Đến thăm người bạn cũ, tôi được bạn mời ăn món đặc sản quý Bắc Giang là đĩa trứng chiên. Lúc xắn ra, tôi giật mình khi thấy bên trong lúc nhúc con gì có màu trắng đục, màu đen bằng hạt gạo nếp.

Bạn cho biết đó là trứng kiến gai đen. Xong, bạn bưng ra tiếp đĩa trứng kiến xào tỏi bốc mùi thơm nức.

Vừa ăn, vừa giải thích: “Được gọi là dược liệu quý vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin A, B, D, E; không chỉ làm đẹp da, bồi bổ sức khỏe mà còn trị chứng giảm chức năng sinh dục của nam và nữ…”.

Sau khi tìm hiểu, tôi giật mình vì độ “hot” của loại trứng kiến này.

Gõ từ khóa “mua trứng kiến gai đen” trên Google đã hiện lên 581.000 kết quả, trong đó phần lớn là các địa chỉ bán trứng kiến, những câu hỏi thắc mắc về trứng kiến, những bài viết ca ngợi công dụng của trứng kiến…

Số trứng kiến gai đen mua về, phần lớn đã nở thành con.

Số trứng kiến gai đen mua về, phần lớn đã nở thành con.

Đến một cửa hàng chuyên bán đặc sản miền núi tại đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP HCM), mặc dù tại thời điểm này không đúng mùa thu hoạch nhưng trứng kiến được đóng trong hàng chục hộp nhựa (1 kg/hộp), đã được xếp kỹ vào thùng, chuẩn bị giao cho khách.

Một nam thanh niên tên L. cho biết : “Dù có giá 500.000 đồng/kg nhưng mỗi ngày đều giao cả chục ký cho các nhà hàng. Không chỉ các ông nhậu, cả các bà cũng mê vì ăn vào sẽ đẹp da”.

L. cho biết thêm, sở dĩ trứng kiến mắc vì quá trình săn kiến rất gian nan: “Các loại kiến khác thì làm tổ trên cây, riêng kiến gai đen làm tổ dưới đất. Vào mùa mưa, đất ủ nước lâu nên chúng “di cư” lên cây, mùa nắng lại chui xuống đất.

Tổ kiến gai đen rất chắc, thường làm bằng mùn và lá cây khô nên khó lấy trứng. Muốn săn kiến phải cuốc bộ vào rừng, tìm cả chục tổ mới được một ký trứng kiến.

Không chỉ bị kiến cắn mà còn gặp rắn, rết, bò cạp. Chưa kể, công đoạn làm sạch trứng rất cực.

Mặc dù trứng kiến rơi vào trong vợt nhưng kiến thợ còn rất nhiều, dùng tay nhặt sẽ bị cắn, lắc mạnh chúng không đi mà trứng còn bị giập nát.

Phải cầm lá đợi cho kiến bám vào và đưa chúng ra xa. Khi mang về, trứng kiến được đổ tiếp vào chậu nước để chìm xuống đáy rồi gạn ra”.

Dù không phải mùa nhưng nhiều người bán giải thích do đặt đội khai thác kiến ở nhiều địa bàn, nay lấy chỗ này, mai lấy chỗ khác; duy trì sự sống cho kiến bằng cách chỉ lấy trứng, không bắt kiến trưởng thành, không phá nơi cư trú của kiến… nên có nguồn thu trứng lâu dài, quanh năm.

Một số cửa hàng tại vòng xoay Cây Gõ (quận 6), ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), Cao Lỗ (quận 8) còn bán cả rượu trứng kiến với lời quảng cáo “ông uống bà khen”.

Quan sát số trứng kiến đã mua, chúng tôi thấy trứng rất ít, phần lớn là kiến con màu trắng sữa, màu nâu sậm.

“Nếu trứng kiến 100% sẽ có giá 700.000-900.000 đồng/kg, mùa này tổ kiến quá già, kiến nở gần hết nên mới có kiến sữa. Mà kiến sữa ăn cũng bổ như trứng kiến thôi”, L. khẳng định.

Khi đặt vấn đề về công dụng bồi bổ sức khỏe của trứng kiến gai đen, lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM khẳng định: chỉ nghe trứng kiến vàng làm muối, chưa nghe trứng kiến gai đen.

Về công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, đó chỉ là lời đồn đại. BS CKII Trần Văn Năm – nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM cảnh báo thêm:

“Đây có thể là bài thuốc gia truyền của một số người dân tộc vùng núi. Công dụng thực hư thế nào chưa rõ nhưng người dân nên thận trọng khi ăn loại trứng này.

Trứng kiến cũng giống như trứng của nhiều loại động vật, chứa nhiều đạm, có thể hợp với người này nhưng gây độc với người khác.

Ở một số cơ địa, chỉ cần ăn một ít trứng kiến cũng có thể gây dị ứng, ngộ độc. Chưa kể, nếu người săn kiến dùng thuốc xịt kiến để lấy trứng, trứng kiến cũng ảnh hưởng trực tiếp, khi ăn vào sẽ có hại”.


Theo Phụ nữ TP HCM