Thầy giáo đưa trò xuống bể bơi mà cầm điện thoại là khó chấp nhận
Tối qua, 23/8, thầy giáo dạy bơi trong tiết học có nam sinh lớp 9 đuối nước tại Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án cũng đã được khởi tố.
Theo tường thuật, sự việc xảy ra vào ngày 22/8, lớp 9A1 Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam có tiết bơi trong thời gian 13h20-14h, do giáo viên T.L.T. phụ trách.
Khoảng 13h20, giáo viên T. tập trung 27 học sinh lớp 9A1 tại khu vực bể bơi. Sau khi khởi động, lớp chia làm 2 nhóm. Một nhóm tự chơi thể thao ở sân trường, một nhóm gồm 11 học sinh được giáo viên T. dẫn vào bể thực hành.
Tuy nhiên, giáo viên T. không phổ biến, hướng dẫn học sinh mà để cho các em tự do xuống bể bơi. Còn bản thân giáo viên T. ngồi trên bờ và sử dụng điện thoại trong suốt tiết học.
Khi học sinh P.H.A. vùng vẫy rồi bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên T. vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, hoàn toàn không hay biết về sự việc. 20 phút sau đó, ông T. gọi các học sinh lên bờ, cho lớp tự giải tán, không điểm danh và không biết về sự vắng mặt của em P.H.A.
Chỉ đến khi nhân viên dọn bể bơi vào khu vực bể vệ sinh mới phát hiện sự việc.
TS. Nguyễn Thị Hiền Thanh - Giám đốc Trung tâm thể thao Hoa Sen, Trưởng ngành kinh tế thể thao của Trường Đại học Hoa Sen - chia sẻ: "Tôi cảm thấy gai người khi nghe về vụ việc".
Bà Hiền Thanh đánh giá thầy giáo T.L.T. thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong một chuỗi hành vi nếu sự việc diễn ra đúng như thông tin do cơ quan chức năng cung cấp ban đầu.
Theo bà Hiền Thanh, giáo viên bơi và huấn luyện viên (HLV) bơi đều phải có kỹ năng phòng chống đuối nước cho chính bản thân mình và người học. Họ có nhiệm vụ phải giáo dục cho người học giá trị của việc học bơi, những nguy cơ và các mối nguy hiểm khi xuống nước, các quy tắc bắt buộc phải tuân thủ khi xuống nước.
Việc phổ biến, hướng dẫn học sinh về những quy tắc này và yêu cầu tuân thủ quy tắc trước khi xuống bể là bắt buộc.
Một bể bơi được trang bị nhân viên cứu hộ tại thành phố Huế (Ảnh: HH)
Trong quá trình dạy bơi, giáo viên và HLV phải tập trung hướng dẫn, quan sát, kịp thời nhận biết nguy cơ và phát hiện sự cố. Việc thầy giáo ngồi một chỗ sử dụng điện thoại mà không quan sát là khó chấp nhận theo quan điểm của TS. Hiền Thanh.
"Tôi vẫn nói, trong các ngành nghề khác, hoặc trong chính nghề dạy học ở các môn học khác, thiếu trách nhiệm có thể không gây ra hậu quả nhìn thấy được. Nhưng trong lĩnh vực bơi lội, thiếu trách nhiệm là thấy hậu quả ngay, thậm chí là hậu quả rất đau lòng", TS. Hiền Thanh chia sẻ.
Nhiều giáo viên bơi lội thiếu kỹ năng ứng phó tình huống và trách nhiệm nghề nghiệp
Bà Hiền Thanh cho hay, trường hợp như giáo viên T.L.T. không hiếm. Tình trạng các thầy dạy bơi thiếu kỹ năng ứng phó tình huống và thiếu hiểu biết về vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp khá phổ biến.
Nguyên nhân là trường đại học chuyên ngành chỉ giảng dạy các nội dung liên quan tới kỹ thuật mà không chú trọng đào tạo kỹ năng ứng phó với các tình huống sẽ xảy ra trong thực tế, cũng như không nhấn mạnh vào ý thức trách nhiệm của người làm công việc dạy bơi khi nó liên quan trực tiếp tới an toàn tính mạng của người học.
Cũng theo bà Hiền Thanh, với các bể bơi học đường, theo nguyên tắc phải có nhân viên cứu hộ khi có học sinh ở bể bơi.
"Tất cả giáo viên dạy bơi phải có chứng chỉ cứu hộ nhưng khi giáo viên ở dưới bể, tầm nhìn hạn chế, cùng lúc dạy nhiều học trò sẽ khó quan sát tổng thể. Do đó, trên bể bơi phải luôn luôn có nhân viên cứu hộ quan sát ở tầm nhìn xa. Bể bơi trường học phải tuân theo quy định này khi hoạt động", TS. Hiền Thanh khẳng định.
Theo Dân Trí