Những ngày qua, thời tiết chuyển mùa, số trẻ em bị sốt virus và nhiễm cúm tăng đột biến, phải nhập viện điều trị.

Vật vờ vì cúm

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết những ngày cuối tuần qua, nơi đây đã tiếp nhận gần 20 trẻ nhập viện do cúm A. Đa số các trẻ đều có triệu chứng ban đầu là sốt, ho, khò khè, sổ mũi. Đơn cử, bệnh nhi T.V.L (18 tháng tuổi, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện ngày 28-1 nhưng đến nay vẫn chưa hết sốt.

Theo mẹ cháu L., một ngày trước khi nhập viện, cháu có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, khò khè. Gia đình làm nhiều cách để hạ sốt nhưng không có kết quả nên vội đưa cháu nhập viện. “Bác sĩ chẩn đoán cháu nhiễm cúm kèm viêm phổi. Tôi không hiểu vì sao con nhiễm bệnh bởi cả tuần qua trời lạnh, cháu chỉ loanh quanh chơi trong nhà. Đã nhiều ngày nằm viện rồi nhưng vẫn phải truyền dịch bởi ăn vào là cháu bị nôn” - mẹ bé L. mệt mỏi nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Tuấn (ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cô con gái 18 tháng tuổi vừa xuất viện 2 ngày vì sốt siêu vi thì cuối tuần qua lại phải nhập viện do bị sốt trở lại. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán nhiễm virus cúm A.

Bác sĩ Hải cảnh báo: “Thời tiết thay đổi thất thường kèm theo mưa kéo dài tạo cơ hội cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các loại virus cúm mùa. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em vì hệ miễn dịch còn yếu, nhất là các cháu dưới 2 tuổi”.

Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Lê Hồng Hanh, Phó trưởng Khoa Hô hấp, thông tin tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, sốt virus nặng tăng khoảng 30%.

Trẻ bị viêm đường hô hấp do virus cúm nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Trẻ bị viêm đường hô hấp do virus cúm nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Dễ lây lan thành dịch

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời điểm cuối đông đầu Xuân với thời tiết lạnh và ẩm rất thuận lợi cho virus cúm phát triển, nhất là cúm A và cúm B. Kết quả đánh giá tại các điểm giát sát cúm quốc gia trong tháng 12-2015 cho thấy tỉ lệ nhiễm cúm A chiếm 11%, cúm A/H1N1 chiếm gần 13% và cúm A/H2N3 là 76%. Với chủng virus cúm A/H1N1, kết quả phân tích gien cho thấy chưa có sự biến đổi gien của chủng virus cúm H1N1 gây đại dịch từng được phát hiện vào năm 2009.

Ông Phu phân tích virus cúm mùa dễ dàng lây bệnh từ người sang người qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Cũng có thể nhiễm virus cúm do tiếp xúc vật dụng bị nhiễm virus. Việc sử dụng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus. Khi một người bị nhiễm virus cúm thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã phát tán virus ra môi trường cho đến 7 ngày sau đó. Trẻ em có thời gian phát tán virus lâu hơn. Cúm là bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Virus có thể tồn tại từ 2 - 8 giờ sau khi bám vào các bề mặt đồ vật.

“Tuy không nguy hiểm như cúm A/H5N1, A/H7N9 nhưng những người nhiễm cúm mùa có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh mạn tính và suy giảm miễn dịch đặc biệt rất dễ mắc. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm” - ông Phu nói.

Để phòng cúm, ông Phu khuyến cáo người dân, nhất là trẻ em, nên được chích ngừa vắc-xin phòng cúm. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt 96%-97%. Ngoài ra, nếu một người đang mắc bệnh cúm thông thường mà lại nhiễm thêm virus cúm gia cầm (H5N1, H7N9, H5N6) thì các loại virus này có thể kết hợp với nhau tạo nên một biến thể mới khiến việc lây truyền cúm từ người sang người mạnh hơn, từ đó gây ra đại dịch cúm.

Biến chứng nguy hiểm

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho rằng cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 tuần mà không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm trẻ biến ăn, mệt mỏi. Nếu người nhà không chăm sóc đúng cách khi trẻ bị cúm có thể làm bệnh tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...

“Dù chỉ là cúm mùa thông thường nhưng nếu trẻ mắc bệnh kèm theo các yếu tố như: sốt cao liên tục không hạ được nhiệt, trẻ dưới 2 tuổi, trẻ bị viêm phổi tái phát, viêm phế quản co thắt và có bệnh khác kèm theo sẽ được chỉ định nhập viện điều trị” - bác sĩ Hải lưu ý.

TP HCM vẫn đang theo dõi

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, xác định hiện cúm A tại phía Nam chưa có gì bất thường. Trung tâm vẫn đang theo dõi dịch bệnh này cùng 28 loại dịch bệnh khác. Nếu có những diễn biến bất thường sẽ triển khai các giải pháp y tế cần thiết.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, lưu ý trong điều kiện thời tiết lạnh sẽ phát sinh một loại virus rất nguy hiểm, đó là virus hợp bào hô hấp (RSV). Virus này nếu tấn công trẻ dưới 2 tuổi thì đến 90% có biểu hiện viêm tiểu phế quản. (Ng.Thạnh)

Theo Người lao động