẻ trứng.

Travel blogger 9X kể lại khoảnh khắc thả rùa về biển, trải nghiệm Côn Đảo độc nhất vô nhị-4
Nữ blogger hi vọng 30 năm sau, những chú rùa con ngày hôm nay sẽ an toàn trở về nơi chúng sinh ra, đẻ trứng để tiếp nối một thế hệ mới.

Ngoài trải nghiệm thả rùa “độc nhất vô nhị”, blogger Mavis Vi Vu Ký còn có những kỷ niệm đáng nhớ khác ở Côn Đảo. 

Cô nhớ lại, thời điểm đi viếng mộ Cô Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương. Giữa đêm khuya tĩnh mịch, mùi hương khói vẫn nghi ngút bởi đông người tới viếng. Bên cạnh mộ Cô Sáu, còn vô số những nấm mồ có tên hoặc vô danh. Trong đêm tối, tất cả đều được thắp bởi những nén nhang, đủ rực sáng cả một vùng trời đêm.

Blogger bày tỏ: "Không biết sao lúc ấy mình thấy rất xúc động. Mình cảm thấy vô cùng biết ơn và trân trọng nền hòa bình hiện tại vốn được đánh đổi bằng xương máu của ông cha ta ngày xưa".

Chuyến đi đến Côn Đảo lần này, không chỉ có biển xanh, cát trắng và nắng vàng. Côn Đảo còn là nơi với nhiều địa điểm văn hóa tâm linh, di tích lịch sử về một thời tù đày nô lệ. Hiếm hoi có nơi nào như Côn Đảo khiến nữ blogger rời khỏi, không chỉ mang theo ký ức biển trời mà còn học được những bài học từ thiên nhiên, lịch sử và văn hóa. 

Dĩnh Anh (Ảnh NVCC)
Theo Vietnamnet