Ngày 29/4, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc chính thức thông qua luật chống lãng phí thực phẩm, Global Times đưa tin.
Điều 32 của luật này cấm các vlogger ẩm thực tạo và phát tán những video ăn uống vô độ trên không gian trực tuyến. Người vi phạm bị phạt 100.000 NDT (15.451 USD).
Điều này được cho sẽ đặt dấu chấm hết đối với trào lưu mukbang tại đất nước tỷ dân.
Trào lưu "ăn thùng uống vại" chính thức bị cấm ở Trung Quốc. Ảnh: VCG.
Luật cũng cho phép các nhà hàng thu phí thực khách để lại thức ăn thừa. Các nhà cung cấp thực phẩm xúi giục hoặc đánh lừa người tiêu dùng đặt hàng quá nhiều sẽ bị phạt 10.000 NDT.
Luật quy định sẽ phạt tối đa 50.000 NDT đối với những nhà cung cấp dịch vụ ăn uống gây lãng phí thức ăn.
Theo Xinhua, khoảng 18 tỷ kg thực phẩm bị lãng phí mỗi năm ở Trung Quốc. Còn theo Chen Shaofen, nhà nghiên cứu chiến lược phát triển bền vững tại Học viện Khoa học Trung Quốc, đất nước tỷ dân tạo ra gần 1/3 lượng rác thải thực phẩm trên thế giới, tương đương khoảng 135 triệu tấn/năm.
Luật chống lãng phí thực phẩm được các nhà lãnh đạo Trung Quốc giải thích là "một động thái có tầm nhìn xa đối với an ninh lương thực" khi nước này tìm cách ổn định sản lượng ngũ cốc, đảm bảo nguồn cung trong nước.
Trước khi luật được thông qua, chiến dịch "Clean Plate 2.0" đã được chính phủ Trung Quốc tái khởi động. Các áp phích và khẩu hiệu chống lãng phí thực phẩm được dán ở nhiều nhà hàng, trường học.
Tháng 10/2020, “chống lãng phí và trân trọng thực phẩm” được viết trong bản sửa đổi luật bảo vệ trẻ vị thành niên của Trung Quốc.
Một hiệp hội ăn uống ở thành phố Vũ Hán đã đề xuất quy tắc "N-1", theo đó các nhóm khách chỉ được phép đặt món bằng số thực khách trừ đi một.
Theo Zing