Sáng 13/7, phiên xử 2 cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh và 12 bị cáo khác trong vụ nhận hối lộ để bảo kê cho trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) tiếp tục phần thẩm vấn.

Tiếp tục được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng, ông Phan Thanh Hữu (đang bị tạm giam trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng ở Đồng Nai) được luật sư hỏi về những lần giao dịch đưa tiền giữa ông Hữu và bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang).

Ông Hữu tái nhắc lại mình quen biết ông Nguyễn Thế Anh trước khi thực hiện các chuyến vận chuyển xăng dầu lậu từ Việt Nam sang Campuchia. Lúc đó, ông Thế Anh là Phó cục trưởng Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó chánh văn phòng thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389.

Trùm buôn lậu khai về cuộc gặp cựu đại tá biên phòng ở khách sạn-1
Bị cáo Nguyễn Thế Anh. Ảnh: Thông tấn Quân sự.

"Tôi gặp ông Thế Anh lần đầu tiên tại khách sạn REX nhưng không nhớ tháng mấy, mục đích để nhờ ông Thế Anh giúp đỡ việc buôn lậu xăng dầu", ông Hữu trình bày khi nói về cuộc gặp cựu đại tá biên phòng ở khách sạn ven đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.

Theo ông Hữu, trong cuộc gặp đầu tiên, người này đã "bôi trơn" cho ông Thế Anh 100 triệu đồng. Sau đó, trùm buôn lậu tiếp tục đưa 30.000 USD mỗi tháng cho vị đại tá để giúp đỡ cho việc tuồn hàng lậu qua biên giới được trót lọt.

Nhân chứng khai từ tháng 10/2019 đến 2/2020, ông Hữu đã chi cho ông Thế Anh tổng số tiền 150.000 USD và 500 triệu đồng. Trong đó, ông Hữu có 2 lần gặp Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX.

Ngoài ra, ông Hữu có lần đưa tiền cho cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang thông qua bị cáo Nguyễn Văn An (em họ của ông Nguyễn Thế Anh). An cũng từng chứng kiến 2 người còn lại giao dịch tiền tại khách sạn REX.

Được yêu cầu đối chất lần thứ 2, bị cáo Nguyễn Thế Anh tiếp tục phủ nhận những lời khai của ông Hữu. Trong đó, ông Thế Anh cho rằng mình không bàn bạc, không nhận tiền hối lộ từ Phan Thanh Hữu. “Tôi được giao phụ trách địa bàn khác, không liên quan gì đến địa bàn buôn lậu của Phan Thanh Hữu”, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang trình bày.

Ngoài ra, bị cáo nói nhiệm vụ của Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia không phải đi bắt giữ buôn lậu. Ngoài những lời khai trên, ông Thế Anh còn phủ nhận đã nhờ em họ Nguyễn Văn An nhận tiền hối lộ từ trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu để chuyển cho ông ta.

Đối với cáo buộc giúp Nguyễn Văn An trốn sang Lào, ông Thế Anh cũng bác cáo trạng và khai bị cáo không biết việc cháu họ bỏ trốn.

Trong khi đó, trả lời HĐXX và đại diện VKS quân sự vào cuối buổi chiều 12/7, bị cáo Thế Anh nhiều lần cho rằng mình không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu.

Theo bị cáo, ông ta đã bị ép cung, viết bức "tâm thư" vào tháng 6/2021 để thừa nhận hành vi nhận tiền. “Họ buộc tôi phải nhận những gì tôi không làm", ông Nguyễn Thế Anh nói và cho biết mình không đồng tình với cáo trạng.

Còn khi được gọi để đối chất, Nguyễn Văn An khai đã nhận khoảng 900 triệu đồng từ ông Phan Thanh Hữu. Tuy nhiên, bị cáo An cho rằng đó là "tiền cà phê" để nhờ An giúp tiếp cận ông Nguyễn Thế Anh, không thừa nhận là nhận tiền hối lộ giúp cho ông Thế Anh.

Trùm buôn lậu khai về cuộc gặp cựu đại tá biên phòng ở khách sạn-2
Ông Phan Thanh Hữu tại phiên tòa sáng 13/7. Ảnh: Thông tấn Quân sự.

Theo cáo buộc của VKS, đầu năm 2020, ông Hữu đặt vấn đề và được bị cáo Nguyễn Thế Anh đồng ý. Sau đó, ông Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền mỗi tháng là 60.000 USD và 950 triệu đồng. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, Hữu đã chi cho ông Nguyễn Thế Anh 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.

Sau khi Nguyễn Thế Anh làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, ông Hữu tiếp tục chi cho ông Thế Anh 50.000 USD.

Đầu năm 2021, khi Phan Thanh Hữu bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam, ông Nguyễn Thế Anh đã đưa tiền, móc nối với nhiều người để giúp Nguyễn Văn An trốn sang Lào. Tháng 5/2021, An bị nhà chức trách Lào bắt, bàn giao cho Công an Việt Nam.

Phiên tòa đang tiếp tục phần thẩm vấn.

Trong vụ án, 2 cựu thiếu tướng Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh bị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Cùng tội danh trên, VKS truy tố nhóm cựu sĩ quan gồm Thượng tá Nguyễn Văn Hùng (Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); đại tá Phạm Văn Trên (Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh); Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Lê Xuân Thanh); trung tá Nguyễn Thanh Lâm (Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng); thượng tá Lê Văn Phương (Phó trưởng Phòng CSGT Công an Trà Vinh); thiếu tá Lưu Thế Đức (Phó đoàn trưởng Trinh sát 2); thượng úy Sơn Hoàng Ngự (nhân viên Đồn Biên phòng cảng Trường Long Hòa) và Nguyễn Văn An; Phạm Hồ Hải.

Bị cáo Cao Phước Hoài bị xét xử tội Không tố giác tội phạm. Cựu đại tá Phùng Danh Thoại (cựu Trưởng phòng Xăng dầu của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) hầu tòa về tội Buôn lậu. Riêng ông Nguyễn Thế Anh bị xét xử về 2 tội Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Theo Zing