Giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, số nhóm nhạc Kpop bán được trên 1 triệu bản cho một album chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, việc một nhóm nhạc đạt danh hiệu triệu bản không hề hiếm, ngay cả với những tân binh chỉ mới hoạt động 1,2 năm. 

Một phần nguyên nhân là do Kpop đã mở rộng được đến những thị trường vốn nổi tiếng khó tiếp cận và có sức mua cao như Bắc Mỹ, châu Âu,... Dù vậy, việc "lạm phát album" - như cách gọi của nhiều fan Kpop ngày nay cũng khiến các công ty quản lý đứng trước áp lực phải đẩy doanh số album để tạo số liệu đẹp cho nghệ sĩ nhà mình.

Trò gian lận giúp các nhóm nhạc Kpop bán hàng triệu bản album-1

Ngoài những bài kick sale thông thường như hạ giá album, phát hành nhiều version, tặng nhiều quà đi kèm,... các công ty giải trí Kpop có một "chiêu trò" thậm chí có thể đẩy doanh số lên hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu album. 

Một trong những số liệu album được chú ý nhất ở Kpop là doanh số album tuần đầu. Ở Hàn Quốc, có hai nền tảng thống kê doanh số này là Circle (trước là Gaon) và Hanteo. Hai nền tảng này có hai cách thống kê doanh số album khác nhau.

Gaon đếm số album bán ra bằng cách ghi nhận số lượng album được sản xuất tại nhà máy. Trong khi đó Hanteo đếm số album dựa trên doanh thu của các cửa hàng phân phối. 

Lấy ví dụ công ty X sản xuất 1 triệu album, phân phối cho cửa hàng A và B. Cửa hàng A và B sau đó bán được lần lượt 100.000 bản và 200.000 bản trong tuần đầu tiên phát hành. Như vậy, Gaon sẽ ghi nhận doanh số album là 1 triệu bản, trong khi Hanteo chỉ là 300.000 bản. 

Trò gian lận giúp các nhóm nhạc Kpop bán hàng triệu bản album-2
Hanteo sẽ liên kết với các cửa hàng bán album Kpop để đếm doanh số thực của các nhóm nhạc

Dễ nhận thấy cách thống kê của Gaon khá lỏng lẻo vì nếu muốn, công ty có thể nâng số liệu bằng cách sản xuất album số lượng lớn. Cách của Hanteo nghe có vẻ sát với thực tế hơn, nhưng không hoàn toàn chống được gian lận. 

Vẫn lấy ví dụ ở trên, sau khi phân phối album cho cửa hàng A và B, công ty X chấp nhận chi tiền túi mua 700.000 album do chính mình sản xuất trước đó để tạo thành tích comeback tuần đầu cho nghệ sĩ. Công ty X sau đó sẽ dồn dập tổ chức các buổi fansign để kích cầu mua album. 

Thậm chí nếu như sau khi tổ chức fansign hàng loạt mà vẫn chưa bán được hết 700.000 album đã mua trước, công ty có thể cho idol dời ngày comeback để tiếp tục làm fansign. Trong trường hợp xấu hơn khi fansign không hiệu quả, công ty sẽ tiêu thụ album còn thừa bằng cách tặng kèm khi fan mua album mới. 

Trò gian lận giúp các nhóm nhạc Kpop bán hàng triệu bản album-3

Vòng lặp này sẽ vẫn tiếp diễn cho các album tiếp theo, chỉ với một mục tiêu duy nhất là thao túng truyền thông, đem lại thành tích ảo cho nghệ sĩ

Để phát hiện các nhóm gian lận theo cách này cũng khá đơn giản. Ví dụ như nhóm Y có doanh số tuần đầu 1 triệu album, sau đó dù liên tiếp tổ chức fansign nhưng số liệu vẫn đứng yên thì nhóm đó đã được công ty chi tiền trước để lấy thành tích.

Ngược lại, nhóm Z ghi nhận lượng album bán ra tăng ổn định, đặc biệt tăng mạnh sau mỗi đợt fansign thì có lượt sale tuần đầu "thuần" và không có tác động xấu từ công ty. 

Như Quỳnh
Theo VietNamNet