Bệnh này thường xuất hiện ở trẻ nhỏ.
Cần đề phòng những cơn đau bụng không rõ nguyên nhân
BS Lã Thanh Nga, Bệnh viện nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, túi thừa Meckel không có chức năng gì nhưng rất nguy hiểm khi có biến chứng vì ít khi được chẩn đoán đúng và kịp thời. Túi thừa Meckel là dị dạng thường gặp nhất trong các dị dạng bẩm sinh của ruột non với khoảng 2% dân số. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và ở bé trai. Bệnh không có biểu hiện lâm sàng trừ khi có biến chứng.
Tỉ lệ biến chứng khi mang dị tật này là 4-16% và sẽ đưa đến một tỉ lệ tử vong đáng kể, hầu hết là do chẩn đoán muộn. Tỉ lệ mắc biến chứng của túi thừa Meckel gặp nhiều nhất vẫn là tắc ruột, kế đến là xuất huyết tiêu hóa. Trong khi đó, tỉ lệ biến chứng viêm phúc mạc do thủng túi thừa cũng cao. Có thể do các trường hợp viêm túi thừa được phát hiện muộn hơn, do đó, khả năng dẫn tới thủng túi thừa viêm cao hơn, BS Nga cho biết thêm.
Túi thừa Meckel thường nằm ở bờ tự do của ruột và đây cũng là điểm khác biệt giữa túi thừa (diverticule intestinal) và ruột đôi (duplication intestinal). Ruột đôi cũng là một dị dạng bẩm sinh của ống tiêu hóa, ruột đôi thường xuất hiện dưới một nang có thể thông hoặc không thông với ruột nhưng bao giờ cũng nằm phía bờ mạc treo của ruột. Túi thừa Meckel là 1 bất thường bẩm sinh được cấu tạo 3 lớp như ruột non. Nó thường chứa nhiều loại mô khác nhau, trong đó niêm mạc dạ dày chiếm 50%.
Theo BS Nga, túi thừa Meckel có thể đi kèm với triệu chứng đau bụng, bệnh nhân có thể có thêm những biểu hiện như mệt mỏi, thiếu máu và thường có 1 bệnh sử xuất huyết tiêu hóa mạn tính. Đặc biệt, niêm mạc dạ dày ở trong túi thừa tiết axit gây nên một tình trạng lở loét mạn tính ở thành ruột, có thể phá hủy các tế bào niêm mạc hồi tràng cạnh nó. Vì thế, khi bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết ống tiêu hóa thấp, không đau thì túi thừa Meckel phải luôn được nghĩ đến.
Ngoài ra, biểu hiện triệu chứng túi thừa Meckel cũng có thể do ruột non xoắn vào dải xơ nối giữa ống noãn hoàng với thành bụng; do túi thừa làm lồng ruột và tắc nghẽn; do khối u phát sinh ở thành túi thừa gây lồng ruột và thoát vị bẹn. Bệnh nhân có thể đau liên tục hay đau quặn bụng từng cơn, đau nhiều ở vùng quanh rốn…
Túi thừa Meckel thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Chẩn đoán sớm giúp điều trị đúng cách
Cũng theo BS. Lã Thanh Nga, việc chẩn đoán túi thừa Meckel vẫn là một thách thức với thầy thuốc lâm sàng. Theo một nghiên cứu của BS Nga, chỉ có 5,8% chẩn đoán lúc nhập viện đúng, có liên quan đến túi thừa Meckel. Một nghiên cứu khác còn cho thấy, tất cả các trường hợp biến chứng của túi thừa Meckel đều được chẩn đoán ban đầu là một bệnh nội hay ngoại khoa khác.
Gần đây, sự phát triển của siêu âm đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán trước mổ các biến chứng của túi thừa Meckel. Riêng cho xuất huyết tiêu hóa do túi thừa Meckel. Riêng cho xuất huyết tiêu hóa do túi thừa Meckel, siêu âm có độ nhạy là 100% và độ đặc biệt là 80%. Còn đối với viêm túi thừa, siêu âm có độ nhạy là 100% và độ đặc hiệu 90%. Rõ ràng, siêu âm có giá trị cao trong phát hiện túi thừa Meckel, đặc biệt trong biến chứng xuất huyết.
BS Nga khuyến cao, nên dùng siêu âm là xét nghiệm đầu tiên trong chẩn đoán nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa. Bởi chẩn đoán lúc đầu đúng liên quan đến biến chứng của túi thừa Meckel đến 73,5%. Đây là một tỉ lệ khá cao do được áp dụng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại để có được chẩn đoán chính xác hơn.
Khị bị túi thừa Meckel đa số bệnh nhi được mổ mở cắt hồi tràng chứa túi với biến chứng sau mổ thấp và không có tử vong. Theo nhiều nghiên cứu, 40-50% trường hợp biến chứng của túi thừa Meckel có mô lạc chỗ trong túi thừa. Bs Nga cho biết về mặt lâm sàng, sự có mặt của mô lạc chỗ là nguyên nhân gây các biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa nặng do mô dạ dày lạc chỗ, tắc ruột và lồng ruột do mô tụy lạc chỗ.
Vì thế, trẻ nhỏ, thường dưới hai tuổi bị chảy máu trực tràng hay có triệu chứng của lồng ruột như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và đi cầu phân máu, bị đau bụng không rõ nguyên nhân hoặc xuất huyết dạ dày… cần nghĩ ngay viêm túi thừa Meckel.
Theo Trí thức trẻ