Tối 28/11 tại Hà Nội, chương trình nghệ thuật Hà Nội, ngày… tháng… năm…, Những thanh xuân rực rỡ đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Đây là vở diễn đã giúp cho nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long giành được 3 giải vàng, 3 giải bạc cá nhân, 2 giải thưởng cho nhạc sĩ và đạo diễn cùng tấm Huy chương vàng toàn đoàn tại Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt 2 - 2018.
Trái với suy nghĩ về một chương trình "văn công, văn nghệ", mang tính chất dự thi là chính, những khán giả đến xem Hà Nội, ngày… tháng… năm… đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với những phần âm nhạc đầy tính lớp lang, diễn xuất ấn tượng, sân khấu biến đổi mang hơi hướm nhạc kịch broadway.
Cảnh trong vở diễn "Hà Nội, ngày... tháng... năm...".
Chương trình được chia làm 3 phần rành mạch là "Hà Nội nhớ", "Thời thanh xuân rực lửa" và Những thanh xuân rực rỡ". Thông qua câu chuyện tình yêu của một đôi bạn trẻ, bộ ba Tấn Minh (chỉ đạo nghệ thuật), Trần Ly Ly (đạo diễn sân khấu) và Dương Cầm (giám đốc âm nhạc) đã tái hiện một Hà Nội xưa hào hùng, bi tráng và một Hà Nội nay trẻ trung, mạnh mẽ.
Chương trình mở màn với tiết mục Ngược dòng và Giấc mơ tôi đầy ám ảnh. Dù không có nhiều lời thoại, nhưng sự sắp xếp các ca khúc đã toát lên một tinh thần "rất Hà Nội". Ở đó vừa có những nét đẹp Tràng An, vừa có những cảm xúc về tình yêu, tuổi trẻ và cả sự nhiệt huyết.
Hồng Nhung là khách mời đặc biệt cho phần đầu của chương trình. Là ca sĩ gốc Hà Nội, lại có cả kỹ năng diễn xuất và ca hát để vẽ nên một thanh xuân rực rỡ của người con gái Hà Thành - Hồng Nhung là khách mời phù hợp nhất của chương trình.
Diva Hồng Nhung.
Diva "thổi hồn" vào ca khúc Phố à phố ơi một cách nhẹ nhàng, tinh tế và đầy sâu lắng, gợi lên những ký ức về một Hà Nội đẹp đẽ. Không "lên đồng" ma mị, không trưng trổ kỹ thuật với những nốt ngân lê thê, Hồng Nhung dùng chính kỹ thuật thanh nhạc của mình để điều tiết cảm xúc khiến Phố à phố ơi vang lên như một lời tự sự ngắn gọn, thủ thỉ, chân tình va da diết.
Vì quá xúc động, Hồng Nhung đã lặng lẽ rơi những giọt nước mắt khi Phố à phố ơi khép lại hòa cùng tiếng vỗ tay của khán giả Hà Nội. Cô còn trình diễn ca khúc Về với đông nhưng vì lý do sức khoẻ mà diva đã không thể hiện trọn vẹn, bị hụt hơi và hát không rõ lời.
Được biết, Hồng Nhung đã phải vào viện một ngày trước khi đêm diễn diễn ra. Dù phải hủy tất cả show từ trong đến ngoài nước vì vấn đề sức khỏe nhưng cô vẫn tham dự chương trình Hà Nội, ngày... tháng... năm... để tròn vai. Ngay sau chương trình, Hồng Nhung lại phải tiếp tục nhập viện.
Tiếp nối chương trình, nếu như Mãi vẫn là tuổi thơ tôi, Hà Nội qua giọng hát trầm lắng của Phương Nga và Đức Trung khiến nhiều người khắc khoải, bồi hồi nhớ về Hà Nội với những con phố tuổi thơ, một thời học sinh nông nổi thì ca khúc Cuộc đời tôi lại được nữ ca sĩ Khánh Linh thể hiện bằng giọng hát "độc và lạ", mang lại cảm giác day dứt về một Hà Nội xưa cũ đau thương.
Hà Nội nhớ khép lại, mở ra "Thời thanh xuân rực lửa" đầy nhiệt huyết với tiết mục Accabella: Hà Nội, ngày... tháng... năm cùng Lá thư viết vội do Đông Hùng và Bảo Trâm thể hiện, cho đến Gọi anh do ca sĩ Hiền Anh trình diễn và Khúc tráng ca Hà Nội với giọng hát của ca sĩ Tấn Minh được lồng ghép hài hòa khiến khán giả rưng rưng.
Tấn Minh - Khánh Linh.
Cuối cùng, "Những thanh xuân rực rỡ" như đẩy show diễn lên cao trào. Những ca khúc như Mashup Lạc - Phố (Tốp ca nam), Cốm (Tốp ca nữ), Về với đông (Hồng Nhung), Những tháng ngày tuổi trẻ (Đông Hùng), Medley mùa cũ (Khánh Linh - Tấn Minh), Tôi xưa nay Hà Nội (tập thể nghệ sĩ) chính là bước chuyển mình, vươn lên đầy mạnh mẽ của Hà Nội nay.
Hà Nội, ngày… tháng… năm… không giống như một show ca nhạc khi có thêm những phần diễn xuất với lời kịch rõ ràng. Nhưng nó cũng không phải là một vở nhạc kịch đích thật bởi phần phần thoại chỉ chiếm số lượng rất ít và làm nền cho phần âm nhạc.
Thay vào đó, chương trình giống như những trang nhật ký về Hà Nội được diễn giải bằng âm nhạc với nội dung, kết cấu và cách dàn dựng chặt chẽ, xuyên suốt, liền mạch và để lại ấn tượng thú vị cho khán giả về một cách thưởng thức nghệ thuật khá mới mẻ.
T.H
Theo Vietnamnet