Trẻ súc miệng nước giẻ lau: Trường sư phạm vắng môn đạo đức nhà giáo

Theo bà Ninh Thị Hồng, hình phạt của cô giáo ở Hải Phòng khiến trẻ có cảm giác bị đối xử như kẻ thù. TS Vũ Thu Hương cho hay chương trình đào tạo ở trường sư phạm thiếu kỹ năng.

Một tháng 6 công văn chỉ đạo: Bộ GD&ĐT chưa hành động mạnh mẽ

Chỉ trong một tháng, Bộ GD&ĐT đã “yêu cầu xử lý nghiêm” 6 lần sau các vụ việc liên quan học sinh - giáo viên, cô giáo - phụ huynh.

Đầu tháng 3 là trường hợp giáo viên ở Long An bị phụ huynh ép quỳ vì cô này phạt học sinh quỳ gối, khiến các em sợ phải nghỉ học.

Tiếp đó, thầy giáo tại trường THCS Tân Thành, Nghệ An, bị anh trai của học sinh đánh dập mũi để “trả thù”. Cũng ở Nghệ An, giáo viên thực tập tại trường Mầm non Việt - Lào bị phụ huynh đánh, bắt quỳ, dù đang mang thai.


Trường Tiểu học An Đồng, nơi xảy ra vụ việc cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng. Ảnh: Song Linh.

Cuối tháng 3, một nữ sinh trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) vừa khóc vừa kể về giáo viên dạy Toán suốt một học kỳ lên lớp không hề nói gì, không giảng bài, chỉ im lặng khiến học trò sợ hãi.

Ngày 5/4, một học sinh ở Quảng Bình, sau khi bị giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở vì hình xăm trên người, đã thủ sẵn dao bấm đâm thầy giáo trọng thương.

Sau các vụ việc, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu “xử lý nghiêm”, “cảnh cáo trước toàn ngành”.

GS.TS Phạm Như Hải, nguyên trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, cho hay nếu học sinh ngậm nước giặt giẻ lau bảng với số lượng ít, sau đó nhổ ra đánh răng sạch thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, chúng ta cần xem trong nước giặt giẻ có chất gì đặc biệt có tính chất kết dính không, nếu là phấn với số lượng nhiều cũng gây hại vì làm từ vôi tôi có tính chất kiềm hóa, hại đến răng.

Trường hợp học sinh nuốt nước giặt giẻ lau bảng, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng dạ dày, ruột, có thể gây ra viêm dạ dày, ảnh hưởng sức khỏe.

GS.TS Vũ Tuấn - nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng Bộ GD&ĐT phải cử thanh tra về tận từng vùng miền để làm việc. Chỉ khi nào xử lý triệt để mới không có những lần tái phạm.

Hiện tại, Bộ GD&ĐT mới chỉ dừng lại ở việc gửi công văn yêu cầu địa phương xử lý, báo cáo. Việc làm này chưa mạnh mẽ và có phần thiếu trách nhiệm.

PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Phát triển Tiềm năng Con người Việt Nam - nêu quan điểm nếu là bộ trưởng GD&ĐT, ông sẽ viết tâm thư gửi đến phụ huynh để hướng vào lòng tự trọng với mong muốn có tương lai tốt đẹp cho con, khơi gợi trách nhiệm của họ. Bởi hiện nay, nhiều người sống không có khuôn phép hoặc không hiểu biết về pháp luật.

GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng GD&ĐT - đề xuất trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là xây dựng quy định cụ thể về hình phạt, những việc không được làm trong trường học để thống nhất trên toàn quốc. Có trường ở Hà Nội quy định hành vi, kỷ luật, quan hệ trong nhà trường nhưng chưa thành mẫu hình chung trong toàn quốc

Công tác quản lý địa phương có vấn đề

Với sự việc xảy ra ở Hải Phòng, bà Ninh Thị Hồng - phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam - cho rằng câu chuyện gần đây về việc giáo viên ép phụ huynh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng là hồi chuông cảnh tỉnh với việc quản lý giáo dục của các cấp từ nhà trường tới chính quyền địa phương.

“Tôi băn khoăn tại sao giáo viên mới hợp đồng lại làm công tác chủ nhiệm? Điều này đặt ra câu hỏi có phải cô giáo là con ông cháu cha? Việc quản lý có vấn đề gì? Học sinh tiểu học mỗi lớp chỉ có một cô giáo vừa chủ nhiệm vừa dạy học, lại để cô giáo hợp đồng làm, không có sự kèm cặp của người có kinh nghiệm. Việc này nếu không được phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng bao nhiêu trẻ em nữa?”, bà Hồng thẳng thắn đặt câu hỏi.


Bà Ninh Thị Hồng - phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: M.T.

Đồng tình với ý kiến này, GS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nói sự việc cô giáo ở TP.HCM hơn 3 tháng không giảng bài là điển hình cho việc quản lý lỏng lẻo.

“Tại sao cô giáo chỉ lên lớp ghi bài, không giảng, kéo dài suốt 4 tháng mà hiệu trưởng không biết để xử lý sớm. Sự việc phụ huynh ép giáo viên quỳ ở Long An, trách nhiệm của hiệu trưởng ở đâu?”, ông Khuyến đặt câu hỏi.

Sinh viên sư phạm không học về đạo đức nhà giáo

Trước hàng loạt sự việc được nêu ra, nhiều chuyên gia giáo dục và dư luận đặt câu hỏi về vấn đề đào tạo ở các trường sư phạm.

Theo TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm còn thiếu nhiều kỹ năng.

Sinh viên năm nào cũng được học môn Thực hành Sư phạm với nửa kỳ lý thuyết, nửa kỳ thực hành nhưng chỉ nghiêng về xử lý các tình huống thường thấy trong lớp học như: Học sinh hỏi quá nhiều thì phải làm thế nào? Các em nói chuyện riêng thì làm thế nào?

Chương trình hiện nay thiếu các nguyên tắc, chuyên đề cụ thể, ví dụ: Đánh giá trước hành động, suy nghĩ của học sinh để dự đoán biểu hiện cụ thể, đơn giản như khi các em sắp ngủ gật (mắt lờ đờ), trêu chọc ai đó (nhìn láo liên)…

Việc ứng xử với phụ huynh cũng được thể hiện ở mục Ứng phó với tình huống nhưng số lượng tình huống còn ít, thiếu trường hợp ví dụ bất ngờ, hay ứng xử với phụ huynh “cá biệt”. Chương trình cũng không nêu thành chuẩn quy tắc thế nào là đúng đạo đức, thế nào cho an toàn…

Ngoài ra, cũng không có bộ môn Đạo đức Nhà giáo hay dạy cách thưởng phạt cho học sinh trong trường sư phạm.

Theo TS Vũ Thu Hương, cần điều chỉnh văn hóa học đường bằng cách người quản lý phải thay đổi phương pháp đánh giá giáo viên dựa vào thành tích. Giáo viên trước khi ký hợp đồng phải có cam kết nếu bạo lực với học sinh sẽ bị đuổi việc.

"Giáo viên cần có tâm với nghề và có lòng kiên nhẫn với học sinh. Không có bộ môn Đạo đức Nhà giáo, giáo viên có thể làm tốt công việc của mình?", TS Vũ Thu Hương đặt câu hỏi.

Theo Zing


bạo hành trẻ em bạo lực học đường

Tin tức mới nhất