Cây lưỡi hổ có tên khoa học là Sansevieria trifasciata, là một trong những loại cây cảnh được trồng phổ biến nhất hiện nay tại nhiều văn phòng, trường học hoặc nhà riêng.
Loại cây này có chiều cao trung bình từ 40 - 80cm cho nên có thể đặt ở bất kỳ vị trí nào từ trên bàn cho đến góc phòng.
Cây lưỡi hổ có rất nhiều chủng loại khác nhau, thế nhưng đặc điểm chung là phần thân lá khá dẹt nhưng mọng nước, mọc uốn lượn hướng lên trên trông rất sắc nhọn nhưng khi chạm vào sẽ thấy lá khá mềm. Cây có 2 màu chủ đạo là xanh lục hoặc vàng, chạy dọc từ gốc cho đến tận ngọn.
Trong phong thủy, cây lưỡi hổ là loại cây có khả năng trừ tà ma, chướng khí, từ đó đẩy lùi cái đen đủi, xấu xa, mang đến những điều tốt lành và may mắn cho người trồng. Vì thế mà nhiều tòa nhà thường trồng một hàng cây lưỡi hổ thành hàng rào là vì vậy.
Cây lưỡi hổ không hề khó trồng, tuy nhiên nhiều người vẫn mắc phải các sai lầm cơ bản khiến cây khó phát triển, thậm chí còn khiến cây nhanh héo úa và chóng tàn.
Nắm chắc 6 nguyên tắc “sống còn” sau đây sẽ giúp cây lưỡi hổ luôn xanh tốt, khỏe mạnh và không bao giờ mắc bệnh.
Những đại kỵ cần tránh khi chăm sóc cây lưỡi hổ
Tránh nhiệt độ lạnh
Cây lưỡi hổ là cây ưa nhiệt độ ấm áp không chịu được nhiệt độ quá thấp. Do đó tránh tuyệt đối khi đặt lưỡi hổ trong nhà lại đặt chúng đối diện với điều hòa.
Trong các điều đại kỵ cần tránh trên thì cây lưỡi hổ sợ nhất là thừa nước và nhiệt độ thấp. Do đó hãy chú ý đừng tưới nước thường xuyên. Cây lưỡi hổ khác với một số cây cảnh khác, đó là khi bạn quá chăm chút vào chúng, hay tươi nước bón phân thì chúng càng khó phát triển.
Lưỡi hổ thích sự khô cằn một chút để tạo sự cứng cáp mạnh mẽ của loài cây này. Trồng lưỡi hổ trong nhà rất thích hợp để bàn làm việc, phòng khách, phòng ngủ, ban công, cửa sổ.
Tránh chọn đất có nhiều đất thịt
Lưỡi hổ là loại cây cảnh dễ trồng nhưng chúng không ưa loại đất thịt vì sẽ hay bị chặt đất, không thoáng rễ. Khi bạn trồng lưỡi hổ trong chậu thì càng phải tránh loại đất thịt vì sẽ hay làm cây bị úng nước mà chết.
Hãy chọn đất tơi xốp có pha mùn, xơ dừa, mạt cưa, pha cát để trồng lưỡi hổ. Vào mùa xuân khi rễ cây lưỡi hổ phát triển mạnh thì bạn nên thay chậu trồng cây để cây tiếp tục và phát triển, khi thay chậu cần chú ý chọn loại đất thêm 1/3 cát to đồng thời chú ý tới việc thoát nước cho chậu cảnh để cây không bị úng.
Tránh đặt cây ở nơi có ánh sáng mạnh
Cây lưỡi hổ hoàn toàn không thích hợp để đặt tại những nơi có ánh sáng quá mạnh mà chỉ phù hợp đặt ở những nơi ít ánh sáng hoặc ánh sáng nhân tạo như trong phòng.
Nếu ánh sáng mặt trời quá gay gắt có thể làm cháy khô lá hoặc thậm chí làm mất màu lá cây. Do đó loại cây này rất thích hợp để trồng trong phòng mà không lo bị kém phát triển so với các loài thực vật khác.
Tránh trồng nhiều cây sát nhau
Bạn không nên sắp xếp lá cây lưỡi hổ quá gần nhau hoặc trồng quá nhiều cây cùng một lúc trong chậu. Bởi loài thực vật này cần khá nhiều không gian để lá có thể phát triển tự nhiên và mau lớn, tránh bị đan vào nhau làm kết cấu cây bị biến dạng, khiến mất thẩm mỹ.
Tránh bón nhiều đạm
Cây lưỡi hổ không chịu được khi được bón nhiều đạm. Lưỡi hổ cũng không cần bón phân thường xuyên. Thông thường bạn chỉ cần thỉnh thoảng tưới chút nước gạo ủ chua hoặc nước ngâm đậu nành.
Tránh tưới nước thường xuyên
Lá lưỡi hổ mọng nước nên chúng không ưa tưới thường xuyên. Tưới thường xuyên sẽ khiến cây bị vàng lá, úng nước. Bạn chỉ nên tưới cho chậu lưỡi hổ khi đất đã khô. Trung bình nên tưới 1 lần/tuần là quá đủ đối với loại cây này.
Mặc dù là loại cây trồng hữu ích, thế nhưng nó ẩn chứa một số độc tố gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của cả con người lẫn động vật xung quanh. Vậy nên ngoài việc chăm sóc cây lưỡi hổ đúng cách, chúng ta cũng cần hạn chế tiếp xúc quá nhiều, hãy cứ để nó tự làm nhiệm vụ của mình.
Theo Gia Đình Việt Nam