Theo SCMP, người đàn ông họ Li đã tiến hành xét nghiệm ADN, lén đăng ký cho "con gái" vào hộ khẩu để cô bé có thể bắt đầu đi học ở một ngôi trường địa phương.
Theo một báo cáo được công bố bởi Jiujiang Fabu - tài khoản mạng xã hội chính thức của thành phố Cửu Giang (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, nơi Li sinh sống) - anh đã một mình nuôi dạy cô bé sau khi người mẹ bỏ nhà ra đi.
Người đàn ông cho biết đã hẹn hò với mẹ của bé gái vào năm 2019 khi người phụ nữ đang mang thai. Sau khi sinh con, người này "biến mất". Li không có lý do gì để nghĩ rằng bé gái không phải con mình, vì thế anh bị sốc khi nhận kết quả ADN.
Li đã làm giả kết quả xét nghiệm ADN, lén cho "con gái" vào sổ hộ khẩu (Ảnh: SCMP tổng hợp).
Do Li chưa kết hôn với người mẹ, cũng không biết cô đang ở đâu, anh đã bị pháp luật ngăn cản việc nhận đứa trẻ làm con nuôi.
Luật pháp Trung Quốc yêu cầu phải có sự đồng ý của ít nhất cha hoặc mẹ đẻ mới được nhận con nuôi. Ngoài ra, người đàn ông độc thân phải lớn hơn đứa trẻ ít nhất 40 tuổi.
Li quyết định làm giả kết quả xét nghiệm quan hệ cha con và đăng ký bé gái là con gái mình. Nhưng khi anh mang giấy tờ đã sửa đổi đến cơ quan công an, nhân viên đăng ký hộ khẩu phát hiện có dấu vết giả mạo và giam giữ anh 5 ngày.
Vụ việc đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, với nhiều ý kiến trái chiều về hành động của người đàn ông. Trong số đó, nhiều người thông cảm cho hoàn cảnh của Li.
"Anh ấy phát hiện đứa trẻ không phải con mình nhưng vẫn muốn cho bé gái một mái nhà, bất chấp vi phạm pháp luật", một người bình luận.
Một người khác viết: "Anh ấy vĩ đại hơn nhiều so với những bậc cha mẹ đẻ vô trách nhiệm".
Bên cạnh đó, số khác ủng hộ quyết định của cơ quan chức năng. "Cảnh sát nên xác minh tình trạng cha mẹ và con cái một cách nghiêm ngặt để ngăn chặn nạn bắt cóc trẻ em", một người cho hay.
Từ năm 2022, Trung Quốc đã chấp nhận kết quả xét nghiệm ADN từ các tổ chức bên thứ ba làm bằng chứng pháp lý. Điều này dẫn đến sự gia tăng việc xác định các trường hợp nhầm lẫn quan hệ cha con.
Deng Yajun, đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết đã làm công việc xét nghiệm ADN trong hai thập kỷ, với tốc độ 10.000 xét nghiệm mỗi năm. Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến một năm trước, cô nói rằng 10% cho kết quả là âm tính.
Theo Deng Yajun, trường hợp xét nghiệm khó khăn nhất với cô là vào năm 2005, khi cô phải nói với một tù nhân và con trai anh ta rằng họ không có quan hệ huyết thống.
Thời điểm đó, Deng được cảnh sát yêu cầu kiểm tra quan hệ cha con của tù nhân này với đứa trẻ, để cậu bé ở độ tuổi sắp vào tiểu học có thể được đăng ký hộ khẩu.
Theo Dân Trí