Những ngày qua, nội ô TP Cần Thơ ngập nghiêm trọng do ảnh hưởng của triều cường.
Người nhà, bệnh nhân thay nhau tát nước
19h ngày 2/10, tại Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, sau khi nghe xong bản tin dự báo thời tiết, thấy nước ngấp nghé cửa phòng bệnh, bà Trần Thị Bé (65 tuổi) rủ những người cùng nằm tại khu nội trú đi xung quanh tìm gạch, đá để dựng tấm chắn ngay cửa ra vào ngăn nước tràn vào trong.
Bệnh nhân cùng người nhà làm tấm chắn ngăn triều cường tối 2/10 (Ảnh: Bảo Trân).
"Dựng lên vậy nước đỡ tràn vô phòng. Ngày thường không có nước lên, người nuôi bệnh trải chiếu nằm dưới đất. Nước lên thì chịu khó nằm 2 người một giường", bà Bé vừa nói vừa cầm tấm bìa cứng đưa cho người khỏe nhất phòng chặn nước.
Nhiều ngày qua, bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện tim mạch Cần Thơ phải sống chung với triều cường. Đều đặn mỗi ngày 2 buổi, họ thay phiên lau dọn, tát nước, kê đồ lên cao.
"Buổi sáng có khi 5h nước lên rồi rút, dọn dẹp kéo dài đến trưa. Sáng có các cô hộ lý quét và lau liên tục. Tối không có các cô trực, người nhà và bệnh nhân thay phiên nhau lau dọn đến 10h đêm mới ngủ; có khi ẩm nước không ngủ được, cứ trằn trọc đến sáng", bà Bé kể.
Bà Bé cho biết khi nước ngập, 2 người sẽ nằm cùng một giường bệnh thay vì trải chiếu nằm trên nền gạch như mọi khi (Ảnh: Bảo Trân).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Dương Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, cho biết bệnh viện hiện có 2 phòng bệnh nội trú bị ngập, một phòng X-quang bị ảnh hưởng trực tiếp do đợt triều cường này.
"Tại khu vực nội trú, triều cường lên nếu ngập các bác sĩ sẽ mang ủng vào thăm khám cho bệnh nhân. Không chỉ bác sĩ gặp khó khăn mà bệnh nhân cũng thiệt thòi trong việc sinh hoạt. Sau khi nước rút, bệnh viện có bố trí nhân lực vệ sinh liên tục, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân đến khám và điều trị", bác sĩ Vũ cho hay.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện tim mạch Cần Thơ, bệnh viện đã bố trí máy bơm thoát nước đặt tại các phòng khám; một số hành lang được xây cao ngăn nước.
Bệnh nhân đi lại khó khăn khi nước dâng ngập một số nơi trong bệnh viện (Ảnh: Bảo Trân).
Sáng tát nước đến trưa, chiều tát nước đến tối
Tối 2/10, một đoạn đường Đề Thám dẫn ra hồ Xáng Thổi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị ngập nghiêm trọng. Xung quanh tuyến phố sầm uất này chỉ nhìn thấy nước, khác xa khung cảnh hoạt náo ngày thường. Chủ các quán ăn người bấm điện thoại chờ nước rút, người ngao ngán nhìn sóng nước dập dờn chẳng khác gì dòng sông.
Dùng xô tát liên hồi mà nước vẫn lấn vào nhà, đến tận giường ngủ, bà Triệu Tú Hoa (65 tuổi) thở dài: "Thùng này là thùng thứ 230 rồi đó, tối hôm qua nước lên tôi dọn phải mất 3-4 tiếng. Hôm nay gần 8h tối nước mới tràn vào, chắc thức tới sáng để dọn quá".
Bà Hoa một mình múc hàng trăm xô nước từ trong nhà ra ngoài (Ảnh: Bảo Trân).
Bà Hoa sống trên đường Đề Thám từ năm 1975 đến nay. Bà từng chứng kiến rất nhiều con nước lớn nhưng khoảng 3 năm trở lại đây mới bắt đầu làm quen với việc chống triều cường.
Những ngày triều cường dâng cao, đường ngập nặng, bà Hoa chỉ có thể "chôn chân" sau xe bán bánh ướt mưu sinh của mình. Có lúc chiếc xe bán bánh để trong xó, buổi đó bà Hoa chẳng kiếm được đồng nào.
"Nghỉ bán đến nay 5 ngày rồi, ngày nào cũng phải sáng tát đến trưa, chiều tát đến tối, không còn sức để làm thêm chuyện khác", bà Hoa vừa hì hục tát nước vừa nói.
Là hộ kinh doanh lâu đời ở khu phố ăn uống Đề Thám, bà Nguyễn Ngọc Hương cũng vật vã quét dọn 2 lần mỗi ngày sau khi triều cường rút.
"Hễ ngập thì mình dọn hàng vô, ngập mà để hàng đó cũng không ai ghé. Sáng dọn hàng ra bán trễ một chút, tối thì dọn sớm hơn mọi khi", bà Hương nói thuần thục công việc trước ảnh hưởng của triều cường.
Bà Nguyễn Ngọc Hương dọn dẹp sau khi nước dâng ngập quá nửa mét (Ảnh: Bảo Trân).
Suốt 3 năm nay, bà Hương đã quen với cảnh triều cường ở nơi mình sống. Bà cho thợ xây vách ngăn nước cao hơn 0,5m so với nền nhà bên trong. Vậy mà, mỗi năm mực nước lại cao thêm một chút, năm nay nước tràn vào tận nhà bếp.
"Dù đã chuẩn bị máy bơm nhưng mỗi khi nước lên tôi vẫn phải chật vật quét dọn toàn bộ nền nhà", bà Hương rầu rĩ.
Theo Dân Trí