Trung Quốc: Gánh nặng sính lễ khiến nhiều nam giới không dám kết hôn-1
Chuẩn bị sính lễ là một tập tục ở Trung Quốc nhưng ngày càng trở thành gánh nặng đối với gia đình nhà trai. (Nguồn: Shutterstock)

Chính quyền thị trấn Daijiapu ở phía Đông Nam Trung Quốc đã phải tập hợp 30 cô gái đến tuổi lấy chồng ở địa phương để ký một cam kết không đòi “tiền thách cưới” cao, đề cập đến phong tục trong đó người đàn ông đưa sính lễ cho gia đình vợ tương lai như một điều kiện kết hôn.

Chính quyền địa phương cho biết họ hy vọng người dân sẽ từ bỏ những phong tục lạc hậu như vậy và góp phần “bắt đầu một xu hướng văn minh mới.”

Khi Trung Quốc đối mặt với tình trạng dân số ngày càng giảm, các quan chức đang tìm cách xóa bỏ hủ tục về sính lễ để thúc đẩy tỷ lệ kết hôn vốn đang ở mức thấp.

Các khoản chi cho một đám cưới đã tăng chóng mặt ở Trung Quốc những năm gần đây - trung bình tới 20.000 USD ở một số tỉnh - khiến việc kết hôn ngày càng trở thành gánh nặng. Các khoản thanh toán thường do bố mẹ chú rể chi trả.

Truyền thống này đã vấp phải sự phản đối ngày càng tăng của người dân. Những người có trình độ học vấn cao hơn, đặc biệt là ở các thành phố, coi việc thách cưới cao là tàn dư của chế độ gia trưởng, coi phụ nữ như tài sản để mua bán.

Ở các vùng nông thôn, nơi phong tục này có xu hướng phổ biến hơn, việc đòi sính lễ cao cũng dần bị phản đối do nó trở thành gánh nặng với những nông dân nghèo, những người phải tiết kiệm thu nhập trong vài năm hoặc phải vay nợ để tổ chức đám cưới cho con trai.

Trong suốt 4 thập kỷ áp dụng chính sách một con, các bậc cha mẹ thường thích đẻ con trai hơn, dẫn đến tỷ lệ giới tính chênh lệch và khiến sự cạnh tranh để cưới vợ ngày càng gay gắt tại Trung Quốc.

Trung Quốc: Gánh nặng sính lễ khiến nhiều nam giới không dám kết hôn-2
Tỷ lệ nữ giới thấp hơn nam giới khiến việc tìm vợ ở Trung Quốc trở nên khó khăn. (Nguồn: CNS)

Sự mất cân bằng thể hiện rõ nhất ở khu vực nông thôn, nơi hiện nay số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới 19 triệu người.

Nhiều phụ nữ nông thôn thích kết hôn với đàn ông ở thành phố để có thể đăng ký hộ khẩu ở thành thị, giúp họ tiếp cận được dịch vụ giáo dục, nhà ở và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Đàn ông ở khu vực nông thôn phải trả nhiều tiền hơn để kết hôn vì gia đình người phụ nữ muốn có sự đảm bảo chắc chắn rằng họ có thể chu cấp cho con gái mình, việc có thể khiến họ lún sâu hơn vào nghèo đói.

Yuying Tong, giáo sư xã hội học tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết: “Điều này đã khiến nhiều gia đình tan vỡ. Cha mẹ tiêu hết tiền bạc và phá sản chỉ để tìm vợ cho con trai.”

Theo các nhà nghiên cứu, ở các vùng nông thôn, hàng xóm có thể bàn tán về những phụ nữ ra giá thách cưới thấp, đặt câu hỏi liệu họ có điều gì không ổn hay không.

Truyền thống này cũng gắn liền với quan điểm cố hữu về vai trò của phụ nữ là người chăm sóc gia đình. Các nhà nghiên cứu cho biết ở các vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ vẫn được coi là hình thức “mua lại” sức lao động từ cha mẹ vợ.

Sau khi kết hôn, người phụ nữ thường phải chuyển về sống với gia đình chồng, mang thai và chịu trách nhiệm nội trợ, nuôi con và chăm sóc chồng.

Trung Quốc: Gánh nặng sính lễ khiến nhiều nam giới không dám kết hôn-3
Theo phong tục, nhà trai phải mang sính lễ sang nhà gái để hỏi cưới. (Nguồn: Shutterstock)

Liu Guoying, 58 tuổi, một bà mối ở Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây, nơi nổi tiếng với tiền thách cưới có thể vượt quá 50.000 USD, cho biết khi ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc trì hoãn hoặc tránh kết hôn, kỳ vọng của cha mẹ họ về khoản sính lễ cũng thay đổi.

Cô cho biết các bậc cha mẹ mong muốn tạo điều kiện cho cuộc hôn nhân khởi đầu suôn sẻ đang có xu hướng tặng khoản tiền sính lễ cho các cặp vợ chồng mới cưới như của hồi môn.

Một thế hệ phụ nữ mới có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ họ cũng có thể đóng vai trò trong việc thay đổi thái độ xung quanh vấn đề này.

Một cuộc khảo sát năm 2020 với khoảng 2.000 người ở Trung Quốc cho thấy các cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao ít đòi sính lễ hơn vì tin rằng chỉ cần yêu nhau là đủ.

Nhưng ngay cả đối với những phụ nữ như Luki Chan, 27 tuổi, đã tốt nghiệp đại học, cơ hội mà mẹ cô chưa bao giờ có được, việc thoát khỏi áp lực từ truyền thống quê hương có thể là điều khó khăn.

Mẹ cô dự tính sẽ đòi ít nhất 14.000 USD tiền sính lễ khi Chan kết hôn, như một khoản hoàn trả cho số tiền bố mẹ đã chi cho việc học hành của cô.

Theo Phụ nữ Việt Nam